Là một trong 30 nhân vật dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam năm 2016 (do tạp chí Forbes bình chọn), tiến sĩ Đoàn Xuân Quang Minh có gần 12 năm tham gia nghiên cứu ở 6 lĩnh vực: Lý sinh (Biophysics), Hóa sinh (Biochemistry), Tế bào học (Cell Biology), Tin sinh học, Miễn dịch học, và Vi sinh vật học.
Hiện Quang Minh công tác tại Viện Pasteur, Paris, Pháp. Trước đó, anh được Đại học Debrecen, Hungary cấp học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tiến sĩ và tốt nghiệp tiến sĩ y khoa với điểm số tuyệt đối (5/5).
Chọn đối đầu bệnh tật từ phòng thí nghiệm
Tốt nghiệp cấp ba ở Việt Nam, Quang Minh du học ngành Y khoa ở Hungary. Anh chọn bắt đầu nghiên cứu khoa học, làm việc trong phòng thí nghiệm từ năm thứ hai, song song với việc thẩm thấu lượng kiến thức khổng lồ trên lớp.
Qua thời gian làm việc và tiếp xúc với người đi trước, anh tâm niệm, chữa trị bệnh là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nghiên cứu ra được cách chữa trị. Từ đó, chàng trai Việt Nam chọn trở thành nhà nghiên cứu khoa học, thay vì bác sĩ lâm sàng.
“Khác với việc chăm sóc sức khỏe cho từng bệnh nhân, một phương thuốc mới nếu được nghiên cứu thành công, như vaccine chẳng hạn, có thể cứu được hàng triệu, hàng tỷ người” – Quang Minh chia sẻ.
Đồ họa: Diệp Uyên. |
Hiện nay, tại viện Pasteur, tiến sĩ trẻ đang nghiên cứu vaccine phòng bệnh truyền nhiễm Chlamydia (bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường sinh dục có số lượng người mắc bệnh cao nhất).
Chlamydia cũng là một trong những nguyên nhân gây mù ở trẻ em cao nhất (bệnh trachoma). Bệnh chưa có vaccine phòng chống nên phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, gây gánh nặng về tài chính nhưng vẫn kháng thuốc.
Theo chị Sara Campos, đồng nghiệp của anh Minh trong đề tài này tại Viện Nghiên cứu Pasteur, phương pháp nghiên cứu do chính tiến sĩ Quang Minh đề ra.
“Phương pháp ChIP-seq hiểu nôm na là quan sát biến động của toàn bộ bộ gene trong các điều kiện khác nhau. Mục tiêu của việc này là cùng lúc quan sát cơ thể và hệ gene của mầm bệnh Chlamydia, đồng thời theo dõi nhiều tương tác, kết quả là thu thập lượng thông tin đa chiều” - Sara trả lời Zing.vn.
Sara cũng chia sẻ, phương pháp phức tạp nhưng hiệu quả này giúp chị bổ sung khái niệm và góc nhìn mới. “Mình luôn cố gắng tìm ra những ý tưởng mới và đề xuất cho việc nghiên cứu” – chị nhận xét.
Chính sự sáng tạo này mà công trình nghiên cứu mà tiến sĩ trẻ Quang Minh tham gia trong quá trình học mang tên “Phát triển phương pháp tự động phân tích hình ảnh tế bào giàu nội dung” được đánh giá cao. Đề tài đã giải quyết cùng lúc bốn vấn đề lớn khác.
Từng từ chối mức lương gấp 3 lần
Gắn bó với nghiên cứu khoa học xấp xỉ 12 năm, Quang Minh chia sẻ, sự tự do sáng tạo và việc được tiếp xúc nhiều ý tưởng lớn mang đến cho anh động lực phấn đấu.
“Vấn đề lương bổng không chi phối tôi”, Minh nói và thẳng thắn chia sẻ anh từng từ chối công việc ở nước ngoài với mức lương gấp 3 lần để đến Pháp.
Vị tiến sĩ trẻ cho rằng, chính Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và viện Pasteur, là trung tâm hội tụ và chuyển giao ý tưởng của ngành nghiên cứu mà anh đang theo đuổi.
Thêm vào đó, theo Minh, các bạn trẻ không nên giữ định kiến về kinh tế eo hẹp khi làm nghiên cứu khoa học. Quang Minh cho rằng, thị trường khoa học theo hướng thương mại hóa lại rất lớn, đặc biệt ở các nền khoa học tiên tiến.
“Các hãng dược phẩm, công nghệ sinh học/y học, sẵn sàng đầu tư lớn vào nghiên cứu đổi mới sáng tạo và công nghiệp y sinh học hiện là ngành sinh lợi nhuận rất cao và lương hấp dẫn” – Quang Minh giải thích.
Anh lấy ví dụ ở viện Pasteur, các buổi chuyển giao công nghệ kết nối học thuật – công nghiệp, biến công trình khoa học thành sản phẩm cụ thể, tìm đối tác tiềm năng hay thương mại hóa bằng sáng chế,… thường xuyên được tổ chức.
Điều này hiện thực hóa các công trình nghiên cứu và thể hiện lợi ích kinh tế của nó, bên cạnh lợi ích cốt lõi phục vụ xã hội.
Gia đình hạnh phúc của tiến sĩ
Đoàn Xuân Quang Minh. Ảnh: NVCC. |
Mối tình 13 năm - động lực cho đơn xin việc tại Paris
Minh chia sẻ, ngoài tình yêu khoa học, mối tình từ thời THPT là động lực lớn để anh gửi hồ sơ việc làm đến CNRS, Pháp.
