Tầng 4 và 5 của đấu trường Colosseum (Rome, Italy) mới được tôn tạo sẽ chính thức mở cửa đón công chúng từ ngày 1/11. Ngoài ra, du khách lên các tầng này còn đi qua một lối hành lang lần đầu tiên được mở cửa. |
Hai tầng này nằm ở độ cao 52m so với mặt đất. Du khách khi lên đây sẽ được ngắm nhìn cảnh quan xung quanh, đồi Palatine, một góc của thủ đô Rome và quảng trường La Mã cổ đại. |
Thời La Mã cổ đại, tầng 4 và 5 là chỗ ngồi dành cho tầng lớp thấp kém trong xã hội. Vì vị trí này nằm cách xa sân khấu chính bên dưới. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Italy đã khôi phục lại 2 tầng này để đưa đến cho du khách một trải nghiệm đáng kinh ngạc khi đến Italy. |
Giá vé tham quan tầng 4 và 5 của đấu trường La Mã là 9 Euro (gần 240.000 đồng), du khách phải đặt trước. Chuyến tham quan các tầng này chỉ được thực hiện khi đoàn có 25 người, phải đi kèm hướng dẫn viên để đảm bảo an toàn. |
Đấu trường Colosseum đang trải qua một cuộc trùng tu trị giá hàng triệu Euro do công ty sản xuất giày Tod's tài trợ. Công việc tôn tạo, trùng tu bao gồm: loại bỏ bụi bẩn bám trên tường, tu sửa mặt tiền hướng Bắc và Nam, thay thế các cửa kim loại và hàng rào ở tầng dưới cùng. |
Đấu trường Colosseum là địa điểm thu hút đông du khách hàng đầu ở Rome (Italy). Công trình có cấu trúc hình bầu dục, sức chứa hơn 50.000 người. Chiều cao của đấu trường tương đương một tòa nhà hơn 10 tầng. |
Công trình này được bắt đầu được xây dựng dưới thời Hoàng đế Vespasian vào năm 72 sau Công nguyên và hoàn thành năm 80 sau Công nguyên dưới thời Hoàng đế Titus. Sau đó, dưới thời vua Domitian (81-96 sau Công nguyên) tiếp tục được sửa chữa. Cả 3 hoàng đế này đều thuộc triều đại Flavian. |
Thời cổ đại, đấu trường Colosseum là nơi diễn ra các trận đấu giữa đấu sĩ với các mãnh thú hoang dã. Các sự kiện này thu hút rất đông người tới xem. Trong 80 cửa ra vào của đấu trường, 76 cửa dùng cho khán giả đến xem, 2 cửa dành riêng cho Hoàng đế và 2 cửa dành cho các đấu sĩ. |
Mỗi năm có hàng triệu du khách tới thăm đấu trường La Mã Colosseum. Năm 1349, một trận động đất xảy ra đã làm sụp đổ phần tường ở phía Nam của công trình này. Tuy nhiên, nó vẫn nằm sừng sững qua bao nắng mưa, trở thành một trong những công trình tiêu biểu của đế chế La Mã còn lại đến ngày nay. |