Hạt kiểm lâm huyện Đức Cơ hôm nay xác nhận, việc đột kích các xưởng gỗ được Cục An ninh nông nghiệp nông thôn (A86 của Tổng cục An ninh, Bộ Công an) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai trong đợt này nhằm kiểm tra tập trung vào các xưởng gỗ của Công ty Bảo Hoàng (TP Pleiku, Gia Lai).
Theo UBND huyện Đức Cơ, do tính chất nghiệp vụ nên trước thời điểm nhà chức trách vào các xưởng, UBND huyện không được báo cáo sự xuất hiện của đoàn. Hiện, lực lượng chức năng chia làm hai hướng là các xưởng gỗ tại biên giới giáp ranh với Campuchia và các xưởng gỗ tại TP Pleiku.
Cơ quan chức năng đang làm rõ có hay không chuyện các công ty trà trộn gỗ lậu vào gỗ nhập khẩu. |
Trên địa bàn huyện Đức Cơ đang có 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý cho nhập khẩu gỗ qua đường tiểu ngạch từ Campuchia về Việt Nam. Việc nhập gỗ này lực lượng chức năng địa phương không được tham gia, huyện Đức Cơ chỉ tăng cường tuần tra canh giữ bảo vệ rừng trên lâm phần của mình nhằm phòng ngừa các đơn vị trà trộn gỗ trong nước bất hợp pháp thành gỗ nhập khẩu.
Trả lời phóng viên về việc các xưởng gỗ của mình bị "đánh úp", ông Trương Huy Bảo, Giám đốc Công ty Bảo Hoàng cho biết, tại các xưởng gỗ của ông đều là gỗ nhập từ Campuchia, Lào… Chủng loại gỗ chủ yếu là căm xe, dầu.
Từ nhiều năm trước, Bảo Hoàng cùng một số công ty khác được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý cho nhập hàng chục nghìn m3 gỗ từ biên giới qua các cửa khẩu phụ về nước. Giám đốc Công ty Bảo Hoàng cho rằng, tất cả số gỗ nằm trong kho của ông đều là gỗ có giấy tờ hợp pháp, được hải quan, biên phòng làm thủ tục thông quan.
Đến nay, riêng Bảo Hoàng đã nhập về 14.000 m3 gỗ, đóng thuế cho Nhà nước 14 tỷ đồng.