Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Làm việc ì ạch, tâm lý an phận khi nhận lương cố định

Sau 4 năm, lương của Minh Khôi vẫn ổn định, nhưng chỉ anh biết mình đang bước chậm lại, bị "ru ngủ" bởi sự an toàn trong khi bạn bè và đồng nghiệp tiến lên rất nhanh.

nhay viec anh 1

Vào ngày cuối cùng của mỗi tháng, Minh Khôi (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn nhận lương khoảng gần 20 triệu đồng.

Đây là khoản tiền cố định mà anh đạt được sau vài năm làm việc tại một công ty thuộc lĩnh vực quảng cáo. Ngoài con số này, anh không có thêm hoa hồng, thưởng, phụ cấp hay nguồn thu nhập nào khác.

Trong giai đoạn dịch bệnh, khi bạn bè chật vật vì lương bổng bấp bênh, Minh Khôi vẫn sống tốt nhờ mức lương cố định, không bị thay đổi dù giảm giờ làm.

Nhưng chỉ anh biết mình đang ì ạch, không tiến cũng chẳng lùi vì “bẫy” thu nhập ổn định này.

“Mỗi tháng, trừ đi chi phí sinh hoạt, tôi để dành vài triệu đồng. Vào cuối năm, tôi được thưởng Tết tương đương 1-2 tháng lương, số tiền không ít ỏi, song không đủ lớn để mua sắm hay làm gì đột phá”, anh chia sẻ cùng Zing.

Sống ổn định nhờ thu nhập cố định

Minh Khôi làm việc ở công ty hiện tại từ khi mới tốt nghiệp đại học. Thời điểm đó, chỉ sau thời gian ngắn đi làm, anh được cấp trên đề xuất mức lương cứng sau thuế 11 triệu đồng/tháng. So với bạn bè đồng trang lứa, con số này được cho là hậu hĩnh.

nhay viec anh 2

Minh Khôi cho rằng công việc sáng tạo nội dung quá bận rộn, anh không còn sức để làm việc khác.

Tuy nhiên, anh nhanh chóng nhận ra lương cố định chỉ làm mình dậm chân tại chỗ, trong khi nhiều người khác gặt hái thu nhập cao hơn nhờ làm các công việc tính lương theo hoa hồng và hiệu suất.

Sau 4 năm, khi được thăng chức và tăng lương như hiện tại, lương của Minh Khôi vẫn ổn định, nhưng chỉ mình anh biết mình đang bước chậm lại, bị "ru ngủ" bởi sự an toàn.

“Nhìn một cách tích cực, tôi vẫn có cuộc sống thoải mái, lương cao hơn nhiều người. Nhưng tôi đâu thể mãi lạc quan như vậy. Mức lương vừa đủ này khiến tôi lười thay đổi, ngại nâng cấp cuộc sống”, anh thở dài.

Ánh Mai (23 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) hiện là nhân viên hành chính nhân sự tại một công ty bất động sản. Cô phụ trách các vấn đề tuyển dụng, văn hoá nội bộ tại công ty. Mỗi tháng, cô nhận thu nhập 10 triệu đồng, chưa lần nào trễ lương.

Theo nhân viên này, tại các bộ phận khác của công ty như nhóm kinh doanh, bán sản phẩm, nhân sự được tính lương theo doanh thu. Tính trung bình, mỗi cá nhân nhận hoa hồng 1% nếu bán được một căn hộ hoặc nhà đất.

"Có người một tháng bán được vài căn hộ, tiền hoa hồng đủ tiêu đến cuối năm. Nhưng cũng có những người không bán được hàng, họ thậm chí còn phải mượn tiền sinh hoạt từ người này, người kia. Làm ở nhóm nhân sự, tôi không còn lạ gì với điều đó", cô kể thêm.

Ánh Mai không ít lần trầm trồ trước thu nhập "khủng" của đồng nghiệp. Tuy vậy, cô cũng hài lòng với mức lương của hiện tại - con số giúp cô chi trả tốt các khoản tiền nhà, ăn uống, vui chơi và không mắc nợ ai.

"Không giàu, nhưng cũng không nghèo. Không dư dả, nhưng cũng không thiếu tiền. Thu nhập của tôi y chang như sự nghiệp, chẳng có gì bất ngờ, không có gì thách thức, nhưng cũng chả có lý do gì để phấn đấu thêm", Ánh Mai mô tả.

nhay viec anh 3

Ánh Mai hài lòng với đồng lương cố định, không muốn thay đổi.

