Sau cơn mưa đầu mùa giải thoát TP.HCM khỏi cái nóng oi bức, tôi bỗng muốn "đổi gió" ở một quán bar mới.
Rảo bước trong bầu không khí nhộn nhịp ở khu Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM) dịp cuối tuần, tôi chú ý đến Art Bar Việt Nam đang nằm yên ắng giữa ngã ba đường.
Bước vào quán, tôi như lạc vào một thế giới nghệ thuật. Art Bar Việt Nam đi theo mô hình cocktail bar kết hợp với art gallery (phòng trưng bày nghệ thuật), được cho là đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Một quầy bar được đặt ngay giữa quán. Những bức tường bao quanh và thậm chí trần nhà là các tác phẩm nghệ thuật khổ vừa và lớn, tạo thành một không gian triển lãm sinh động.
Để có thể cảm nhận mọi thứ chậm rãi và rõ ràng hơn, tôi chọn cho mình một vị trí tại quầy pha chế, vốn luôn là chỗ ngồi yêu thích nhất của tôi.
Tôi đến với Art Bar Việt Nam như một cái duyên. Trùng hợp là vài tháng trở lại đây, tôi bày tỏ sự quan tâm đến nghệ thuật. Nhiều triển lãm của các nghệ sĩ, họa sĩ trong và ngoài nước trở thành điểm đến thu hút tôi và nhiều người trẻ khác.
Tại quầy bar, tôi gọi cho mình một ly Whisky Sour. Người đảm nhận phần pha chế đồ uống là một bartender người Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi đang chìm đắm trong ca khúc While Your Lips Are Still Red của Nightwish, anh Hoàng Khương, kiến trúc sư kiêm nhà sáng lập Art Bar Việt Nam, chào mừng tôi ghé quán. Trên tay anh là một ly Old Fashion.
Cuộc gặp gỡ tình cờ với chủ quán đã giúp tôi "giải mã" về phòng trưng bày đặc biệt này.
Theo lời giới thiệu, Art Bar Việt Nam chỉ mới chính thức ra mắt vào tháng 4 vừa qua. Toàn bộ không gian do anh Hoàng Khương tự tay lên ý tưởng và thực hiện.
Triết lý Phật giáo được đặt vào kiến trúc quán bar một cách tinh tế và đầy ẩn ý. Quán gồm một cổng chính và hai lối đi phụ dẫn vào bên trong, tượng trưng cho sự cân bằng dựa trên triết lý "nhất thể nhị nguyên". Theo triết lý này, mỗi con người phải luôn cân bằng được hai yếu tố: tâm và trí.
"Tương tự, người họa sĩ phải luôn tìm được sự cân bằng giữa cái tôi và nhu cầu thị giác của công chúng", chủ quán chia sẻ.
Trong khi đó, quầy cocktail hình bát giác được đặt tại vị trí trung tâm, xung quanh chỉ có 14 vị trí ngồi, với con số 14 tượng trưng cho 14 điều dạy của Đức Phật.
Chủ đề của triển lãm lần này là Ba và Em trai, với các tác phẩm đặc biệt của Giáo sư Võ Nam, người thầy được nhiều thế hệ sinh viên tại trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM yêu quý, và Phạm Thanh Toàn, một họa sĩ trẻ đang gây tiếng vang và sức ảnh hưởng lớn,
Thật trùng hợp, cách đây không lâu, tôi cũng từng tham dự triển lãm đôi Thiên nhiên và con người của Phạm Thanh Toàn và Lê Thế Lãm.
Phạm Thanh Toàn là một họa sĩ trẻ mà tôi mến mộ. Đứng trước những bức tranh siêu thực và đậm tính triết học của anh, dù choáng ngợp nhưng tôi lại không quá khó hiểu, nhất là khi tầng tầng lớp lớp các lát cắt cuộc sống đó được thể hiện bằng thủ pháp đơn thuần.
Ngoài ra, những tác phẩm khổ lớn của anh cũng là điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng.
Cầm ly rượu trên tay, chúng tôi di chuyển một vòng quanh quán, ngắm nhìn từng tác phẩm nghệ thuật. Trò chuyện nhiều hơn với anh Hoàng Khương, tôi mới hiểu rõ từng dụng ý trong không gian đậm chất nghệ thuật này.
