Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH), 1/3 số người đi ôtô có hiện tượng say xe, đặc biệt với hành khách.
Thường người say xe là hành khách chứ không phải tài xế. Tuy nhiên, khi xe tự hành được triển khai, vai trò của tài xế sẽ giảm bớt và gần như tất cả sẽ trở thành hành khách trên xe.
Volkswagen cho biết đã đặt hàng các nhà khoa học tại Wolfsburg (Đức) phát triển công nghệ chống say xe cho xe tự hành, đồng thời nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này.
1/3 người ngồi trên ôtô có triệu chứng bị say xe, theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ. Ảnh: caranddriver. |
Hãng xe Đức đang thử nghiệm nhiều giải pháp chống say xe, trong đó có sử dụng các dải đèn LED lớn trong xe phát sáng màu đỏ hoặc xanh lá cây cùng với giảm tốc và tăng tốc của xe, giúp người ngồi trong có thể dự đoán chuyển động của xe tự hành.
Triệu chứng say xe thường xảy ra với hành khách do không dự đoán được thao tác lái xe tiếp theo của tài xế.
Ngoài cách thức trên, VW còn có ý tưởng về ghế dịch chuyển. Tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào cho ý tưởng này. Có vẻ VW chưa đạt tới cấp độ cụ thể như kính chống say xe theo phong cách Willy Wonka của Citroën.
Ngoài VW, nhiều hãng đang phát triển giải pháp chống say xe cho người ngồi trên ôtô. Ảnh: caranddriver. |
Nhằm đánh giá tính thực tế của các ý tưởng trên, VW đã bố trí người ngồi thử vào xe tự hành, gắn cảm biến đo nhịp tim và nhiệt độ da, cùng camera quan sát màu da rồi cho chuyển động theo kiểu đi rồi dừng, dừng rồi đi trong 20 phút sau xe dẫn đầu.
VW còn lắp thêm màn hình máy tính bảng trong xe phát hình ảnh đàn cá bơi lội tung tăng. Kết quả cho thấy, nếu không có video mô tả sự chuyển động này, người ngồi trên ôtô sẽ say xe hơn.
Nhiều người vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của chống say xe trên ôtô. Chỉ khi xe tự hành thông dụng, ý tưởng của VW và các giải pháp tương tự mới được đánh giá cao.