Thu Uyên (25 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng thừa nhận lương cố định giúp mình dễ dàng tính toán các khoản tiêu dùng và tiết kiệm hàng tháng.

Ngoài ra, hình thức nhận lương này cũng giúp cô đỡ áp lực trong công việc. Nhiều năm qua, cô hiếm khi phải chạy deadline hoặc doanh số. Làm nhiều hay ít, cô vẫn nhận chính xác số lương của mình.

Tuy vậy, giai đoạn bão giá những tháng vừa qua, Thu Uyên mới ước rằng mình có thêm thu nhập đột biến để đối phó với sinh hoạt phí.

Cô nghĩ đến việc kinh doanh, nhưng chật vật vì thiếu vốn. Cô cũng muốn thăng chức để tăng lương, song biết rằng điều đó không thể đạt được trong một sớm một chiều.

Cố gắng tìm lối thoát

Cách đây vài tháng, Thu Uyên lên kế hoạch cùng nhóm bạn mở quán cà phê rooftop tại một quận trung tâm. Cô đi tìm thuê một sân thượng với diện tích vừa phải, sau đó bàn bạc với bạn về việc trang trí, thiết kế và mua sắm bàn ghế. Nhưng cô nhanh chóng nhận ra số vốn của nhóm khó lòng làm nên chuyện.

"Thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ ban đầu, kèm theo đó là thiếu tiền và thời gian, chúng tôi quyết định từ bỏ kế hoạch sau thời gian ngắn lên ý tưởng", Thu Uyên tâm sự, cho biết thêm mình khó lòng dứt hẳn việc văn phòng bởi lo sợ thiếu hụt khoản thu cố định.

Sợ rủi ro, mất lương cố định cũng là lý do khiến Ánh Mai từ chối chuyển sang bộ phận kinh doanh khi cấp trên gợi ý vào cuối năm 2021.

"Tôi biết việc chuyển nhóm sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn, tuy nhiên vẫn rất sợ. Nếu tôi suôn sẻ ký được hợp đồng, bán được căn hộ thì không sao, nhưng lỡ không chốt được với khách hàng vài tháng như thế chắc chắn tôi sẽ không trụ được", cô kể lại.

Chia sẻ với Zing, Ánh Mai cho biết nhân viên kinh doanh nào cũng nghĩ công việc bán hàng khá dễ, nhưng đối với những sản phẩm đắt đỏ như bất động sản lại là chuyện khác, đôi khi còn cần cái "duyên" với nghề. Khi không thể gánh gồng được kinh tế, những người này buộc phải nghỉ việc và đi tìm vị trí mới.

Ánh Mai tỏ ra sợ sệt, cũng không tin lắm vào khả năng của mình nên chọn cách thoái lui với những lời đề nghị.

"Làm ở bộ phận tuyển dụng, tôi từng thấy nhiều nhân viên làm kinh doanh được 1-2 tháng đã nghỉ việc", cô nói thêm.

nhay viec anh 4

Minh Khôi thử kinh doanh nhưng thất bại, anh chấp nhận chỉ tập trung vào công việc văn phòng.

Riêng Minh Khôi, anh từng nhận thêm nhiều công việc sáng tạo nội dung bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên lại khó theo đuổi lâu dài.

"Công việc chính đã đủ bận, thậm chí có những lúc phải làm thêm giờ. Tôi không còn đủ sức và khả năng sáng tạo để nhận thêm các công việc khác", anh bày tỏ.

Chỉ tay vào đống hộp giấy xếp chồng tại góc nhà, anh cho biết mình từng góp vốn kinh doanh thời trang secondhand với một người bạn, nhưng thành quả không mấy khả quan.

Hàng ngày, công việc chính tại công ty chiếm quá nhiều thời gian khiến Khôi không còn lúc nào khác để tìm hiểu về thị trường, xu hướng quần áo để phát triển cửa hàng. Anh cũng không có thời gian để học thêm các kỹ năng khác như chụp ảnh sản phẩm, chạy quảng cáo, tìm kiếm tương tác, livestream...

Minh Khôi đối mặt với việc trang bán hàng quá ít lượt xem, các bài đăng trên mạng xã hội không tối ưu và cả hai đều “mù mờ" kiến thức về mặt hàng này.

