Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm giàu nhờ quay video dọa nạt trẻ em ở Trung Quốc

Tận dụng gương mặt có phần dữ dằn, Luo Qingjun thường xuyên quay video dọa nạt để trẻ em ngoan ngoãn ăn cơm hoặc đi ngủ sớm. Các sản phẩm của Luo được nhiều phụ huynh hưởng ứng.

Luo Qingjun (27 tuổi, Chiết Giang, Trung Quốc) được nhiều người nhận xét có gương mặt hung dữ, bặm trợn với mái đầu trọc.

Có lần, vì dỗ mãi mà con không chịu ngủ, một người bạn của Luo nhờ anh quay video để dọa nạt. Ngay khi nhìn thấy mặt và giọng quát của "ông chú đầu trọc", đứa bé nhanh chóng ngoan ngoãn nghe lời, theo The Paper.

Sau đó, bạn Luo đăng video của anh lên mạng xã hội và khiến nhiều người thích thú. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn bắt đầu gửi tiền cho Luo để nhờ anh quay các clip với nội dung cụ thể như bắt con ăn cơm, đi ngủ sớm, dọn dẹp đồ chơi...

quay clip doa tre em anh 1

Các video dọa nạt của Luo khiến nhiều phụ huynh thích thú.

Trong các đoạn video, Luo thường làm vẻ mặt giận dữ, trợn mắt, nói rằng nếu đứa bé không chịu nghe lời người thân thì sẽ phải chịu sự trừng phạt của mình.

"Rác nên được vứt vào thùng rác, không biết sao? Chú sẽ bắt cháu đi nếu cháu không nghe lời bố mẹ", Luo nói trong một video nhận được hàng trăm nghìn lượt xem.

quay clip doa tre em anh 2

Nhiều ông bố bà mẹ trả tiền cho Luo để quay clip dọa con mình.

"Ông chú đầu trọc" dọa một đứa trẻ khác: "Nếu em không chịu làm bài tập, không chịu ăn ngủ đúng giờ, anh sẽ bắt em đi".

Theo phản hồi của nhiều phụ huynh, các video của Luo rất có tác dụng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.

"Cảm ơn anh, video rất hiệu quả, đứa nhỏ đã ngủ rồi", một ông bố hài lòng để lại bình luận trên trang cá nhân của Luo.

Một người khác đồng tình: "Con trai 3 tuổi của tôi sợ hãi và lập tức ngoan ngoãn ngay khi thấy anh trong video".

Luo Qingjun không phải là người đầu tiên cung cấp dịch vụ "dọa trẻ con" ở Trung Quốc. Trước đây, từng có nhiều người được thuê để quay các clip quát nạt, dọa trẻ nhỏ để khiến chúng nghe lời cha mẹ.

Tuy nhiên, có không ít phụ huynh phản đối phương pháp này và cho rằng những hình ảnh đáng sợ có thể khiến trẻ em gặp phải chấn thương tâm lý.

“Đe dọa tinh thần thậm chí còn có hại hơn tét mông hay đánh vào tay trẻ một cách vừa phải. Cách dọa nạt này cũng không sử dụng được lâu và không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em”, Zheng Xiaobian, giáo sư tâm lý học tại Đại học Sư phạm Hoa Trung, cho biết.

Mánh khóe quảng cáo của YouTube trong video cho trẻ em

Nhiều nhãn hàng lợi dụng sự nổi tiếng của những YouTuber nhí để lồng ghép quảng cáo thức ăn nhanh vào các video, có thể gây hại đến thói quen ăn uống của người xem nhỏ tuổi.

Mai An

Bạn có thể quan tâm