Hương vị của rừng
Khởi hành từ 9h, vừa đi vừa nhẩn nha ghé một vài nơi, chúng tôi đến văn phòng Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (KBT - thuộc ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vào giữa trưa. Cơn đói cồn cào được giải quyết nhanh chóng bằng bữa cơm trưa tại nhà hàng của KBT.
Để tìm và nhận biết hơn 40 loại lá cây rừng có thể ăn được, các nhân viên của KBT đưa đoàn chúng tôi tiến thêm khoảng 10 km nữa vào sâu trong rừng. KBT này có gần 65.000 ha rừng và trên 32.000 ha mặt nước hồ Trị An. Vậy nên, cái nắng chói chang mùa hè nhanh chóng biến mất giữa mênh mông rừng cây.
Rau quả rừng mọc dọc theo lối đi, lẫn vào những cây đại thụ. Quen thuộc nhất là loại lá giang, có vị chua thanh thường dùng để nấu canh chua. Đa phần các loại khác đều rất lạ với mọi người, mỗi loại một hương vị đặc trưng. Ngoài dùng để làm rau ăn sống, nấu canh, nhiều loại lá còn có thêm tác dụng làm thuốc: lá tam lang trị đau bụng tiêu chảy; lá trung quân trị nhức mỏi, đau lưng; lá cát lồi trị đau lưng, đái buốt; lá lành ngạnh giúp giải cảm, thanh nhiệt… Còn hàng loạt những lá khác nữa mà chúng tôi không thể nhớ hết được công dụng: tàu bay, lộc vừng, sung, điều, xoài, đinh lăng, đọt mây, chân voi, bằng lăng, nhíp, lý, bướm, bìm bìm…
Không chỉ vậy, nhiều loại quả rừng có vị chua ngọt, thanh mát như xoài, dâu, vải… còn giúp chúng tôi giải nhanh cơn khát.
Chiều hôm ấy, cả đoàn được thưởng thức những món ăn đặc sản kết hợp giữa rau rừng với các loại hải sản đánh bắt từ lòng hồ Trị An: gỏi xoài xanh với khô cá kìm; cá tẩm bột chiên, tép rang ăn với rau rừng; lẩu cá lăng.
Cá và tép mang vị béo, ngọt và thơm rất khó tả quyện với vị nồng, chua chua, chát chát của rau rừng tạo nên sức quyến rũ vị giác một cách lạ kỳ. Bụng ai cũng no căng nhưng vẫn còn cảm thấy thèm được ăn thêm. Kể cả các loại nước chấm ở đây được chế biến cũng đậm đà và ngon lạ, chỉ trộn nước chấm với bún cũng đã đủ hấp dẫn. Một anh bạn trong đoàn cảm thán “có lẽ mầm đá cũng chỉ ngon đến thế”.
Theo đầu bếp, cá cơm ở đây còn chế biến được nhiều món khác nhau: chiên giòn, chiên tỏi ớt, rang chua ngọt, gỏi tươi, gỏi khô, canh chua, kho tiêu, kho nghệ, kho điều, kho khế, kho sả ớt, mắm, nước mắm…
Thử làm ngư dân trên “biển” hồ Trị An
Là một phần của KBT, với 32.300 ha, hồ Trị An đã trở thành hồ nhân tạo có diện tích lớn nhất ở Việt Nam, gấp hơn 11 lần hồ T’Nưng (Biển Hồ). Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch hội đồng quản trị Lửa Việt Tour, “phải gọi hồ Trị An là đại Biển Hồ mới xứng tầm cả về độ rộng lớn, sự đa dạng sinh thái và bởi đây còn là túi cá nước ngọt tự nhiên khổng lồ của cả vùng Đông Nam bộ”.
2h, du khách xuống thuyền bắt đầu cuộc hành trình khám phá những kỳ thú trên hồ Trị An. Giữa mênh mông, thăm thẳm của nước cùng với những cơn gió nhẹ mơn man, cái nóng bức của mùa hè Nam Bộ hoàn toàn tan biến. Lòng người cũng như trút bỏ mọi lo toan, muộn phiền chỉ để lắng nghe nghe sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền và ngất ngây với ánh trăng bàng bạc quét trên mặt nước huyền ảo.
