Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làn sóng nam thanh niên Mỹ từ bỏ đại học

Suy nghĩ chung của nhiều nam giới trẻ tuổi ở Mỹ khi được hỏi về quyết định chọn nói "không" với đại học: tấm bằng tốt nghiệp không còn xứng đáng, học phí quá đắt đỏ.

Daniel Briles (18 tuổi, Minnesota), tốt nghiệp cấp 3 vào tháng 6. Dù điểm GPA đạt 3,5/4 và giành học bổng trị giá 2.500 USD, Daniel vẫn quyết định không học lên cao thêm.

Thay vào đó, thanh niên này đi làm, nhận mức lương 500 USD/tuần.

Ngoài số tiền đó, Daniel còn kiếm thêm thu nhập nhờ tự sản xuất và bán nhạc trên mạng, cộng với đầu tư vào tiền điện tử. Cha mẹ đến nay vẫn không ép con trai, dù cả hai đều học đại học và muốn Daniel làm điều tương tự.

nam thanh thieu nien my lien tuc bo do dai hoc anh 1

Daniel Briles ngồi trong phòng ngủ ở bang Minnesota.

Anh chàng coi đại học không phải là con đường duy nhất buộc phải đi khi có nhiều cơ hội ngoài đời thực.

Ngày càng nhiều nam thanh niên như Daniel bỏ học đại học, dẫn đến sự chênh lệch rõ ràng giữa số sinh viên nam và nữ trên toàn nước Mỹ, theo WSJ.

Sinh viên nữ áp đảo

Thomas Mortenson, học giả tại Viện Pell về Nghiên cứu Cơ hội trong Giáo dục Đại học, cho biết: “Số sinh viên nam đang tụt nhanh chóng”.

Theo dữ liệu tuyển sinh từ nhóm nghiên cứu National Student Clearinghouse, vào cuối năm học 2020-2021, nữ giới chiếm 59,5% số sinh viên đại học ở Mỹ, con số cao kỷ lục và nam giới là 40,5%. So với 5 năm trước, số lượng sinh viên đã giảm 1,5 triệu người. Trong đó, nam giới chiếm 71% trong số các trường hợp giảm.

Trong đơn xin nhập học cho năm tới, số lượng nữ sinh viên cũng vượt trội hơn, hơn 3,8 triệu người đăng ký, so với 2,8 triệu ở nam sinh, theo Common Application, một tổ chức phi lợi nhuận phụ trách chuyển đơn đăng ký đến hơn 900 trường học.

nam thanh thieu nien my lien tuc bo do dai hoc anh 2

Ảnh tốt nghiệp cấp 3 của Jay Wells treo trên tường nhà tại bang Ohio.

Tại các trường đại học công lập ở bang California, tỷ lệ nam sinh viên trong học kỳ mùa thu 2020 chiếm 41%, giảm từ 45% của năm 2013. Có 3.000 sinh viên đăng ký nhập học thêm, với tỷ lệ 9/10 người là nữ giới.

“Chúng tôi không thấy các ứng viên nam kém cạnh tranh hơn các bạn nữ, nhưng số nam sinh nộp đơn ít hơn hẳn”, Youlonda Copeland-Morgan, phó giám đốc Đại học California, Los Angeles, cho biết.

Sự chênh lệch về giới ở môi trường đại học bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chủng tộc, địa lý và điều kiện kinh tế.

“Nam giới da trắng, từng là nhóm chiếm ưu thế, không còn giữ được lợi thế”, ông Mortenson phân tích. Theo dữ liệu điều tra của Viện Pell, tỷ lệ học đại học của nhóm nam sinh da trắng thuộc tầng lớp lao động nghèo thấp hơn nhóm nam sinh da màu, Latin hay châu Á có cùng điều kiện tài chính.

Bà Delahunty, nhà tư vấn tuyển sinh, cho biết không ngôi trường nào nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ ảnh hưởng xã hội. Quan điểm thông thường vẫn là “Đàn ông kiếm được nhiều tiền hơn, có vị trí cao hơn, sao họ lại không học tiếp sau khi tốt nghiệp cấp 3?”.

nam thanh thieu nien my lien tuc bo do dai hoc anh 3

Quyết định bỏ học đại học của đông nam thanh, thiếu niên Mỹ đến từ niềm tin tấm bằng tốt nghiệp không còn mấy giá trị.

