Sau khi bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức đình chỉ học tập vào kỳ thi cuối năm học và buộc thôi học một năm (bắt đầu từ ngày 20/4/2015 đến hết ngày 19/3/2016), nữ sinh này đã uống thuốc tự tử hôm 5/5. Rất may, gia đình em Nguyên kịp thời phát hiện và đưa em đến điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Cà Mau. Ngày 8/5, em Phạm Thảo Nguyên được gia đình xin xuất viện về nhà.
Bà Bùi Thị Diệp (bà nội Thảo Nguyên) cho rằng, quyết định kỷ luật của nhà trường đối với cháu mình là quá nặng. Từ nhỏ, Nguyên hay ốm đau, cha mẹ chia tay nhau nên phải sống với bà nội. Vì vậy, bà làm đơn gửi đến Ban giám hiệu nhà trường, Phòng GD&ĐT huyện Cái Nước đề nghị cho cháu mình sớm trở lại lớp học.
Trường em Nguyên theo học. Ảnh: Tin Tức. |
Theo ông Nguyễn Trung Thượng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cái Nước, quyết định kỷ luật của hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản tuy không trái quy định của ngành, nhưng khi xem xét kỷ luật đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Phạm Thảo Nguyên, hội đồng sư phạm nhà trường chưa chú ý đến yếu tố nhân văn, chưa phân tích, giải thích rõ cho học sinh và gia đình thông hiểu tường tận những quy định và hình thức kỷ luật học sinh sai phạm nội quy, dẫn đến việc nữ sinh có thể do bất đồng với nhà trường nên uống thuốc tự tử.
Ông Thượng cũng chia sẻ, quan điểm của phòng GD&ĐT huyện là chỉ đạo nhà trường xử lý vấn đề này theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Tuy nhiên, việc sai phạm của học sinh cũng cần phải được xử lý theo quy định của ngành để đảm bảo tính giáo dục và răn đe đối với các em học sinh khác.
Ngày 14/5, Ban giám hiệu trường THCS Trần Quốc Toản đã nhận hồ sơ và hướng dẫn gia đình em Phạm Thảo Nguyên bổ sung một số thủ tục để nhận em trở lại lớp.
Ông Nguyễn Thanh Lũy, hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: Mặc dù quyết định kỷ luật học sinh Phạm Thảo Nguyên là đúng với quy định của ngành, song nhà trường chưa lường hết hậu quả của quyết định "cứng nhắc" này.
Việc kỷ luật thiếu tính nhân văn bởi nữ sinh này thuộc diện hoàn cảnh éo le, cha mẹ bỏ nhau được bà nội nhận nuôi dưỡng từ nhỏ.
Qua đây, Ban giám hiệu nhà trường sẽ rút kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo dục học sinh cá biệt hoặc có hoàn cảnh khó khăn, chú trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, để có hướng giáo dục các em tốt hơn trong thời gian sắp tới.
Về vụ việc này, ông Lê Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết: Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Cái Nước phối hợp Ban giám hiệu trường THCS Trần Quốc Toản giải quyết theo hướng "thấu tình, đạt lý"; đồng thời đề nghị Phòng GD&ĐT huyện Cái Nước báo cáo toàn bộ vụ việc và hướng chỉ đạo giải quyết vụ việc kể trên theo đúng quy định của ngành.