Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm khoa học vì… nhà nghèo

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu - Viện phó Viện đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) - vừa được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.

Ở tuổi 44, anh trở thành GS trẻ nhất Việt Nam năm 2015. Ít ai biết, con đường đi đến vinh quang của anh trải qua không ít nhọc nhằn. Thành công của anh là minh chứng cho một chân lý: Có quyết tâm, không gì là không thể.

Sinh ra tại Huế trong một gia đình nghèo có tới 11 anh em, anh sớm nhận ra, chỉ có tri thức mới có thể giúp thay đổi số phận. Bởi thế, dù vất vả mưu sinh, 11 anh em đều chăm chỉ học hành. Trong số này, 9 người tốt nghiệp Đại học, 2 người học nghề.

Sau khi tốt nghiệp khoa Hoá (trường Đại học Tổng hợp Huế), anh quyết định học cao học tại Viện đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu, bước đi đầu tiên cho con đường nghiên cứu khoa học.

lam khoa hoc vi nha ngheo anh 1

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu.

Nói về quyết định của mình, anh chia sẻ: “Lúc đi học, vì nhà nghèo quá nên tôi chỉ nhắm ngành nào có học bổng, được chu cấp ăn ở để bố mẹ không phải lo toan.

Tôi chọn rẽ ngang sang ngành khoa học vật liệu tại Đại học Bách khoa vì khi đó chỉ có duy nhất đơn vị này có học bổng và có kí túc xá cho học viên”. Với anh, làm khoa học như là định mệnh, một thứ định mệnh bắt buộc.

Đến bây giờ, anh vẫn cho rằng, đó là một quyết định mạo hiểm ở thời điểm đó nhưng anh hoàn toàn không hối hận. Sau khi kết thúc nghiên cứu sinh tại khoa Kỹ thuật điện tử - Đại học Twente (Hà Lan), anh đứng trước một quyết định hết sức khó khăn: Trở về nước cống hiến hay ở lại Hà Lan làm việc với mức lương hấp dẫn.

Thời điểm đó, nhờ thành tích cá nhân xuất sắc, anh nhận được nhiều lời mời làm việc cho các tập đoàn lớn tại Hà Lan. Cuối cùng, anh quyết định trở về nước sau khi nghe lời khuyên của người hướng dẫn: “Việt Nam còn khó khăn quá, nếu những người giỏi không trở về thì không có ai giúp đất nước phát triển”.

Khi trở về nước, anh đứng trước áp lực mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Trong khi bạn bè đã chuyển hướng kinh doanh, trở thành những doanh nhân giàu có thì trong suốt 5 năm liền, anh không xin được đề tài nào để thực hiện.

“Hồi mới về, cuộc sống của tôi và gia đình rất vất vả. Tôi vừa phải dạy học, vừa đi làm công ty để kiếm tiền. Cũng có lúc, vì khó khăn quá, tôi phải bỏ ra làm cho doanh nghiệp với mức lương 60 triệu/tháng nhưng rồi lại nhớ phòng thí nghiệm nên tôi quay trở lại” - anh tâm sự.

Trong lúc anh đang gặp khó khăn về tài chính thì năm 2009, quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (Nafosted) ra đời. Anh được giao làm chủ nhiệm đề tài “Phát triển các loại cảm biến trên cơ sở dây nano phục vụ quan trắc môi trường” với mức thù lao khoảng 17 triệu/tháng. Nhờ vậy, anh có thể yên tâm làm công tác nghiên cứu.

Nói về chặng đường mình đã đi qua, anh cho rằng, thành công hôm nay có được một phần là nhờ may mắn nhưng hơn hết vẫn là sự nỗ lực của bản thân.

Anh nói: “Ngày nay các bạn trẻ hay đòi hỏi nhiều quá, chưa đóng góp được gì đã muốn Nhà nước phải thế này, thế kia, đặc biệt là các bạn trẻ từ nước ngoài trở về.

Tôi thì nghĩ rằng, mình cứ phải nỗ lực hết mình đã, làm cho tốt công việc của mình rồi sẽ được đền đáp xứng đáng. Làm khoa học ở Việt Nam không giàu nên càng cần đòi hỏi niềm đam mê. Không đam mê  không thể có thành công”.

Đến nay, anh là tác giả và đồng tác giả của 130 công trình khoa học, 85 bài báo trên các tạp chí ISI, trong đó có 22 bài báo được trích dẫn quốc tế 22 lần.

Anh cũng là chủ nhiệm của một số đề tài như “Nghiên cứu chế tạo một số loại linh kiện điện tử và cảm biến trên cơ sở dây nano oxit kim loại bán dẫn”, “Nghiên cứu chế tạo một số cảm biến khí và sinh học trên cơ sở vật liệu có cấu trúc nano kết hợp công nghệ vi cơ điện tử”…

Năm 2010, anh được nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc của Quỹ Nafosted.

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu giành giải thưởng Tạ Quang Bửu với công trình "Thiết kế chế tạo nano rẽ nhánh SnO2/ZnO nhằm tăng cường tính chất nhạy khí với hơi cồn".

Nghiên cứu này đã đưa ra phương pháp chế tạo nano thứ cấp đơn giản, dễ điều khiển, mở rộng được khả năng ứng dụng của các cấu trúc nano, không chỉ ở lĩnh vực cảm biến khí mà còn có thể mở rộng sang lĩnh vực khác như linh kiện điện tử nano, pin năng lượng. Công trình được đăng trên tạp chí Sensors and Actuators B - một trong những tạp chí chuyên ngành uy tín nhất thế giới năm 2012.

Hơn 12 nghìn tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2013, Việt Nam có 12.261 tiến sĩ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, chiếm 9% tổng số cán bộ nghiên cứu.

http://cand.com.vn/giao-duc/lam-khoa-hoc-vi-nha-ngheo-393440/

Theo Khánh Vy/Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm