Với nhiều cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn, Lamborghini chính là định nghĩa về siêu xe, cũng là những tấm áp phích khổ lớn treo ở đầu giường. Đơn giản bởi những chiếc Lamborghini rất đẹp. Aventador cũng vậy. Siêu xe này thu hút mọi sự chú ý ở bất cứ đâu nó xuất hiện nhờ ngoại thất đầy góc cạnh, thấp và to bè như một chiếc máy bay chiến đấu. Nhìn vào “đôi mắt” sắc lẹm với đèn LED hình chữ Y, ta không thể không nghĩ mình đang đứng trước một con mãnh thú mạnh mẽ và đầy sức sống.
Trườn mình qua cánh cửa cắt kéo đậm chất Lamborghini không quá khó như mọi người vẫn tưởng, ít nhất là cũng dễ dàng hơn rất nhiều khi bạn bước vào BMW i8. Nội thất xe được chế tác thủ công tại nhà máy của Lamborghini đặt tại Sant'Agata Bolognese với rất nhiều chi tiết bằng nhôm, sợi carbon và da thật.
Tuy nhiên, tay nắm cửa bằng nhựa (dù đã được sơn màu như kim loại) sẽ khiến bạn có đôi chút hụt hẫng khi cầm vào. Dù vậy, màn hình tinh thể lỏng cỡ lớn đóng vai trò là cụm đồng hồ trung tâm có thể thay đổi chế độ hiển thị, và nút khởi động động cơ ẩn dưới nắp kim loại sơn màu đỏ bắt mắt, cũng đủ khiến bạn có cảm giác mình đang cầm lái một chiếc chiến đấu cơ.
Khoang lái Aventador rộng rãi hơn rất nhiều so với đàn anh Murcielago, mẫu xe có lẽ chỉ thực sự mang lại cảm giác thoải mái cho người mắc bệnh còi xương. Hệ thống thông tin giải trí có thể được bê nguyên xi từ Audi A4, nhưng đó lại là một điểm cộng vì giao diện trực quan và dễ sử dụng. Bấm nút khởi động, khối động cơ V12 khổng lồ đằng sau lưng tỉnh giấc với một tiếng gầm đầy phấn khích - thứ mà không động cơ tăng áp nào có thể so sánh. Và thế là hành trình… đi mượn Ferrari F12 bắt đầu.
Mất 40 phút để lái xe từ nhà máy Lamborghini đến nhà máy Ferrari đặt tại Maranello. Đáng tiếc thay, tại một đất nước sản sinh ra vô vàn cỗ máy làm nức lòng người hâm mộ, hệ thống đường sá lại quá đỗi tầm thường. Đây là tình trạng chung của nhiều quốc gia thuộc khu vực Nam Âu.
Ở một số đoạn đường đẹp, chiếc Lamborghini Aventador cũng không có nhiều cơ hội được phô diễn sức mạnh vì vô số những chiếc minivan, hatchback phủ kín 2 làn đường. Tuy vậy, bất cứ khi nào cơ hội vượt xe đến, khẽ ấn nhẹ lẫy chuyển số bên trái và nhấn ga, bạn sẽ thấy tất cả chiếc xe chạy cùng làn dường như đứng yên.
Lamborghini Aventador mang trong mình động cơ V12 tên mã L539 dung tích 6.5 lít hoàn toàn mới. Một động cơ hoàn-toàn-mới sau hơn nửa thập kỷ Lamborghini sử dụng động cơ V12 có nguồn gốc từ mẫu 350 GT đầu tiên. Dù chỉ có dung tích nhiều hơn đúng 2 cc so với động cơ V12 của Murcielago nhưng cấu trúc xy-lanh bên trong khối V12 mới của Aventador là hoàn toàn khác biệt.
Một xy lanh của khối V12 Murcielago có đường kính và hành trình piston 88 x 89 mm - gần như là một hình vuông, trong khi xy lanh của Aventador là 95 x 76,4 mm. Hành trình piston ngắn hơn giúp rút ngắn quãng đường di chuyển của piston, qua đó giảm sự rung do lực ly tâm và giảm nhiệt độ sinh ra do ma sát. So với Murcielago, Aventador có công suất tăng 8% và tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 20%.
Bên cạnh động cơ mới, Aventador cũng nhận được hộp số 7 cấp ly hợp đơn ISR hoàn toàn mới. Ly hợp đơn? Trong khi nhiều mẫu xe “không thể thao” cũng được trang bị hộp số ly hợp kép? Câu trả lời của Lamborghini thật đơn giản: hộp số ly hợp đơn nhỏ gọn hơn, có thời gian sang số chỉ 50 miligiây, tương đương với hộp số ly hợp kép. Quan trọng hơn, hộp số ISR mang lại những pha sang số “giàu cảm xúc nhất thế giới”.
Qua trải nghiệm thực tế, ở chế độ Strada và Sport, xe sang số đủ nhanh để người lái tận hưởng tốc độ nhưng cũng đủ chậm để không gây ra sự khó chịu cho hành khách trên xe. Tuy nhiên, ở chế độ Corsa, mỗi pha sang số đều khiến đầu bạn đập mạnh vào đệm tựa đầu với áp lực khủng khiếp. Đúng, rất cảm xúc!
