Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lầm tưởng về đột quỵ

Đột quỵ là sự cố sức khỏe gây tử vong hàng đầu. Thực tế, nhiều người vẫn hiểu sai về tình trạng này khiến các bệnh nhân mất đi cơ hội cứu chữa.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm hơn 795.000 người dân tại nước này bị đột quỵ và khoảng 610.000 ca mắc lần đầu. Năm 2019, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 11% số ca tử vong. Đây là tình trạng phổ biến, song, nhiều người vẫn hiểu sai về bản chất của nó.

Đột quỵ là vấn đề của tim?

Tiến sĩ Rafael Alexander Ortiz, Trưởng khoa Phẫu thuật nội mạch thần kinh, Bệnh viện Lenox Hill, Mỹ, cho hay một số người lầm tưởng đột quỵ là vấn đề của tim, nhưng đây không phải cách hiểu đúng. Nguy cơ bị đột quỵ liên quan nhiều đến các yếu tố tim mạch, song, nó không xảy ra ở tim mà là trong não, gây ra bởi sự tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch, tĩnh mạch. Một số người cũng thường hay nhầm lẫn đột quỵ với đau tim.

Theo Medical News Today, đột quỵ có 3 loại. Trong đó, loại phổ biến nhất, chiếm 87% trường hợp là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nó xảy ra khi dòng chảy của máu qua động mạch, cung cấp oxy cho não bị tắc nghẽn.

Kiểu đột quỵ thứ hai là xuất huyết, do động mạch trong não bị vỡ, gây tổn thương các mô xung quanh.

Loại thứ 3 là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), xảy ra khi dòng máu lên não tạm thời bị đứt đoạn, thường không quá 5 phút.

dot quy anh 1

Đột quỵ không phải vấn đề ở tim như nhiều người vẫn nghĩ mà nó là tổn thương trong não. Ảnh: Freepik.

Đột quỵ không thể phòng tránh và điều trị?

Quan điểm này vô tình khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội trong việc giảm nguy cơ bị đột quỵ hoặc thời khắc vàng để cứu chữa người bị đột quỵ.

Theo TS Ortiz, các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất làm tăng khả năng bị đột quỵ là huyết áp cao, thói quen hút thuốc, hàm lượng cholesterol cao, béo phì, tiểu đường, chấn thương vùng đầu, cổ và rối loạn nhịp tim.

Nhiều yếu tố trong số này có thể cải thiện hoặc phòng ngừa (tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, cholesterol cao) bằng lối sống khoa học, thói quen tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, chúng ta nên bỏ thuốc, hạn chế uống rượu cũng là cách để ngăn ngừa bị đột quỵ.

Một số người khác cho rằng đột quỵ là tình trạng không thể điều trị. TS Ortiz nhận định quan niệm này sai lầm. “Thông thường, các bác sĩ sẽ điều trị cấp cứu đột quỵ bằng cách tiêm thuốc làm tan cục máu đông, phẫu thuật cắt huyết khối để loại bỏ cục máu đông. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được đưa đến viện càng sớm càng tốt thì cơ hội cứu chữa càng cao. Trong vòng vài phút hoặc vài giờ kể từ khi họ xuất hiện các triệu chứng, người thân cần đưa nạn nhân đến viện ngay”, vị chuyên gia nói thêm.

Tất cả người bị đột quỵ đều có triệu chứng?

Không phải tất cả người bị đột quỵ đều có triệu chứng điển hình. Một số nghiên cứu cho thấy đột quỵ không triệu chứng thậm chí còn phổ biến hơn nhiều. Điển hình như bài báo được công bố năm 1998 phát hiện trong số hơn 11 triệu ca đột quỵ, 770.000 người có triệu chứng. Như vậy, hơn 10 triệu người bị đột quỵ “thầm lặng” (thiếu máu cục bộ thoáng qua), không dễ nhận biết.

Khi quét MRI các ca thiếu máu cục bộ thoáng qua, bác sĩ phát hiện những đốm trắng từ mô sẹo của mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ trong não. Thông thường, họ chỉ được phát hiện khi đến khám vì đau đầu, gặp vấn đề về nhận thức hoặc chóng mặt.

Tình trạng này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng về lâu dài, nó là dấu hiệu cảnh báo các cơn đột quỵ trong tương lai. Những người có tiền sử bị thiếu máu cục bộ thoáng qua có nguy cơ đột quỵ cao gấp 10 lần so với nhóm còn lại.

dot quy anh 2

Méo miệng, liệt một bên mặt là triệu chứng đặc trưng ở người bị đột quỵ. Ảnh: Metro.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo chúng ta có thể nhận biết người bị tai biến mạch máu não thông qua nguyên tắc F.A.S.T.

Khuôn mặt (Face): Yêu cầu người đó mỉm cười. Miệng của người bị đột quỵ thường lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ, mắt sụp. Một số bệnh nhân bị liệt cơ mặt, không thể cười hoặc cử động miệng bình thường.

Cánh tay (Arm): Yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên cao. Người bị đột quỵ thường không thể nhấc cả hai tay lên do yếu, liệt cơ tay.

Lời nói (Speech): Biểu hiện thứ 3 của người bị đột quỵ đó là rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói lắp. Do đó, chúng ta có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản.

Thời điểm (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người già?

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ đáng kể ở người bị đột quỵ. Những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ gặp phải tình trạng này 10 năm một lần. Tuy nhiên, đột quỵ không phải vấn đề của người già mà nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Một nghiên cứu cho thấy 34% ca nhập viện vì đột quỵ vào năm 2009 ở Mỹ là người dưới 65 tuổi. Đặc biệt, công trình khác được công bố năm 2013 chỉ ra “khoảng 15% ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra ở thanh thiếu niên”.

Các nhà nghiên cứu lưu ý những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, rối loạn lipid và hút thuốc lá là tình trạng phổ biến nhất ở nhóm tuổi này.

Thói quen gây tích mỡ nội tạng

Theo nghiên cứu mới từ Mayo Clinic, ngủ không đủ giấc kết hợp ăn uống thiếu khoa học làm tăng lượng calo tiêu thụ, tích tụ chất béo, đặc biệt ở vùng bụng, trong nội tạng.

Phát hiện mới về chất độc trong nấm ma túy

Không chỉ gây ảo giác, kích thích thần kinh, nhiều người báo cáo về tình trạng bị tê liệt cơ thể sau khi dùng nấm ma túy.

Minh Khôi

Bạn có thể quan tâm