Quang Minh và vợ (Bảo Khanh) quen nhau khi cùng học lớp chuyên Sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP HCM. Kỳ thi tuyển chọn 3 người vào đội tuyển Olympic môn Sinh năm lớp 10, Khanh “knock out” Minh không chỉ trong việc được chọn mà còn về… tình cảm.
“Trong một lần trú mưa sau buổi thi học kỳ, tôi bắt chuyện với Khanh và cảm nhận được đằng sau vẻ lạnh lùng là một tâm hồn tươi sáng. Mưa hôm ấy tạnh sớm quá, nên tụi mình đành phải tiếp tục hẹn hò hôm sau, sau nữa, đến tận hôm nay, và mai sau nữa” – Minh dí dỏm.
Còn Bảo Khanh chia sẻ, ngay từ lần trò chuyện đầu tiên, Minh đã toát lên thần thái đặc biệt, “của một cái đầu sắc bén và khả năng chạm tới tâm hồn người khác”.
Năm 2004, Minh sang Hungary học Y khoa, Khanh ở Việt Nam học Đại học Y Dược TP HCM. Khanh nhớ lại, “xa nhau 8 năm trời, yêu nhau bằng những cuộc điện thoại hiếm hoi kéo dài… 10 giây chỉ đủ để nói tiếng yêu, bằng cái màn hình máy tính và mạng Internet chậm không đủ để nói chuyện, bằng những icon đơn giản nhất của các công cụ mạng xã hội...”.
Năm 2013, Minh thực hiện lời hứa với Khanh 10 năm trước: thu hẹp khoảng cách từ 10.000 km thành con số 0. “Tôi không đủ tồi để quay lưng dứt áo với người con gái đã đợi mình cả một thời tuổi xuân” – Minh nói.
Cùng sự giúp đỡ của ba mẹ, Minh đã thuyết phục gia đình Khanh và cả hai gặp nhau ở Hungary. Bảo Khanh vừa theo học thạc sĩ ngành Sức khỏe cộng đồng, vừa tham gia nghiên cứu ngành Tin - Sinh học.
Đồng hành được một năm, Khanh nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ. Thấy những cố gắng và sự giỏi giang của Khanh được đền đáp, Minh ủng hộ bạn gái mình theo đuổi ước mơ.
Còn Minh thì, “tôi nhìn lên bản đồ, vẽ một vòng tròn bán kính 1.000 km, có tâm là Lausanne và tìm thông tin hầu hết các viện nghiên cứu, trường học trong vòng tròn này. Tôi thấy nhóm nghiên cứu CNRS tại viện Pasteur ở Paris có định hướng làm việc phù hợp với mình. Vậy là đơn đăng ký vào CNRS được gửi đi bằng động lực của tình yêu tuổi mới lớn và tình yêu khoa học” – vị tiến sĩ chia sẻ.
Mối tình cuối cùng đi đến hôn nhân và cuối năm 2015 vừa qua, Minh lên chức bố với thiên thần có tên Khả My, ghép từ các chữ cái của tên cha mẹ.
Điều đặc biệt là hiện tại, Khanh và Minh vẫn cách nhau ba tiếng rưỡi ngồi chuyến tàu TGV nối Paris và Lausanne. Với Khanh, do hai vợ chồng làm trong ngành nghiên cứu nên việc ổn định chỗ ở không dễ dàng. Điều này còn giúp Khanh và Minh “giữ lửa cho nhau”, vì dù đã là bạn đời, cái cảm giác "người yêu" vẫn còn đâu đó, khi họ vẫn có không gian riêng và tò mò về cuộc sống của người còn lại.
Ngày Quang Minh được đề cử trong tốp 30 người trẻ nổi bật năm 2016, Khanh đã chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng: “Kể ra cô bé 15 tuổi ngày đó cũng có mắt nhìn người nhỉ”.
Khanh cho biết, Minh là người chuộng sự hiệu quả, không phải sự chăm chỉ, cả trong công việc lẫn cuộc sống hằng ngày. Là bạn đời và bạn khoa học với Minh, Khanh nhiều lúc “phát điên” vì Minh luôn đòi hỏi tìm ra cái mới và sự hoàn hảo.
> Người trẻ vươn mình ra thế giới |
Trả lời câu hỏi, làm nghiên cứu có nhàm chán không, Quang Minh nói: “Việc nghiên cứu luôn đòi hỏi nhà khoa học chân chính những ý tưởng mới mỗi khi bước đến bàn làm việc”.
Đó là ý tưởng mới để giải thích cho hiện tượng quan sát được; định hướng và cải thiện phương pháp nghiên cứu; và cuối cùng là tiếp thu ý tưởng mới từ cộng đồng khoa học.
Tiến sĩ trẻ ví von việc nghiên cứu của mình, “nếu vẽ mãi một vòng tròn có lẽ người ta sẽ nhàm chán vì sự lặp lại vô định. Nhưng ngay cả khi đó, việc tìm cách vẽ một vòng tròn sao cho hoàn hảo nhất, nhanh nhất cũng cần rất nhiều sự đổi mới, sự tập trung và kiên định”.
Ba điều Minh đề cập, cùng với việc nghiên cứu liên ngành, đa ngành (6 lĩnh vực khoa học anh tham gia nghiên cứu), giúp Minh chưa bao giờ “chạm trán” với sự nhàm chán.