Đến đại bản doanh của Ferrari, bạn sẽ được “mời” đỗ xe bên kia đường một cách lịch sự nhất có thể, đơn giản vì không một chiếc Lamborghini nào được phép bước chân qua cánh cổng dẫn vào ngôi nhà của Ferrari! Vậy là chiếc Lamborghini Aventador đành đỗ xe ở tiệm bán đồ lưu niệm và ngay lập tức thu hút một đám đông không hề nhỏ. Bước ra khỏi xe khó hơn khá nhiều so với bước vào, nhưng người trong xe vẫn cố ngẩng cao đầu và tỏ một bộ mặt thật “cool” khi vất vả chen qua đám đông hiếu kỳ.
Lamborghini sẵn sàng trao xe cho hai nhà báo lái thử một cách không thể đơn giản và nhanh gọn hơn, trong khi Ferari có hẳn một bài học về F12 dành riêng cho hai gã đàn ông từng-lái-Lamborghini. Họ nói về việc sử dụng sợi carbon cho xe thương mại là rất đắt đỏ và chỉ dành cho những mẫu hypercar hàng đầu, cũng như nói về hệ thống treo từ tính có thể phản ứng với mặt đường chỉ trong 5 miligiây. Họ còn cho thấy động cơ V12 6.3L của F12 có sự phản ứng nhanh nhạy hơn hẳn so với một đối-thủ-có-động-cơ-V12 khác.
Cuối cùng, bài học dài dằng dặc đã kết thúc. Đứng cạnh Aventador, thực sự Ferrari F12 có ngoại hình kém ấn tượng hơn nhiều (nhưng dù sao nó vẫn còn đẹp mã hơn Ferrari FF). Dù không đẹp bằng Aventador, Ferrari F12 thực sự là một kỳ quan về công nghệ với món “đồ chơi” nổi bật nhất là hệ thống khí động học Aero Bridge - hai lỗ hổng ở ngay sau bánh xe trước.
Hai lỗ hổng này dẫn hướng luồng gió bên trên nắp capô xuống 2 bên sườn xe, tạo ra lực ép xuống mặt đường giúp xe bám đường tốt hơn. Ferrari F12 có thể tạo ra 122 kg lực ép xuống mặt đường ở vận tốc 200 km/giờ, nhiều hơn tới 76% so với đàn anh 599 GTB.
Do kết cấu động cơ đặt dọc giữa xe, hộp số đi liền động cơ, Lamborghini có tỷ lệ phân bổ trọng lượng trục trước/sau khá tối ưu: 43/57 (43% trọng lượng đặt trên trục bánh xe trước, 57% bánh sau), khá gần với tỷ lệ hoàn hảo 50/50. Tuy nhiên, Ferrari F12 cũng không hề kém cạnh với tỷ lệ 44/56 dù có động cơ đặt trước.
Giải pháp của Ferrari là kết cấu transaxle: động cơ đặt trước, hộp số và vi sai được tích hợp thành một khối và đặt ngay trên trục bánh xe sau. Như vậy, 2 thành phần nặng cân nhất trên một chiếc ôtô (động cơ và hộp số) được đặt cân đối lên hai trục bánh xe. Kết cấu transaxle đã được Ferrari thực hiện từ mẫu 275 GTB ra đời năm 1964.
Xe minh họa: Ferrari FF.
|
Về công suất máy, Lamborghini Aventador thua thiệt một chút so với đối thủ Ferrari. Khối động cơ của Aventador sản sinh công suất tối đa 700 mã lực, trong khi Ferrari F12 sản sinh 730 mã lực. Cả hai động cơ đều có lực mô-men xoắn cực đại 690 Nm, nhưng lực mô-men xoắn cực đại của động cơ Aventador đến sớm hơn (5.500 vòng/phút so với 6.000 vòng/phút).
Lamborghini mất 2,9 giây để tăng tốc lên 100 km/giờ, trong khi Ferrari F12 mất 3 giây. Ở bất kỳ thông số có thể đo đạc được nào, cả hai siêu xe đều thể hiện là kẻ tám lạng, người nửa cân. Đúng là kỳ phùng địch thủ!
Động cơ V12 6.3L của Ferrari F12 là một bản nâng cấp của chiếc FF, với tỷ số nén đáng nể lên tới 13,5:1 và cổ góp khí nạp, khí xả được nâng cấp. Hai yếu tố này giúp F12 có công suất lớn hơn FF tới 79 mã lực. Tuy nhiên, công suất tối đa không thể ấn tượng bằng cách khối động cơ V12 này phản ứng với từng milimét chân ga của người lái.
Động cơ của Ferrari F12 thực sự là một trong những động cơ hút khí tự nhiên tuyệt vời nhất thế giới: nó tăng tốc độ quay cực nhanh và có lực kéo khổng lồ ở mọi vòng tua. Kết hợp với hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép mang trong mình công nghệ F1 có khả năng sang số trong tíc tắc, Ferrari F12 cho bạn một trải nghiệm tốc độ khó quên.
(Còn tiếp)