Những năm gần đây, mô hình trường quốc tế dần trở nên phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trái chiều khi đánh giá về môi trường học tập tại các trường quốc tế.
Quan điểm trái chiều
Dù điều kiện gia đình khá giả, chị Nguyễn Thu Hiền (quận 4, TP.HCM) vẫn cho cả ba con học trường công thay vì trường quốc tế. Giải thích về lựa chọn này, chị cho biết muốn con học trường công cho tập trung, hạn chế tiếp xúc những nhóm bạn con nhà giàu. Hơn nữa, khối lượng bài vở ở trường công khá nhiều. Việc cọ xát trong môi trường học tập khắc nghiệt và cạnh tranh sẽ là động lực giúp con học tập nỗ lực hơn.
Tương tự chị Hiền, gia đình anh Phan Đình Dũng (quận 7, TP.HCM) cũng không chọn trường quốc tế. Theo quan điểm của anh, con học trường quốc tế từ nhỏ không thật sự cần thiết.
“Con tôi chỉ mới 3 tuổi. Muốn con tiếp cận môi trường giáo dục quốc tế, theo tôi đi du học là phương án thực tiễn nhất, nhưng con phải đủ trưởng thành đã”, anh Dũng cho biết thêm.
Câu chuyện của anh Dũng và chị Hiền chỉ là hai trong nhiều lý do trường quốc tế không được phụ huynh lựa chọn. Từ hai ví dụ trên, có thể nhìn ra điểm tương đồng là nỗi lo lắng về “con nhà giàu”. Phụ huynh từ chối để con học trường quốc tế, dù trường có nhiều lợi thế về cơ sở vật chất cũng như phương pháp giáo dục.
Cách phát huy thế mạnh tại trường quốc tế
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng môi trường giáo dục ở gia đình và nhà trường ảnh hưởng lớn đến nhận thức, nhân cách của con. Dù sinh ra trong điều kiện khá giả, con trở thành người như thế nào phụ thuộc lớn vào phương pháp giáo dục mà con tiếp cận, đặc biệt ở độ tuổi mầm non và tiểu học.
Học sinh trường quốc tế được thực tập trồng lúa như nông dân thực thụ. |
Chẳng hạn, siết chặt chi tiêu là cách anh Nguyễn Quang Duy (quận Phú Nhuận, TP.HCM) áp dụng để dạy con không ỷ lại vào điều kiện gia đình.
“Tôi sẵn sàng chi khoản tiền lớn để con học trường tốt, hưởng chế độ dinh dưỡng khoa học, nhưng điều đó không đồng nghĩa tôi sẽ để con tự do dùng tiền theo ý mình. Quý trọng đồng tiền nghĩa là con sẽ biết trân trọng sức lao động, đây là điều cơ bản con cần có nếu muốn trở thành người thành công”, anh Duy cho biết.
Trong khi đó, chị Thảo có con trai 11 tuổi đang theo học trường Mầm non và Tiểu học Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Chị kể dù còn nhỏ, con chị đã biết giúp đỡ bố mẹ. Trong đợt giãn cách học trực tuyến tại nhà, cháu tự nấu một số món ăn như bò kho mời bố mẹ, sau đó nhờ mẹ quay video chia sẻ với thầy cô và bạn bè cùng lớp các hoạt động ở nhà.
“Thực tế vợ chồng tôi đều rất bận. Việc cho con học trường quốc tế áp dụng phương pháp giáo dục khoa học là cách tôi chọn để giúp con phát triển toàn diện”, chị Thảo tâm sự.
Các bé mặc áo dài, trải nghiệm trò chơi truyền thống tại trường ISSP. |
Đồng tình với quan điểm này, thầy Nathan Bennetts - Trưởng khối Tiểu học lớn trường Quốc tế Saigon Pearl (ISSP) - chia sẻ để trẻ phát triển toàn diện, bên cạnh sự giáo dục của cha mẹ và gia đình, chương trình học cùng phương pháp giảng dạy tại trường cũng đóng vai trò quan trọng.
“Tại trường chúng tôi, ngoài việc học nội dung chính khóa, học sinh còn được tham gia hoạt động giáo dục ngoài trời như thể thao, dã ngoại, ngoại khóa và sự kiện từ thiện để tích lũy kỹ năng sống cần thiết, cũng như có cái nhìn thực tế về những sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Điều này giúp các em học sinh phát triển lòng yêu thương con người, loài vật, thiên nhiên và có sự đồng cảm với các vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống”, thầy cho hay.
Thầy Nathan cùng học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa sau giờ học. |
Thầy Nathan chia sẻ đây là cách giúp trẻ vừa phát triển về mặt học thuật, vừa đảm bảo sức khỏe tinh thần, thể chất và cảm xúc - xã hội.
Bình luận