Trong dịch Covid-19, số lượng nhà đầu tư cá nhân gia nhập thị trường chứng khoán tăng nhanh, nhưng không phải ai cũng thật sự sẵn sàng.
Tác giả Lana Trần
- Cử nhân Marketing tại Webster University (Mỹ)
- Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông marketing với các ngành hàng xe hơi, tiêu dùng nhanh (FMCG)
- Marketing Manager tại một ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam
*Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả Lana Trần, không đại diện cho bất kỳ tổ chức, đơn vị nào. Các nội dung trong bài không phải lời khuyên hay khuyến nghị đầu tư.
_____
Mấy năm nay, đầu tư chứng khoán luôn nóng, và trong dịch Covid-19, nhiệt độ của thị trường chứng khoán chỉ có tăng chứ không giảm.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong năm tháng đầu 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mở 480.000 tài khoản và nâng tổng số lên 3,2 triệu tài khoản.
Hầu như ai cũng có ít nhất một người bạn từng chia sẻ về sự tăng giảm của các mã cổ phiếu, hay khoe rằng đã kiếm hời lớn (hoặc lỗ vốn) từ việc "chơi" chứng khoán.
Bao quanh bởi thông tin dày đặc về chứng khoán, thị trường, cộng thêm việc thấy bạn bè năng động bỏ tiền vào các kênh là nguyên nhân khiến không ít người sốt ruột nhảy vào đầu tư để khỏi lạc đàn.
FOMO trong thị trường chứng khoán là gì?
Là khi bạn chưa sẵn sàng đầu tư cổ phiếu nhưng vẫn muốn đua cùng bạn bè mua mã này bán mã kia, trong khi bản thân không có một kế hoạch đầu tư rõ ràng.
Cũng như các thể loại FOMO (fear of missing out - nỗi sợ bị bỏ lỡ) khác, bạn vướng bẫy FOMO mà bước vào thị trường chứng khoán vì không muốn bị lạc hậu. Việc xung quanh có nhiều người tìm hiểu và tham gia đầu tư khiến bạn cảm thấy vừa áp lực vừa ganh đua.
Bạn sợ bị bỏ lỡ, vì nghĩ rằng đầu tư là một cách thể hiện trách nhiệm đối với bản thân.
Cái giây phút mà bạn đăng ký tài khoản tham gia sàn chứng khoán và chuyển tiền giao dịch, bạn cảm thấy an toàn và thoả mãn – à, mình đang làm một việc thông minh và có ích cho tương lai.
Bên cạnh đó, bản chất của con người là không muốn thấy mình thua thiệt so với người khác. Có lẽ, khi nghe các câu chuyện về những con người tuổi trẻ tài cao, kiếm tiền nhờ “mua con này, bán con kia”, “bắt đáy”, “đu đỉnh”, bạn cũng muốn được như vậy.
Và vì bạn bước vào thị trường chứng khoán do FOMO thôi thúc, nên khi giao dịch bạn còn FOMO nhiều hơn.
Chuyện này gây tổn thất khủng khiếp hơn nhiều!
Mua bán cổ phiếu theo cảm xúc tai hại như thế nào?
Nguyên tắc kiếm lời từ chứng khoán rất đơn giản. Theo lý thuyết, bạn mua khi giá cổ phiếu ở mức thấp và bán khi cổ phiếu đó tăng giá.
Nghe thì dễ, nhưng làm được lại là chuyện khác. Việc mua bán theo cảm xúc nhiều hơn thông tin và kiến thức là rất tai hại.
Ngành nào đang hot? Làm sao để chọn được mã cổ phiếu ngon? Làm sao xác định được giá nào là thấp? Làm sao xác định mức giá nên bán? Làm sao lập được một danh mục đầu tư bền vững? Làm sao xác định được chiến lược đường dài, đường ngắn?
Vì nóng vội do FOMO nên không ít người chẳng kịp chuẩn bị các kiến thức về thị trường, tình hình kinh doanh của công ty, lịch sử giao dịch của các loại cổ phiếu, các chiến lược đầu tư,... Trong khi đây lại là những nền tảng sống còn giúp bạn đưa ra quyết định mua bán đúng đắn.
Một ví dụ, khi đầu tư chứng khoán, có 2 kỹ thuật chính thường được sử dụng khi đưa ra quyết định ra - vào thị trường:
Mua ở gần Điểm hỗ trợ (Support): Đây là điểm mà tại đó một cổ phiếu giảm giá có nhiều khả năng đảo chiều và bắt đầu phục hồi. Giả sử, khi một cổ phiếu giảm giá từ 20 đồng xuống 10 đồng, sau đó bắt đầu tăng trở lại, thì 10 đồng là điểm hỗ trợ. Do đó, nếu cổ phiếu bắt đầu giảm vào lần tiếp theo, bạn biết rằng nhiều khả năng nó sẽ đảo chiều ở mức khoảng 10 đồng.
Bán ở gần Điểm kháng cự (Resistance): Đây là điểm mà tại đó một cổ phiếu đang tăng trưởng có nhiều khả năng đảo ngược hướng, bắt đầu bị thua lỗ. Cụ thể, nếu một cổ phiếu chạy từ 10 đồng đến 20 đồng, sau đó đảo ngược hướng và bắt đầu đi xuống, mức giá 20 đồng là điểm kháng cự.
Tất nhiên, đó chỉ là lý thuyết ở dạng hoàn hảo, FOMO hay khiến các nhà đầu tư mới làm điều ngược lại vì hy vọng hão huyền và nỗi sợ mất tiền:
- Bạn mua gần điểm kháng cự sau khi thấy cổ phiếu tăng giá, và hy vọng rằng mã này đang hot nên sẽ còn tăng tiếp.