Kết quả, anh và bạn đều lỗ vốn, hàng tồn động vẫn còn đang đống từng thùng tại nhà. Đến nay Minh Khôi vẫn chưa biết cách xử lý thế nào, cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện kinh doanh nữa.

"Vậy là tôi vẫn chưa làm được gì hơn. Kế hoạch gì cũng chỉ nằm trong đầu, trên giấy. Tôi thấy mình cứ dần chậm lại trong khi bạn bè, đồng nghiệp đang tiến rất nhanh", anh thừa nhận.

Lợi và hại của lương cố định

Trao đổi với Zing, ông Vũ Việt Anh, tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Học viện Thành Công, cho biết mức lương cố định đem lại nhiều lợi ích hơn nhiều người nghĩ.

Theo đó, tiền lương mỗi tháng giúp người lao động đảm bảo đời sống tối thiếu, giúp họ an tâm, tập trung vào công việc.

Tuy nhiên, nếu mức lương đó kéo dài và không có sự thay đổi sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống tăng cao. Đồng thời, các vấn đề nằm ngoài sự kiểm soát như bệnh tật, lạm phát... cũng khiến người lao động lo lắng.

"Với lương cố định, nhiều nhân viên sẽ có tâm lý an phận, làm đối phó. Họ thiếu đi sự quyết tâm, nỗ lực. Đây là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp", ông nói thêm.

Tiến sĩ Việt Anh còn cho rằng nhiều nhân viên đang tìm cách lách luật, giảm bớt khối lượng công việc của họ vì tâm lý làm nhiều, làm ít đều như nhau. Đó sẽ là rào cản khiến người lao động không tạo ra giá trị phát triển theo thời gian, thậm chí không còn sự nhạy bén, năng lực khi đối diện với công việc làm thêm bên ngoài.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông, doanh nghiệp cần tìm ra những chính sách, cơ chế tiền lương để giữ chân người lao động.

"Hiện nay, ngoài việc đánh giá dựa trên bằng cấp, nhiều doanh nghiệp đang đánh giá dựa trên hiệu quả công việc. Thay đổi này khiến nhân viên quyết tâm và gắn bó bền vững hơn với công ty.

Riêng về phía người lao động, ông cho rằng họ cần tạo ra giá trị bằng trị giá doanh nghiệp chi trả.

"Các bạn nên làm việc hơn mức mong đợi, nâng cao kỹ năng. Hiệu suất công việc sẽ đánh giá bạn có xứng đáng được thăng chức và tăng lương hay không", ông nói.

nhay viec anh 5

Mức lương cố định hay linh hoạt đều có những ưu điểm, khuyết điểm. Doanh nghiệp nên cân nhắc để tìm được cơ chế lương phù hợp với nhân viên. Ảnh: Mart Production/Pexels.

Trong khi đó, theo Small Bussiness, lương cố định hay lương linh hoạt đều có nhiều ưu điểm và nhược điểm.

Về năng suất làm việc:

Chế độ lương linh hoạt giúp doanh nghiệp thúc đẩy doanh số bán hàng và thu lợi nhuận cao hơn. Công ty cũng không phải chi trả nhiều tiền cho những người làm việc kém hiệu quả.

Tuy nhiên, lương linh hoạt có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhân viên. Ví dụ, nếu nhân viên bán hàng có lương dựa vào hoa hồng sản phẩm, họ sẽ ít chia sẻ công việc với đồng nghiệp và ít khi nào giúp đỡ nhau vì đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu.

Trong khi đó, mức lương cố định lại không thể kích thích sự nhiệt tình của nhân sự. Điều này khiến doanh nghiệp có thể đang trả lương quá cao cho một người làm kém, và quá thấp so với một người chăm chỉ.

Về trải nghiệm khách hàng:

Những người nhận lương dựa trên hoa hồng và hiệu suất thường có thái độ "bất chấp" đối với khách hàng. Họ muốn buộc khách hàng phải mua sản phẩm bằng cách làm phiền, nài nỉ, đe doạ... Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Còn nhân viên với lương cố định hầu như không phải đối diện với tâm lý đó. Họ tư vấn cho khách hàng với thái độ bình tĩnh hơn vì bán được hay không, đồng lương của họ cũng không thay đổi.

Khi nghề tay trái trở thành gánh nặng

Công việc phụ sẽ trở thành gánh nặng nếu bạn theo đuổi nó chỉ vì mong muốn nhất thời hoặc áp lực đồng trang lứa.

Mỹ Trinh

Bạn có thể quan tâm