Các tác phẩm nghệ thuật sẽ được trưng bày theo chủ đề và được sắp đặt theo bố cục hòa quyện kết hợp với âm thanh, ánh sáng để truyền tải tối đa cảm xúc cho người thưởng lãm. Những tác phẩm thuộc chủ đề lần này đều chủ yếu thuộc trường phái trừu tượng, có tông màu nóng và mang lại ấn tượng thị giác mạnh mẽ.
Sau 3-4 tháng trưng bày, art bar này sẽ thay đổi chủ đề triển lãm.
Theo anh Hoàng Khương, nghệ thuật mà không có công chúng là một điều vô nghĩa. Bởi vậy, anh mong muốn Art Bar Việt Nam sẽ mang nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống, thoát khỏi những khái niệm có phần khô cứng của các gallery truyền thống.
“Đây là một không gian giao lưu, kết nối giữa những người làm trong ngành sáng tạo. Tôi muốn thay mặt các hoạ sĩ để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật gần hơn với cộng đồng yêu nghệ thuật và góp phần lan truyền tư tưởng mỹ học của Việt Nam”, anh nói.
Cuộc trò chuyện cũng đã làm vơi bớt ly cocktail của tôi. Tôi cũng gửi lời khen tới bartender khi anh đã pha chế một ly Whisky Sour rất hợp khẩu vị của tôi.
Tôi cũng tò mò về lý do quán chi tiền thuê một bartender từ Thổ Nhĩ Kỳ tới TP.HCM thay vì chọn người pha chế trong nước. Đáp lại thắc mắc, chủ quán cho biết anh nghĩ rằng để người phương Tây kể chuyện về đồ uống sẽ phù hợp hơn, bởi dẫu sao văn hóa cocktail cũng được du nhập từ phương Tây. Không chỉ anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ này, mà tất cả bartender sau này của quán sẽ luôn là người ngoại quốc.
Tôi quay lại vị trí ngồi của mình, và nhờ bartender tư vấn món đồ uống thứ hai. Lần này, tôi được thưởng thức Whisky Sour phiên bản giới hạn vàng 24K, được lấy cảm hứng từ nghệ thuật tranh sơn mài.
Bữa tối của tôi cũng được dọn lên, gồm bào ngư dát vàng 24K ăn kèm với nấm truffle, ốc bullot nướng kiểu Mỹ, bò nướng kiểu Brazil, xúc xích Đức nướng dùng kèm khoai tây và tôm sú nướng kiểu Hawaii. Tất cả món ăn đều được chế biến cầu kỳ, trình bày trên những chiếc đĩa pha lê mà anh Khương kỳ công chọn lựa.
“Tôi muốn không gian của gallery sẽ là sự gặp gỡ của hai nền văn hóa Đông - Tây, những tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam giao thoa cùng văn hóa cocktail và ẩm thực của phương Tây", anh Hoàng Khương nói.
Giai điệu từ những bản tình ca đậm chất rock như I Don't Want To Miss A Thing của Aerosmith hay Still Loving You của Scorpions vang lên khiến tôi chìm đắm.
Ấn tượng với tôi nhất là bức tranh khổ lớn 3x4 m treo trên trần nhà, ngay vị trí ở quầy bar. Tác phẩm được Phạm Thanh Toàn đặt tên là Cuộc tình của quá khứ. Có gì đó cứ thôi thúc tôi hướng ánh nhìn vào tác phẩm khổ lớn này.
Đến khi con phố Nguyễn Bá Huân được bao trùm bởi sự yên tĩnh của màn đêm, tôi ra về sau khi dành buổi tối chiêm nghiệm trong không gian nghệ thuật.
Đây có lẽ là trải nghiệm thưởng lãm đa giác quan đặc biệt nhất mà tôi từng có. Mô hình gallery nghệ thuật kết hợp cocktail bar mới lạ đã giúp tôi có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật một cách gần gũi hơn. Hơn nữa, trong một không gian như vậy, tôi có chút bất ngờ với mức giá menu "thân thiện", chẳng hạn một ly Whisky Sour có giá chưa đầy 300.000 đồng.
Chắc chắn, khi Art Bar Việt Nam thay đổi chủ đề triển lãm mới, tôi sẽ là một trong những vị khách đầu tiên trở lại đây.