Mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với những lựa chọn chi tiêu, nên hào phóng hay không?
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tiêu tiền cho người khác khiến bạn hạnh phúc hơn, nhưng liệu nó có thể giúp cải thiện sức khỏe của bạn?
Có một số bằng chứng cho thấy, dành thời gian cho người khác có thể cải thiện sức khỏe, nhưng chưa có nghiên cứu nào khẳng định tiêu tiền cho người khác cũng mang lại kết quả tương tự.
Vì thế, các đồng nghiệp của tôi và tôi ở ĐH British Columbia đã quyết định tiến hành thử nghiệm xem xem liệu tiêu tiền cho người khác có thể làm giảm huyết áp hay không và thử nghiệm này đã được công bố trên tạp chí Health Psychology hồi tháng 12.
Trong thử nghiệm này, chúng tôi đưa cho 128 người già (từ 65-85 tuổi) 40 đô la mỗi tuần trong vòng 3 tuần. Một nửa số người tham gia (chọn ngẫu nhiên) được đề nghị tiêu tiền cho bản thân, trong khi nửa còn lại được đề nghị tiêu tiền cho người khác. Chúng tôi yêu cầu người tham gia tiêu hết 40 đô la trong một ngày và giữ lại hóa đơn mua hàng của họ.
Chúng tôi đo huyết áp của họ trước khi thử nghiệm diễn ra, trong khi diễn ra và sau khi họ đã tiêu hết số tiền. Chúng tôi chọn cách đo huyết áp trong nghiên cứu này, bởi chúng tôi có thể đo lường nó chính xác trong phòng thí nghiệm và bởi vì huyết áp cao gây ra nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe - nguyên nhân của 7,5 triệu người chết sớm mỗi năm.
Và kết quả chúng tôi nhận được là gì?
Với những người tham gia có tiền sử huyết áp cao trước đó (N=73), việc chi tiêu cho người khác giúp họ giảm huyết áp đáng kể trong suốt quá trình thực hiện thử nghiệm. Mức độ ảnh hưởng của việc này có thể tương đương với lợi ích của việc uống thuốc chống tăng huyết áp và tập thể dục.
Trong khi đó, những người tham gia được chẩn đoán huyết áp cao trước đó được chỉ định tiêu tiền cho bản thân không cho thấy thay đổi gì về huyết áp trong suốt cuộc thử nghiệm. Như dự đoán, với những người không có tiền sử huyết áp cao cũng không nhận được lợi ích gì về mặt sức khỏe khi họ tiêu tiền cho người khác.
Tiêu tiền cho ai cũng là vấn đề
Có một chi tiết thú vị chúng tôi phát hiện ra là, người có vẻ được hưởng lợi nhiều nhất chính là những người tiêu tiền cho người thân thiết nhất của họ. Phát hiện này khớp với nghiên cứu trước đó cũng từ phòng thí nghiệm của chúng tôi.
Ví dụ như, người tham gia đầu tiên của chúng tôi là cựu chiến binh. Ông đã tặng khoản tiền này cho ngôi trường được xây dựng để vinh danh một đồng đội của ông. Một người khác tặng số tiền cho quỹ từ thiện đã giúp cháu gái ông thoát khỏi căn bệnh chán ăn.
Tất nhiên, chúng tôi không biết nhiều về việc phải tiêu tiền như thế nào và tiêu bao nhiêu mới có thể duy trì được những lợi ích sức khỏe này lâu dài. Và không phải lúc nào sự hào phóng cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe. Sự hào phóng chỉ mang lại kết quả tích cực khi nó không vượt quá chi tiêu cá nhân.
Sau khi đọc bài viết này, các bạn có thể sẽ phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định làm từ thiện hoặc giúp đỡ ai đó về tiền bạc, bởi vì áp lực căng thẳng của sự hào phóng cũng làm suy giảm bất cứ lợi ích tiềm năng nào.