Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lạm phát sinh viên giỏi, xuất sắc: Các trường dễ dãi trong đào tạo?

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tăng cao khiến nhiều người hoài ngờ về sự dễ dãi trong công tác đào tạo, đánh giá.

Nhiều năm gần đây, sinh viên đạt loại xuất sắc và giỏi khi ra trường chiếm tỷ lệ rất cao.

Đầu tháng 4 vừa qua, Đại học Ngoại thương tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đợt 1 năm 2025 cho gần 1.300 sinh viên đào tạo chính quy. Đáng chú ý, trong tổng số sinh viên tốt nghiệp lần này, 32,4% em đạt kết quả xuất sắc, 47% loại giỏi. Như vậy tổng số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc đạt gần 80%.

Trước đó, tại lễ tốt nghiệp cuối tháng 8/2024 của Đại học Kinh tế quốc dân, trong số 3.690 sinh viên tốt nghiệp, 1.420 em đạt loại xuất sắc (chiếm tỷ lệ 38,5%), 1.428 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi (chiếm tỷ lệ 38,7%). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc của trường đạt 77,2%.

Hay trong số 4.934 sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM cuối tháng 3/2024, 3.013 sinh viên tốt nghiệp xếp loại giỏi và xuất sắc, chiếm 61,06% tổng số sinh viên.

Nhiều đợt tốt nghiệp trước đó tại Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc cũng áp đảo.

Theo PGS.TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, lý do có thể đề cập chính là chất lượng đầu vào. Sinh viên có đầu vào tốt cộng hưởng với sự nhạy bén, khả năng tự học, tư duy sáng tạo, am hiểu môi trường kinh tế nhiều biến động.

Ngoài ra, sinh viên có sự theo dõi và tư vấn tận tình của cố vấn học tập, được định hướng lộ trình học tập cũng như chuẩn bị các chuẩn đầu ra thật tốt để tốt nghiệp theo đúng kế hoạch. Những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi phát huy năng lực vốn có của sinh viên.

Dù không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực trong đào tạo, chất lượng giáo dục cải thiện hơn trước, song tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi tăng quá cao khiến nhiều người hoài nghi chất lượng thật sự trong đánh giá năng lực người học.

Một giảng viên đại học tại Hà Nội cho rằng không có quy định nào về tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc tại các trường đại học. Dĩ nhiên, trường nào cũng mong muốn tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở mức cao. Chính vì vậy, tình trạng lạm phát học sinh giỏi vốn đã phổ biến ở bậc phổ thông nay lan rộng đến cả đại học.

"Giờ đây, sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, khá trở thành 'của hiếm', trong khi loại giỏi và xuất sắc lại trở nên phổ biến", giảng viên này nhận xét.

Lý giải về tình trạng này, vị này cho rằng nguyên nhân không chỉ đến từ sự dễ dãi trong khâu chấm điểm mà còn do "chạy đua ngầm" giữa các trường.

"Nếu sinh viên trường khác tốt nghiệp toàn loại giỏi mà sinh viên trường mình chỉ khá hoặc trung bình sẽ bất lợi trong việc tìm việc làm sau tốt nghiệp. Trường nào siết chặt quá thì sinh viên lại mất ưu thế cạnh tranh trên thị trường lao động", bà phân tích.

Theo nữ giảng viên, không ít cơ sở giáo dục đào tạo đang có xu hướng nới tay trong đánh giá, khiến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi ngày càng tăng cao qua từng năm. Thậm chí, có trường xem việc nâng điểm là giữ gìn thương hiệu, nhằm tạo lợi thế trong công tác tuyển sinh.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), nhận định việc ngày càng có nhiều sinh viên đạt loại giỏi, xuất sắc không đồng nghĩa với việc chất lượng sinh viên thực sự tăng lên.

Theo ông, ở những trường có đầu vào chọn lọc, điểm chuẩn cao, tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi có thể được lý giải là hợp lý. Tuy nhiên, với các trường có đầu vào ở mức trung bình, nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc lại cao bất thường, cần xem xét lại phương pháp đánh giá và cách tính điểm.

TS Khuyến nhấn mạnh trước đây, sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, khá chiếm tỷ lệ phổ biến, thì nay lại trở thành "hiếm hoi". Ông cảnh báo, nếu không điều chỉnh lại tiêu chí và tỷ lệ phân loại tốt nghiệp một cách hợp lý, kết quả học tập sẽ không còn phản ánh đúng chất lượng đào tạo.

“Thành tích cao không mang lại vinh quang cho nhà trường. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cao cũng không đồng nghĩa với việc sẽ thu hút thêm thí sinh. Nếu trường dễ dãi trong công nhận tốt nghiệp, chính sinh viên là người phải gánh hậu quả”, ông nói.

Cũng theo TS Khuyến, một số cơ sở giáo dục đại học hiện nay cố tình "đẩy" sinh viên đạt loại giỏi để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là con dao hai lưỡi. Nếu sinh viên có bằng giỏi nhưng năng lực thực tế không tương xứng, không chỉ cá nhân sinh viên bị đánh giá thấp, mà uy tín, chất lượng đào tạo của nhà trường cũng bị đặt dấu hỏi.

"Đó là lý do nhiều cử nhân hiện nay dù có bằng cấp cao nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu công việc", TS Khuyến nhấn mạnh.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Gần 20 năm sống với 1 quả thận, nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc Bách khoa

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc vừa tốt nghiệp sớm và xuất sắc ĐH Bách khoa TP.HCM. Gần 20 năm qua, cô chỉ sống bằng một quả thận.

https://vtcnews.vn/lam-phat-sinh-vien-tot-nghiep-gioi-xuat-cac-truong-qua-de-dai-trong-dao-tao-ar939319.html

Kim Nhung / VTC News

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm