Từ khi sinh ra, phụ nữ đã gắn liền với thiên chức làm mẹ. Thiên chức ấy vừa đến như một món quà, bản năng vốn có; vừa thôi thúc họ đảm đương hết chuyện bếp núc, nội trợ, quán xuyến nhà cửa và chăm sóc gia đình. Cũng chính thiên chức đã hình thành nên suy nghĩ “một người mẹ tốt mới là phụ nữ tốt” và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ phụ nữ Việt.
Trong phim ngắn Mẹ vừa công chiếu, câu chuyện về mẹ một lần nữa được tái hiện chân thực và giàu cảm xúc, đồng thời đặt câu hỏi khiến người xem phải suy ngẫm: Làm mẹ, làm vợ có phải thiên chức lớn nhất của phụ nữ?
Từ câu chuyện rất đời của mẹ...
Phim mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc của ngoại (NSƯT Kim Xuân) và mẹ (diễn viên Hồng Ánh) - quẩn quanh bên sân nhà với những công việc không tên. Ngay từ những phút đầu tiên, cuộc hội thoại giữa hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ đã khiến không ít người xem chạnh lòng và bồi hồi nhớ đến mẹ:
- Má
…
- Đi đâu thì đi nhanh lên rồi canh giờ về cơm nước cho cả nhà. Chuyện nhà không lo, đi đâu cứ đi miết.
Từ khi trở thành vợ, thành mẹ, phụ nữ dường như không còn sống cuộc đời của riêng mình. Một phần khối óc họ dành cho công việc, một phần nhiều để chu toàn, quán xuyến việc nhà. Một phần con tim họ cất giấu những ước mơ riêng, phần lớn còn lại họ vun đắp tình yêu thương cho chồng, con và giữ lửa tổ ấm.
Lúc ở nhà, mẹ tất bật phụ bà làm nhang, sau giờ làm lại tất bật chợ búa, cơm nước, giặt giũ, dạy con học… không việc gì là không đến tay mẹ. |
Những cuộc hẹn sau giờ làm, những chuyến đi đó đây khám phá vùng đất mới, những cọ màu và giấy vẽ… từng là ước mơ của mẹ, giờ gác lại. Ngay cả khi nhận món quà từ em chồng (cô Ba - diễn viên Hồng Kim Anh) là một chuyến du lịch giá trị, mẹ cũng chẳng mảy may suy nghĩ mà từ chối. Tất cả chỉ vì mẹ là phụ nữ, phải chăm lo cho gia đình.
“Mẹ nói bàn tay người phụ nữ giữ ngọn lửa ấm cho gia đình. Bàn tay con nhỏ bé quá, làm sao nắm thêm được ước mơ riêng?”, dòng chữ người mẹ viết trong bức tranh không chỉ khiến cô con gái xúc động, mà còn để lại nhiều suy ngẫm cho cả những người xem đã, đang và sắp làm mẹ, làm vợ.
Mạch phim được đẩy lên cao khi bà ngoại muốn mẹ nghỉ việc ở cơ quan để làm tròn thiên chức. Khoảnh khắc mẹ lặng lẽ rơi nước mắt trong phòng khi viết đơn xin nghỉ việc khiến người xem vừa day dứt, vừa đau lòng, giận dữ.
Hồng Ánh khiến khán giả rơi nước mắt khi vào vai người mẹ trong phim ngắn ra mắt dịp 8/3. |
Nét hiền hậu, trầm tĩnh của người mẹ (Hồng Ánh thủ vai) khiến bất cứ ai cũng cảm thấy ấm áp, trân trọng và nghẹn ngào xúc động. Câu chuyện của người mẹ trong phim cũng là câu chuyện đời thực mà vô vàn phụ nữ khác gặp phải trên khắp Việt Nam.
…đến thông điệp đáng suy ngẫm về thiên chức của phụ nữ
Cốt truyện dung dị, diễn xuất tự nhiên và những câu thoại rất đời giúp phim ngắn Mẹ dễ dàng chạm tới trái tim của người xem và lan truyền thông điệp mạnh mẽ về thiên chức của người phụ nữ.
Làm vợ, làm mẹ thực sự là niềm vui sống, nhưng nó không phải là công việc quan trọng nhất.
Sẽ có những lúc người phụ nữ cảm thấy mình là bà mẹ được yêu thương nhất thế giới và sẽ có những giây phút họ trở nên quay cuồng, mệt mỏi với những điều vô cùng nhỏ nhặt, để rồi chợt nhận ra rằng, mong muốn có thể dành đôi ba phút cho bản thân, hay chạm tay tới những giấc mơ xưa, vẫn luôn hiện hữu. Chỉ là, vì quá mải mê làm tròn thiên chức, vì phần nhiều khối óc và con tim kia đã dành hết cho gia đình nên những ước mơ, mong muốn của bản thân dần lùi lại phía sau.
Nhân vật mẹ tủi hờn khi nghĩ về gì những gì bản thân đã trải qua khi trở thành một người vợ, người mẹ. |
Câu nói khảng khái, mạnh mẽ của cô Ba vang lên ở cuối phim như một lời thức tỉnh tất cả: “Không lẽ cứ phải đàn bà là quanh quẩn xó bếp”; “Lấy chồng mà phải đánh đổi ước mơ, không có thú vui riêng, không có thời gian riêng của mình thì lấy chồng làm gì?”…
Sống vì gia đình sẽ khiến người phụ nữ hạnh phúc, nhưng niềm hạnh phúc đó sẽ thực sự trọn vẹn hơn khi họ biết sống cho cả chính mình. Cũng giống như một bông hồng, khi mất đi một nửa trông nó vẫn đẹp khi nhìn từ một phía, nhưng sẽ không trọn vẹn khi nhìn từ phía ngược lại. Phụ nữ cũng vậy. Họ xứng đáng với những điều tuyệt vời nhất để bù đắp cho những hy sinh, những đánh đổi của bản thân. Để ngay cả khi đã lấy chồng, có con, họ vẫn có thể được sống những giây phút của tuổi thanh xuân, là bông hồng nở trọn vẹn cho xã hội và cho cả bản thân mình.
Các ông chồng hãy san sẻ, thấu hiểu và hành động nhiều hơn để giảm bớt phần nào những gánh nặng cho người vợ của mình. Và bản thân phụ nữ - những người đang làm vợ, làm mẹ cũng phải tự giải phóng suy nghĩ cho chính mình, có thêm nhiều trải nghiệm dành cho bản thân hơn, chủ động dấn thân làm những gì mình thích.
Bình luận