Bộ Công an vừa công bố dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Đáng chú ý, đây là báo cáo đầu tiên kể từ khi Việt Nam ký Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người vào năm 2013.
Dự thảo khẳng định quyền không bị tra tấn của con người tại Việt Nam đã được quy định tại nhiều văn bản luật, như Hiến pháp năm 2013, BLHS năm 1999, BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015,…
Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng được dự thảo đề cập tới là việc bức cung, dùng nhục hình trong quá trình tố tụng.
Theo đó, Việt Nam không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình. Mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh.
Từ năm 2010 đến năm 2015, TAND chưa thụ lý vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; đã thụ lý và xét xử 10 vụ án với tổng số 26 lượt bị cáo về tội dùng nhục hình.
Các bị cáo trong vụ dùng nhục hình tại Sóc Trăng. |
Điển hình như vụ án Lê Khắc Sáu (cán bộ thuộc Đội cảnh sát điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) bị TAND Ninh Thuận kết án 5 năm tù về tội dùng nhục hình; vụ án Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy (Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên phạm tội dùng nhục hình với mức án cao nhất đến 5 năm tù.
Điều này cho thấy Việt Nam kiên quyết trừng trị mọi hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; không bao che, dung túng cho bất kỳ ai, kể cả những cán bộ công quyền xâm phạm quyền cơ bản của con người; đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Ngoài những việc đã làm được, dự thảo còn đề cập đến những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt khi tham gia công ước của LHQ.
Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người của Việt Nam chưa đồng bộ, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khác biệt giữa các vùng, miền còn hạn chế.
Công ước chống tra tấn là công ước về quyền con người có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều nội dung khó, phức tạp. Vì vậy, việc triển khai công ước phải tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Việt Nam.
Ngoài ra, trình độ pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên công vụ chưa đồng đều nên họ có thể hiểu sai, hiểu chưa đúng về các nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân. Vì vậy, việc cá nhân lạm quyền trong khi thực thi công vụ vẫn có thể xảy ra.
Thêm vào đó, tại một số địa phương, đời sống kinh tế và trình độ dân trí của người dân còn thấp, do vậy, người dân chỉ quan tâm đến pháp luật khi lợi ích của họ bị xâm hại, hoặc khi chính họ là người vi phạm pháp luật; một bộ phận người dân không hiểu rõ về các quyền lợi được hưởng từ việc thực thi chính sách, pháp luật,…
Để khẳng định là một “Thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, một thành viên tích cực của công ước, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tra tấn.
Ngày 7/11/2013, Việt Nam đã ký Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (công ước).
Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn công ước. Việt Nam nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký LHQ ngày 5/2/2015.
Thực hiện quy định tại Điều 19 của công ước, Việt Nam báo cáo kết quả năm đầu tiên (2015-2016) triển khai thực hiện công ước.