Đánh bắt cá trên hồ Trị An. |
Sau 20 khoảng phút, khi trước mắt hiện ra hàng trăm bóng đèn lung linh, nhấp nháy như một lễ hội hoa đăng trên mặt nước nghĩa là du khách đã đến được khu vực ngư dân đánh bắt cá. Làn sóng nhấp nhô đưa tạo cảm giác như những ngọn đèn đang thả mình theo giai điệu rum ba lãng mạn. Ẩn sau đó, hàng trăm ngư dân đang lặng lẽ làm việc với hy vọng “lưới nặng cá đầy”.
Hồ này nổi tiếng với loài cá cơm nước ngọt mà muốn thu hút chúng ngư dân phải chong đèn. Trước đây họ dùng đèn măng sông, về sau thì chuyển sang loại bóng đèn led dùng bình ắc quy. Cuộc mưu sinh của ngư dân được bắt đầu từ khoảng 19-20h hàng ngày cho đến tầm 6-7h sáng ngày hôm sau. Theo anh Nguyễn Hữu Phước, Phó chi cục kiểm lâm, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, hiện có hơn 700 ghe đang khai thác trên lòng hồ Trị An. Đa phần là Việt kiều Campuchia.
Để te (ủi) cá, ngư dân đã tự chế ra một ngư cụ gắn trước mũi ghe. Họ chọn hai cây tre thật dài (trên 9 m/cây), uốn cong như sừng trâu rồi kết nối vào một thân gỗ, sau đó móc lưới (loại có mắt nhỏ) vào, phần cuối của lưới tóp lại để giữ cá. Ngư cụ này như miệng một con cá khổng lồ luôn há để đớp mọi con mồi, đã vào là không thể thoát ra.
Anh Ngô Văn Hưởng, một ngư dân chuyên te cá cơm cho biết: Cá cơm sống cách mặt nước khoảng 3-4 m nên đây là cách đánh bắt cá cơm đem lại sản lượng cao nhất. Mỗi đêm một ghe có thể te được khoảng vài chục kí lô, được mùa thì có thể đạt 1-2 tạ cá. Không chỉ te cá, khách du lịch còn được trải nghiệm thêm nhiều hình thức đánh bắt khác như giăng lưới, câu… để bắt những loài cá lớn hơn như cá lăng, mè dinh… Trên vùng hồ này có đến gần 100 loài cá khác nhau.
Trời hừng sáng, bát cháo nóng hổi, ngọt lừ được nấu từ chính loại cá lóc vừa đánh bắt từ hồ ăn kèm với cá cơm chiên tươi giòn, ngọt, thơm giúp du khách nhanh chóng lấy lại năng lượng sau một đêm thức trắng.
Ngoài hải sản, hồ Trị An còn có gần 100 đảo lớn nhỏ khác nhau. Mỗi đảo trồng những loại cây đặc trưng riêng: mít, điều, xoài, sầu riêng… Trong đó, hai đảo gần nhau là Chim Ó và Đồng Trường đã được đưa vào khai thác du lịch. Đất trên hai đảo đều là loại đất đỏ bazan giống như vùng Long Khánh. Từ xa đã có thể nhìn trọn vẹn toàn đảo Chim Ó, trông như một đĩa bay màu xanh. Phủ xanh đảo là những hàng cây bạch đàn đang mùa thay vỏ, để lộ ra lớp da nhẵn thín, mịn màng. Giữa những gốc cây đã có sẵn nhiều chiếc xích đu để du khách đu đưa theo gió, nhắm mắt lại cảm nhận nhận hương bạch đàn nồng nàn.
Một mặt của đảo là bãi bồi phù sa, mặt còn lại là vách đá dựng đứng lởm chởm, sát mặt nước. Du khách có thể nhặt vài viên sỏi nằm sát mặt nước, được sóng đánh nhẵn thín, đem về làm kỷ niệm. Ghé đảo Đồng Trường du khách có thể thưởng thức nhiều loại trái cây mùa nào thức ấy: bơ, sầu riêng, xoài…
Đi dạo trên đảo Chim Ó. |