Nấm ma túy có hình dáng bên ngoài không khác những loại nấm dùng làm thực phẩm hay mọc hoang ngoài tự nhiên. Song, chúng chứa chất gây nghiện cực mạnh, nằm trong danh mục các chất ma túy nguy hiểm nhất hiện nay.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy người ăn nấm ma túy bị liệt tạm thời, không thể nhai đầy bí ẩn với giới chuyên gia.
Mối nguy rất đáng lo ngại
Theo Insider, Oregon là bang đầu tiên tại Mỹ hợp pháp hóa nấm ma túy trong việc trị bệnh, làm dấy lên những tranh luận về việc cho phép trồng loài nấm này vào năm 2023.
Các chuyên gia cho biết hai trường hợp dùng nấm ma thuật đã báo cáo về tình trạng bị tê liệt tạm thời và nhấn mạnh rủi ro này cần được xem xét nghiêm túc trước khi Oregon hợp pháp hóa sử dụng psilocybin, thành phần ảo giác trong nấm ma thuật, để sử dụng trong điều trị vào đầu năm 2023.
"Tôi thậm chí không thể nhai. Tôi phải dùng tay cạo cây nấm ra khỏi miệng”, một người dùng nấm ma túy chia sẻ với Insider.
Trong khi đó, Bob, người sử dụng nấm ma thuật thường xuyên khác, đã trải qua tình trạng liệt người 3 lần. Lần đầu tiên là khi anh đang băng qua đường, tai nạn xảy ra không báo trước và hai chân Bob khuỵu xuống.
"Tôi hoàn toàn không kiểm soát được chúng. Tôi bắt đầu lê cơ thể ra đường chỉ bằng cánh tay và cầu cứu sự giúp đỡ của bạn mình”, Bob nhớ lại.
Psilocybe cyanescens là một loài nấm ảo giác có liên quan tình trạng tê liệt tạm thời ở người dùng. Ảnh: Thomas Angus/Imperial College London. |
Nấm thần là loài nấm thuộc họ Cortinariaceae, mọc tự nhiên tại khá nhiều nơi trên thế giới như Bắc Mỹ, Mexico, Nam Mỹ, bán đảo Scandinavia và một số vùng ở châu Á. Theo một nghiên cứu năm 2005, ít nhất 144 loại nấm có chứa hoạt chất thức thần, trong đó nhiều nhất là tại Mỹ Latin và Caribean (hơn 50 loại), Mexico (53 loại), Bắc Mỹ (22 loại), châu Âu (16 loại), Australia (19 loại), châu Á (15 loại).
Hai hoạt chất chính có trong nấm ma túy là Psilocine và Psilotsin. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra ảo giác và các trạng thái thức thần. Các hoạt chất chính của nấm thần tác kích hoạt thụ cảm thể 5-HT 2A, gây ra một số triệu chứng như hưng cảm, ảo giác (ảo thanh, ảo thị), lẫn lộn, hoảng loạn; có thể gặp co giật, mạch nhanh, tăng huyết áp…
Tình trạng tê liệt sau khi sử dụng nấm ma túy không phải là tác dụng phụ phổ biến. GS Jessie K. Uehling, thành viên Ban Cố vấn Psilocybin của bang Oregon, nhấn mạnh tác hại của chất độc Psilocine và Psilotsin trong nấm ma túy “không đơn giản” và là “mối nguy rất đáng quan ngại”.
“Những người sử dụng nấm này bị tê liệt bất ngờ, khi họ đang đi dạo, mất khả năng sử dụng chân. Tôi rất lưu ý về chứng tê liệt ở người dùng nấm thần và sẽ điều tra thêm về nó”, vị chuyên gia này cho biết.
Tình trạng tê liệt tạm thời sau khi dùng nấm ma túy là điều bí ẩn với giới nghiên cứu. Ảnh: iStock. |
Câu hỏi bỏ ngỏ
Chứng tê liệt tạm thời liên quan một số loại nấm nhất định, song, rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
Khi tiến sĩ Simon Beck, chuyên gia về tâm thần học, thực hiện khảo sát trên 400 người sử dụng nấm ma túy ở Australia, hàng trăm báo cáo cho biết họ không thể không thể kiểm soát các bộ phận trên cơ thể sau đó vài giờ. Ông cảnh báo không rõ chính xác tần suất xảy ra hiện tượng này bao nhiêu.
Khoảng 40% số người trong cuộc khảo sát của TS Beck cho biết họ trải qua tình trạng tê liệt cơ thể như bị yếu đi đột ngột, mệt hơn khi vận động. Khoảng 50% báo cáo bị thay đổi cảm giác với triệu chứng tê hoặc kim châm, yếu cơ. Không ít trường hợp báo cáo về tình trạng bị ngã xe đạp, suýt gặp tai nạn ôtô thậm chí sau 3 ngày hết ảo giác vì nấm ma túy.
Tuy nhiên, không phải ai ăn các loại nấm này đều trải qua tình trạng bị tê liệt tạm thời. Các chuyên gia cũng không biết vì sao hiện tượng này xảy ra.
TS Beck cho hay: “Thật khó khăn để thuyết phục mọi người về chứng tê liệt tạm thời ở những trường hợp dùng nấm ma túy. Hiện tại, chưa có báo cáo nào về việc nạn nhân cần nhập viện điều trị hoặc tử vong vì không thở được sau khi dùng loại nấm này”.
Song, vị chuyên gia bày tỏ sự lo lắng: “Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc ức chế hô hấp khác, khả năng bị tê liệt tạm thời do nấm ma túy rất cao”.
Năm 2018, nấm ma túy hay nấm ma thuật xâm nhập vào Việt Nam. Nấm này có chứa chất psilocine và psilotcin - hai hoạt chất nằm trong danh mục 1 - các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng cả trong y học lẫn đời sống xã hội của Nghị định 73/2018/NĐ-CP quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
Loài nấm này có đặc điểm là thường đổi màu, khi ăn vào có thể gây ảo giác vì độc tính trong nó. Bởi vì tính chất thay đổi sắc màu đó mà nó được mệnh danh là “nấm ma thuật”.
Psilocine và Psilotcin có trong nấm sẽ gây kích thích, ức chế thần kinh từ đó tạo ra ảo giác. Điều này rất nguy hiểm khi ảo giác đó làm mất kiểm soát về hành vi, tạo ra những hệ lụy khó lường.
Năm 2020, sinh viên 19 tuổi tại Đại học Bách Khoa bị khởi tố vì trồng nấm ma túy.