Bệnh khó nói của bé gái 14 tuổi
Tháng 2/2014, bé Nguyễn Hạnh Nguyên (14 tuổi, ở Hà Nội) với bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh được tiến hành mổ hạ đại tràng. Cô bé là bệnh nhi đầu tiên của Việt Nam mổ nội soi bằng robot tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hơn 1 năm sau phẫu thuật, tình trạng em đã ổn định, cân nặng từ 36 kg lên 45 kg. Đặc biệt, với những nỗ lực của mình, cháu đã thi đậu vào lớp 10 dù hai năm học lớp 8-9 bị gián đoạn do căn bệnh.
Nhớ lại quãng thời gian bị bệnh, chị Huyền – mẹ bệnh nhân Hạnh Nguyên cho biết: “Khi vào viện, cháu đã ở thể rất nặng và phải điều trị rất lâu mới có thể tiến hành phẫu thuật. Trong suốt 2 năm, cháu hầu như không thể đến lớp. Ban đầu, chúng tôi rất lo lắng vì cháu là người đầu tiên thực hiện phương pháp nội soi bằng robot. Nhưng nhờ vậy, tình trạng bệnh của cháu giờ đã khả quan”.
TS Bùi Đức Hậu ấn tượng với ca đầu tiên được mổ nội soi bằng robot. Ảnh: HQ |
TS.BS Bùi Đức Hậu, nguyên Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương – một trong những người trực tiếp tiến hành phẫu thuật nội soi bằng robot cho bệnh nhân Hạnh Nguyên chia sẻ về lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật mổ hiện đại: “Đây là một trong hai cháu được mổ đầu tiên với phương pháp mới. Lúc này, cháu đã lớn, biết suy nghĩ và đặc biệt lại là người chủ động muốn được mổ bằng phương pháp chưa ai từng làm này. Chính tâm trạng thoải mái của bệnh nhân đã giúp các bác sĩ chúng tôi tự tin hơn”.
Theo TS Hậu, bệnh nhi Hạnh Nguyên mắc chứng phình đại tràng bẩm sinh, không tự đi đại tiện do đoạn đại tràng sát dưới hậu môn không có thần kinh. Do đó, bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ đoạn đại tràng này giúp bệnh nhân có thể đi đại tiện bình thường.
“Đó là ca phẫu thuật bằng robot đầu tiên của chúng tôi, cũng là đầu tiên tại Việt Nam. Mặc dù tự tin về mặt kỹ thuật song lúc đó sức ép từ dư luận và sự hồi hộp khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ. Cuối cùng ca phẫu thuật cho bệnh nhân đầu tiên được thực hiện trong 2 tiếng rưỡi, thành công như mong đợi”, TS Hậu nhớ lại.
Do tình trạng ứ đọng phân quá lâu, dọa thối ruột, khi nhập viện, Hạnh Nguyên đã trong tình trạng viêm ruột khiến cô bé đau vật vã, sốt cao. Thêm vào đó, bệnh nhi có biểu hiện lo lắng và xấu hổ. Bởi vậy ngoài điều trị bệnh lý, các bác sĩ phải tiến hành trị liệu tâm lý cho cô bé. Bác sĩ Hậu là người dành nhiều thời gian nhất để nói chuyện với bệnh nhân và gia đình.
Trước khi phẫu thuật hạ đại tràng bằng phương pháp mới, bác sĩ Hậu phải tiến hành mổ dẫn hậu môn nhân tạo ra ngoài bằng phương pháp thông thường. “Đây là trường hợp khá nặng khi tình trạng táo bón, khó đi ngoài duy trì quá lâu. Chất độc không chỉ ứ đọng trong ruột gây viêm mà còn đi vào cơ thể gây cản trở quá trình phát triển. Nếu không can thiệp kịp thời, khi phân ứ đọng quá lâu có thể gây vỡ ruột”, bác sĩ Hậu cho hay.
Bệnh viện duy nhất áp dụng kỹ thuật mới
Phẫu thuật bằng robot tại bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VTV |
Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên trong nước và Việt Nam cũng chính là nước đầu tiên tại Đông Nam Á và thứ 2 của châu Á có trung tâm ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi bằng robot.
Nói về kỹ thuật này, tiến sĩ Hậu cho hay với lợi thế hình ảnh không gian ba chiều, phẫu thuật viên có thể quan sát sâu hơn, chính xác hơn so với hình ảnh không gian hai chiều của phẫu thuật nội soi quy ước.
Đặc biệt, các khớp di động linh hoạt giúp robot thực hiện tốt các động tác quay ngược cổ tay 180 độ đồng thời có thể luồn sâu vào các phần nhỏ nhất của cơ thể một cách dễ dàng và chính xác.
Một ca mổ chỉ cần một phẫu thuật viên và một y tá giúp sức. Hiện phương pháp này được thực hiện với nhiều mặt bệnh như u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, teo đường mật, thận - tiết niệu, sản phụ khoa, chỉnh sửa van tim... cho cả trẻ em và người lớn.
Ưu việt của phương pháp phẫu thuật này là vị trí phẫu thuật ít bị xâm lấn, độ sang chấn không đáng kể, và ít chảy máu nên người bệnh phục hồi nhanh.
Đặc biệt, nhờ khả năng kết nối với máy tính của thiết bị robot, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật từ xa tới các vùng đảo, miền núi mà không cần trực tiếp có mặt.
Sau gần 2 năm áp dụng kỹ thuật mới bắt đầu từ trường hợp bệnh nhân Hạnh Nguyên, Bệnh viện Nhi trung ương đã cứu sống gần 100 bệnh nhi. Tất cả đều không để lại biến chứng.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi