Nếu đề xuất tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trở thành hiện thực, điều này sẽ đồng nghĩa hàng triệu người Việt Nam có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo không kém tiếng Việt.
Trong bối cảnh tiếng Anh vẫn chỉ dừng ở mức là “ngoại ngữ” thông dụng chứ chưa phải “ngôn ngữ” tại Việt Nam, câu hỏi giới chuyên gia đặt ra là Việt Nam cần vượt qua những trở ngại nào và quan trọng hơn cần bắt đầu từ đâu?
Phổ cập tiếng Anh vẫn là thách thức
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khởi nghiệp muốn đột phá phải tính tới vấn đề toàn cầu chứ không thể chỉ trong nước. Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Bộ trưởng đề xuất với Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.
Theo GS Stephen Krashen, chuyên gia Ngôn ngữ học từ Đại học Southern California, Mỹ, ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ thông dụng có sự khác biệt không hề nhỏ, không nên đánh đồng chúng với nhau.
Ông cho rằng ngoại ngữ là ngôn ngữ được sử dụng ở một quốc gia ngoài ngôn ngữ chính thức được quy định. Để một ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai, nó phải được sử dụng rộng rãi trên cả nước, bên cạnh tiếng mẹ đẻ và người sử dụng phải thành thạo cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.
Nghiên cứu về sự tiếp thu ngôn ngữ thứ hai, GS Krashen định nghĩa ngôn ngữ thứ hai được học/tiếp thu sau tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ thứ hai và tiếng mẹ đẻ có thể được sử dụng song song cùng lúc.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông, trả lời VTC rằng việc biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay. Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Khoảng 20% dân số thế giới có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ này, theo ước lượng năm 2015 của Hội đồng Anh.
Thực tế ở Việt Nam, phổ cập tiếng Anh vẫn còn là thách thức. Việt Nam hiện nằm trong nhóm những quốc gia có khả năng sử dụng tiếng Anh ở mức trung bình, đứng thứ 41/88 theo báo cáo về năng lực tiếng Anh của tổ chức giáo dục Education First (EF) công bố tháng 11/2018.
Theo ông Minh N Tran - Giám đốc Nghiên cứu cấp cao của EF, năng lực tiếng Anh của Việt Nam đang có chiều hướng đi lên. Tuy vậy, nếu so sánh với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Philippines, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước.
Tiếng Anh mới chỉ phổ biến ở các thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng và chủ yếu là dưới hình thức dạy - học chứ không phải ở khía cạnh tiếp nhận ngôn ngữ. Ngay ở các thành phố lớn, việc giảng dạy tiếng Anh còn hạn chế do thiếu giáo viên.
Đầu năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết gần như trường nào cũng thiếu giáo viên tiếng Anh; việc tuyển dụng cũng được đánh giá rất khó. Thiếu giáo viên ngoại ngữ, đi kèm trình độ giáo viên chưa đảm bảo dẫn đến hiệu quả đào tạo môn học này chưa cao.
Kết quả thi THPT vừa rồi cho thấy tiếng Anh là môn thi có điểm trung bình 3,91/10, thấp thứ hai trong 10 môn thi tốt nghiệp, với gần 80% thí sinh đạt điểm dưới trung bình.
Bắt đầu từ đâu?
Câu chuyện tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai không phải xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới. Singapore, Ấn Độ, Philippines hay Malaysia đều là những quốc gia đầu tiên ở châu Á coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Tại Philippines, khoảng 60% dân số có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, tờ Inquirer trích dẫn thống kê năm 2017. Trong khi đó, ở Ấn Độ, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ thứ hai, được gần 250 triệu người (hay ⅕ dân số nước này trong năm 2015) sử dụng.
Những quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, ngoài các nước châu Âu, phần lớn đều từng là thuộc địa của Anh: Ấn Độ, Malaysia, Singapore hay các nước thuộc vùng Caribe. Khi giành độc lập, cộng đồng người sử dụng tiếng Anh ở các nước này vẫn tương đối lớn và tiếng Anh vẫn được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt bên cạnh tiếng mẹ đẻ.
“Điều kiện tiên quyết để một ngoại ngữ thành ngôn ngữ thứ hai là người dân phải tiếp thu được ngoại ngữ đó rồi xây dựng được cộng đồng đủ lớn những người sử dụng nó hàng ngày”, GS Stephen Krashen nói.
Malaysia là ví dụ điển hình. Từng là thuộc địa của Anh, cộng đồng người nói tiếng Anh ở quốc gia này không nhỏ. Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia từng tuyên bố: “Phải thành thạo tiếng Anh để đón đầu và làm chủ cuộc chơi. Tiếng Mã lai của chúng ta vẫn đẹp nhưng để hội nhập, chúng ta cần tiếng Anh”.
Từ năm 2002, ông Mahathir ra quyết định đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của nước này và được dùng để giảng dạy các môn Toán, khoa học tự nhiên ngay từ bậc tiểu học. Năm 2012, Chính phủ Malaysia bỏ chính sách này, trình độ tiếng Anh của người dân đi xuống. Ngay lập tức, chính phủ lại điều chỉnh chương trình đào tạo để tiếp tục thúc đẩy khả năng tiếng Anh của người dân.
Sau khi giành được độc lập từ thực dân Anh, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu lập tức đề cao việc dạy tiếng Anh cho toàn dân với tầm nhìn người Singapore có thể đi khắp thế giới để học tập, nghiên cứu, cũng như giao dịch mua bán, đồng thời thu hút du lịch đến Singapore.
Ở Việt Nam, việc xem xét đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai không phải mới. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi mới đảm đương chức vụ, đã đề ra mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Nhưng nội dung này mới chỉ được bàn chứ chưa trở thành mục tiêu chính thức trong Đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông giai đoạn 2008-2020. Đến nay, chưa có một chính sách cụ thể nào về việc này.
“Ngôn ngữ được hấp thu qua hai thể gián tiếp (học) và trực tiếp (nghe, nói), chủ yếu người Việt hiện tiếp xúc tiếng Anh qua hình thức gián tiếp. Học sinh dù được dạy tiếng Anh ở trường, nhưng sinh hoạt ngoài nhà trường, thậm chí ngoài tiết học tiếng Anh, các em chủ yếu sử dụng tiếng Việt”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, lấy bằng giảng dạy ngôn ngữ Anh (TESOL) tại Australia và đang là giám đốc một công ty tư vấn du học, chia sẻ với Zing.vn.
Muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai cần tăng việc hấp thu ngôn ngữ trực tiếp của người dân. Dẫn ví dụ về Hong Kong, Trung Quốc, bà Minh Nguyệt khẳng định ngoài “lợi thế” là thuộc địa của Anh, chính phủ còn phải có chiến dịch để tăng cường nhận thức về ngôn ngữ Anh trong cộng đồng và tạo điều kiện để tiếng Anh được sử dụng rộng rãi bên cạnh ngôn ngữ chính thức.
Năm 2000, Chiến dịch Anh ngữ Công sở (WEC) được triển khai ở các công ty, doanh nghiệp tại Hong Kong. WEC tập trung vào kênh trực tuyến trên đài phát thanh, TV, sản xuất một số chương trình tivi và phát thanh miễn phí nhằm phát triển khả năng nói tiếng Anh ở người trưởng thành.
Nhiều chuyên gia đúc kết rằng để công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc đào tạo học sinh. Một trong những điều kiện tiên quyết là xây dựng được cộng đồng người sử dụng tiếng Anh thành thạo rộng khắp trên cả nước.