Mông lung

Không lạc quan như Daniel, nhiều chàng trai khác bỏ học mà không có kế hoạch trong đầu và thấy lo lắng cho tương lai.

“Mơ hồ” là cảm giác của Jay Wells (23 tuổi), người đã bỏ dở đại học sau 1 học kỳ. Giờ, anh được trả 20 USD/giờ cho công việc giao hàng.

Jack Bartholomew (19 tuổi) bắt đầu năm thứ nhất vào lúc Mỹ là tâm dịch thế giới. Trong những tuần đầu tiên học online, Jack bối rối với hàng tá tài liệu cần học và thất vọng khi số tiền bỏ ra đổi lấy cảnh học ngay trong phòng ngủ.

Cuối cùng, anh bỏ cuộc và nhận công việc đóng gói trong nhà máy với lương 15,5 USD/giờ. Chàng trai gọi đó không phải công việc lâu dài và bản thân không biết làm gì tiếp theo. Trước đó, Jack là học sinh giỏi ở trung học.

Đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng này. Theo phân tích của WSJ, ít hơn 700.000 sinh viên đăng ký vào các trường đại học vào mùa xuân năm 2021 so với mùa xuân năm 2019, với số lượng nam giới ít hơn 78%.

nam thanh thieu nien my lien tuc bo do dai hoc anh 4

Số lượng nữ sinh viên theo học đại học tại Mỹ dần chiếm áp đảo so với nam giới.

Tài chính gia đình là rào cản lớn. Trong bối cảnh đại dịch, không ít nam thanh niên trở thành trụ cột chính trong gia đình. Họ phải nghỉ học để đi làm.

Thông thường, có bằng tốt nghiệp đại học đồng nghĩa với kiếm được mức lương hậu hĩnh hơn. Bằng đại học cũng được yêu cầu cho hầu hết ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, chuyên môn hay các vị trí có tầm ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chi phí giáo dục tăng vọt khiến việc học đại học ngày nay rủi ro hơn, tỷ lệ bỏ học cao hơn và cả áp lực mang tên khoản vay sinh viên kéo dài nhiều năm.

Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đánh giá đối tượng nam thanh niên cũng đối mặt với nhiều vấn đề đối tượng như trò chơi điện tử, phim khiêu dâm, tình trạng mồ côi cha, sự gia tăng chứng lo âu hay lạm dụng thuốc.

Nam giới vốn chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất, tài chính, chính trị và giải trí. Họ cũng nắm giữ phần lớn các vị trí giảng viên và điều hành hầu hết đại học ở Mỹ. Tuy nhiên, nữ giới đang vươn lên.

Ví dụ, tại Đại học Vermont, khoảng 55% sinh viên nam tốt nghiệp trong bốn năm so với con số 70% ở nữ giới. Phụ nữ chiếm khoảng 80% số sinh viên tốt nghiệp loại ưu năm ngoái trong các trường cao đẳng nghệ thuật và khoa học ở Mỹ.

Các trường đại học và cao đẳng của Mỹ, vốn vướng vào những cuộc tranh luận về bình đẳng giới và chủng tộc, lẫn nỗ lực giảm thiểu hành vi tấn công và quấy rối tình dục phụ nữ trong khuôn viên trường, hiện vẫn chưa tìm được cách làm chậm sự rút lui của nam thiếu niên khỏi môi trường đại học.

Trào lưu TikTok giả vờ bị bắt gây phẫn nộ

Thịnh hành trên TikTok ngay sau thử thách thùng sữa nguy hiểm, việc quay clip giả vờ mình bị cảnh sát áp giải nhận "gạch đá" vì lãng mạn hóa chuyện vi phạm pháp luật.

Hiền Thy

Ảnh: WSJ, Insider

Bạn có thể quan tâm