Không đòi hỏi nhiều sự khéo léo, bạn có thể làm phụ kiện, bát đĩa hay bất cứ món gì bạn thích với đất sét tự khô.
Đất sét tự khô (Air Drying Clay) là một vật liệu quen thuộc trong làm đồ handmade. Ưu điểm của chúng là khả năng tự khô khi tiếp xúc với không khí từ 30 đến 45 phút.
Trong kỳ giãn cách, không ít bạn trẻ chọn loại đất sét này làm thú vui giết thời gian hiệu quả. Dù nhìn có vẻ kỳ công, nhưng thật ra, nặn đất sét khá đơn giản và chỉ phụ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi người.
Chia sẻ với Zing, Thiên Ái (23 tuổi, TP.HCM) tiết lộ cách mình giải trí tại nhà và tự tay nặn thành hình những chiếc nhẫn và bông tai bằng đất sét.
Chọn chất liệu đất sét
"Người chưa thử khi nhìn vào chỉ thấy trò này cần đất sét. Tuy nhiên, đất sét tự khô cũng có nhiều loại. Mỗi loại phục vụ cho các mục đích tạo hình khác nhau", Thiên Ái nói.
Theo tìm hiểu của Ái, đất sét Nhật, Thái và đất sét làm gốm là 3 loại phổ biến trong thời điểm hiện tại.
Thiên Ái chọn sử dụng đất sét Thái vì giá bán rẻ, chậm khô đủ để người chơi chỉnh sửa các chi tiết nếu cần. Hơn nữa, loại đất sét này có màu trắng tự nhiên nên dễ trộn màu.
Bên cạnh các tiệm họa cụ, bạn có thể tìm mua đất sét và các dụng cụ liên quan trên sàn thương mại điện tử. Chi phí ước lượng để bắt đầu chơi đất sét tự khô gồm:
- Đất sét: 40.000 đồng/gói 250 gr
- Bộ dụng cụ tạo hình: 20.000 đồng/bộ
- Cọ vẽ: 30.000 đồng/bộ
- Màu acrylic: 20.000 đồng/lọ 100 ml
- Keo phủ bóng: 20.000 đồng/lọ 10 ml
"Tùy vào sở thích và nhu cầu riêng mà người chơi đất sét có thể mua thêm khuôn silicon, kem làm mềm hoặc bỏ qua một vài thứ trong danh sách trên. Cá nhân tôi từng học qua 3D, biết cách nặn tay nên không mua dụng cụ hỗ trợ".
Nhìn chung, chơi đất sét tự khô là thú vui không quá xa xỉ và ai cũng có thể trải nghiệm.
Tự làm phụ kiện từ đất sét
Bước 1: Trộn màu
Thay vì mua đất sét có màu sẵn, Thiên Ái lựa chọn mua đất sét trắng và dùng 1-2 giọt màu acrylic để màu lên chuẩn và đa dạng hơn.
Bước 2: Đo ngón tay
Nếu bạn có ý định làm nhẫn đất sét, lý tưởng nhất vẫn là đo kích thước ngón tay để có độ chính xác cao.
Bước 3: Nặn và đợi đất sét khô
Thời gian khô của mỗi loại đất sét không giống nhau. Đất sét Thái thường sẽ bắt đầu khô khi để ở không khí khoảng 30 phút. Do đó, người chơi cần cố gắng thao tác nhanh nhất có thể.
Tuy đất sét đã khô lúc này, bạn vẫn nên đợi 6-8 tiếng trước khi có ý định sử dụng hoặc vẽ bước tiếp theo. Thường ngày, Thiên Ái nặn đất sét vào buổi tối và vẽ màu vào sáng hôm sau.
Bước 4: Vẽ chi tiết và tiếp tục đợi khô
Sau khi đất sét đã khô hoàn toàn, bạn dùng cọ và màu vẽ thêm các chi tiết cho món đồ.
Vì Thiên Ái làm nhẫn và bông tai có hình động vật, họa tiết,... nên đã sử dụng cọ tỉa để đi các nét nhỏ.
Bước 5: Tô keo phủ bóng
Lớp keo phủ có tác dụng như tấm màn bảo vệ thành phẩm, tránh mồ hôi hoặc nước làm tan màu.
Kinh nghiệm cá nhân của Thiên Ái là bạn nên đợi màu khô hẳn rồi mới thực hiện phủ bóng. Nếu không, màu và lớp phủ quyện vào nhau sẽ làm hỏng công sức nhào nặn bạn vừa bỏ ra.
"Thành phẩm có thể dùng để đeo, bán kiếm tiền hoặc tặng bạn bè khi hết dịch", Thiên Ái gợi ý.
Mẹo sử dụng đất sét tự khô
Chơi đất sét tự khô trong suốt 2 tháng giãn cách xã hội, Thiên Ái rút ra cho mình một số kinh nghiệm riêng.
Để có thể chơi và bảo quản đất sét tốt, bạn cần chú ý một số điều sau:
- Mỗi lần nặn chỉ nên lấy ra lượng đất sét vừa đủ và gói kín phần còn lại. Đất sét ở ngoài không khí lâu sẽ khô đi, không còn mịn và mềm như ban đầu.
- Trong quá trình thao tác, bạn nên cầm đất sét cẩn thận để tránh thành phẩm bị bóp méo.
- Có thể thay thế keo phủ bằng gel sơn bóng móng tay.
- Hạn chế việc để đất sét tiếp xúc với nước. Đó là lý do bước phủ bóng quan trọng. Ngoài ra, bề mặt sản phẩm có lớp phủ cũng giúp bạn dễ lau chùi về sau.