- Khi cổ phiếu giảm giá, bạn vẫn lạc quan vì ghi nhớ đến mức tăng mà cổ phiếu đã trải qua gần đây. Bạn quyết giữ lấy cổ phiếu, hy vọng vào một sự phục hồi nhanh chóng.
- Vào thời điểm cổ phiếu giảm xuống gần điểm hỗ trợ, nỗi sợ hãi xuất hiện. Bạn hối hả bán tháo số cổ phiếu mình đang nắm trong tay, với tâm lý cứu vớt được đồng nào hay đồng nấy.
Thực tế, đúng là bạn có thể mua bán cổ phiếu dựa vào lời khuyên vô thưởng vô phạt, thông tin học lỏm và cảm xúc như thế này vài lần.
Mua cao bán thấp. Cứ mất một số tiền thì sẽ sáng mắt ra, sẽ có kinh nghiệm. Đau thương có thể biến thành động lực khiến bạn bớt tuỳ hứng, nghiêm túc học hỏi đầu tư một cách bài bản.
Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả. Khi đã mất tiền rồi, liệu bạn có chắc bản thân vẫn còn vốn liếng và kiên nhẫn làm lại từ đầu?
Chuyện tiền bạc không có chỗ cho FOMO!
Nhà đầu tư Warren Buffet đã nói: “Thị trường chứng khoán là công cụ chuyển tiền từ những kẻ nôn nóng sang những người kiên nhẫn".
Còn dân tài chính hay đùa với nhau là: Nếu đơn giản thì không phải là tài chính.
Chính vì vậy, nếu muốn kiếm tiền từ chứng khoán, bạn cần xác định 4 việc: học nhẫn nại bằng cách quản lý cảm xúc, luyện tập tính kỷ luật, cập nhật liên tục về thị trường kinh doanh, và biết mình đang làm gì.
Hãy quan sát biểu đồ gia giảm giá trị của một mã cổ phiếu nổi tiếng trên thị trường giai đoạn 2013 - 2020:
- Nhà đầu tư nóng vội, thích lời nhiều và nhanh thì sẽ có xu hướng mua vào năm 2013 và bán ra sớm ngay sau đó.
- Nhà đầu tư theo phong trào sẽ mua vào tầm 2018 vì thấy con này nóng, rồi đau tim với những lên xuống giá cả.
- Nhà đầu tư điềm tĩnh và có tầm nhìn sẽ mua sớm khi giá còn thấp, nhận cổ tức hàng năm, và tận hưởng việc kiếm lời khi bán ra vào sau 2018. Còn nếu tiếp tục nắm giữ mã này thì họ cũng chẳng hoảng loạn nếu nó lên rồi xuống rồi lại lên, vì họ biết cách đọc thị trường và tình hình kinh doanh của công ty.
Ảnh: Trading view
Hiểu rõ bản thân trên sàn chứng khoán
Là một lính mới gia nhập sàn chứng khoán, trước tiên bạn cần hiểu chính mình. Sau đây là một số câu hỏi bạn nên tự tìm câu trả lời:
1. Trình độ của bạn đang ở mức nào trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán? Nếu chưa hiểu biết nhiều, thì bạn có biết mình đang cần học những gì chưa?
2. Mục tiêu của bạn đến với đầu tư chứng khoán là gì? Để tìm thêm thu nhập thụ động hàng tháng? Để gia tăng số tiền tích luỹ sẵn có hay để mua những cổ phiếu có giá trị tốt và đem lại cổ tức lâu dài tính theo năm?
3. Bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc sống? Bạn còn trẻ, không có nhiều vướng bận và muốn vừa đầu tư vừa lấy kinh nghiệm để sau này "chơi" lớn hơn? Bạn cần thêm một nguồn thu nhập ổn định cho cuộc sống bắt đầu vào nền nếp của mình?
4. Quan niệm về rủi ro của bạn như thế nào? Đầu tư nào cũng có rủi ro mất tiền. Vậy bạn “chịu chơi” đến mức chỉ cần bảo toàn vốn, hay sẵn sàng mất đến 50% vốn?
5. Tình hình tài chính của bạn ra sao? Bạn đầu tư chứng khoán hết bao nhiêu phần trăm thu nhập, bao nhiêu phần trăm tiền tích luỹ hiện có?
Hãy hiểu bản thân mình đủ rõ để xây dựng một chiến lược và danh mục đầu tư phù hợp (ngắn hạn, dài hạn, kết hợp ngắn hạn và dài hạn).
Song, khi đầu tư chứng khoán thì nên nghĩ đến chuyện đi đường dài.
Thị trường chứng khoán được xem là thước đo của các hoạt động kinh doanh, kinh tế của một quốc gia. Do đó, trừ vài mã, vài ngành “chiếm sóng” nhất thời, đa phần chứng khoán có giá trị tốt, bền vững và cần thời gian chín muồi để đem lại lợi nhuận.
Và hơn hết, hãy tỉnh táo với FOMO!
Trong tình hình mà việc làm giàu nhanh đang là mối quan tâm của nhà nhà, thì nỗi sợ hãi bị bỏ lỡ không chỉ xuất hiện ở những người đang chân ướt chân ráo trên thị trường chứng khoán, mà cả các lĩnh vực đầu tư cá nhân khác nữa, như bảo hiểm, tiền số, vàng, nhà đất…
Trước khi đầu tư gì, hãy dành thời gian tìm hiểu, học hỏi sản phẩm tài chính ấy để chắc rằng mình không… nghịch dại với tiền, để chắc rằng món ấy phù hợp với tính cách, khả năng của bản thân.
Kinh tế rất sôi động, cơ hội sẽ luôn có, quan trọng là bạn bồi dưỡng khả năng của mình trước.