Theo CNN, NASA mới xác nhận thông tin này vào ngày 22/3. Với 65 hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời mới được bổ sung, thông tin của NASA đã đánh dấu cột mốc khoa học mới. Kho lưu trữ này là nơi tập hợp các khám phá về hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời, dựa trên báo cáo khoa học được bình duyệt với nhiều phương pháp phát hiện khác nhau.
"Đó không chỉ là một con số. Mỗi hành tinh trong số này là thế giới mới, hành tinh hoàn toàn mới", GS Jessie Christiansen, Trưởng nhóm khoa học của kho lưu trữ, thành viên Viện Khoa học Hành tinh NASA tại Viện Công nghệ California ở Pasadena, Mỹ, cho biết.
CBS News cho biết tổng số ngoại hành tinh (hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời) mà NASA xác nhận là 5.005. Hầu hết nằm trong vùng rất nhỏ bên ngoài Dải Ngân hà. “Nhỏ” theo định nghĩa của NASA là trong vòng hàng nghìn năm ánh sáng. Một năm ánh sáng tương đương 5,88 nghìn tỷ dặm.
Trong lô 65 hành tinh mới, nhiều hành tinh là siêu Trái Đất và hành tinh cận sao Hải Vương, một số hành tinh nóng cỡ sao Mộc. Cũng có hai hành tinh với kích thước bằng Trái Đất, nhưng chúng ở môi trường khoảng 327 độ C nên được coi là “đá nóng” thay vì hành tinh có thể ở được.
NASA xác nhận có 5.005 hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời, song, duy nhất Trái Đất là nơi thích hợp để duy trì sự sống. Ảnh: NASA. |
NASA đã nghiên cứu các ngoại hành tinh trong 30 năm. Tuy nhiên, thậm chí khi số lượng này đã vượt mốc con số 5.000, chỉ có Trái Đất là đủ điều kiện thích hợp cho sự sống của con người. Ngoại hành tinh gần nhất với Trái Đất là Proxima Centauri b, cách chúng ta khoảng 4 năm ánh sáng.
Cho đến nay, trong số các ngoại hành tinh đã được xác nhận, 30% là khí khổng lồ, 31% là siêu Trái Đất và 35% giống sao Hải Vương. Chỉ 4% là hành tinh trên cạn, hoặc nhiều đá như Trái Đất hoặc Hỏa tinh.
“Các nhà khoa học đang tìm kiếm những hành tinh tương tự Trái Đất và dấu hiệu của sự sống trong thiên hà. Trên Trái Đất, sự sống có thể thích nghi với những điều kiện mà con người cho là rất khắc nghiệt như nhiệt độ, bức xạ, độ mặn, chua, khô hạn”, NASA cho biết.
Các nhà khoa học phát hiện có nhiều hành tinh hơn các ngôi sao trong thiên hà nhờ kính viễn vọng không gian Spitzer, kính viễn vọng không gian Kepler và vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp. Trong đó, kính viễn vọng không gian Kepler đã giúp các nhà khoa học khám phá khoảng 2/3 trong số 5.000 hành tinh đã được xác nhận.
Họ đang tìm hiểu tất cả sự kỳ lạ, đa dạng của chúng cũng như cách các hành tinh hình thành, phát triển. Đặc biệt, các nhà khoa học của NASA cũng đang quan sát 8.709 ứng cử viên ngoại hành tinh khác để xác định chúng có thật không.
Từ những năm 1990, các nhà khoa học đã phát hiện ra những hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời đầu tiên. Đến đầu những năm 2000, chỉ có khoảng 100 ngoại hành tinh được biết đến.