![]() |
Ngày càng nhiều lao động Nhật Bản thay đổi công việc, chuyển từ một vị trí toàn thời gian này sang một vị trí toàn thời gian khác. Ảnh: Nippon. |
Theo dữ liệu từ Recruit Agent, đơn vị vận hành một trang web tìm việc, số người sử dụng nền tảng này để chuyển đổi giữa các công việc toàn thời gian bắt đầu tăng từ năm 2022. Riêng trong quý III năm ngoái, số lượng người "nhảy việc" đã cao hơn hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019, The Japan Times đưa tin.
Nhà kinh tế Yusuke Aoki từ Indeed Hiring Lab nhận định rằng thị trường lao động dường như đang bước vào một giai đoạn mới, với sự dịch chuyển ngày càng tăng.
Tỷ lệ dịch chuyển lao động tại Nhật Bản vốn ở mức thấp do mô hình việc làm trọn đời và các quy định lao động chặt chẽ. Dù xu hướng việc làm trọn đời đã dần suy giảm trong những năm gần đây, nhiều lao động vẫn thận trọng khi cân nhắc thay đổi công việc.
Ông Aoki cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động có thể là yếu tố chính thúc đẩy nhân viên tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới.
![]() |
Sự thay đổi trong thị trường lao động Nhật Bản thúc đẩy xu hướng nhảy việc, tạo ra cơ hội mới cho người lao động. Ảnh: Peraichi. |
Dữ liệu từ Recruit Agent cho thấy số lượng vị trí tuyển dụng cho các ngành kỹ sư, nhân viên kinh doanh và hành chính đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Theo ông Aoki, điều này đã thu hút ngày càng nhiều lao động tìm kiếm cơ hội thăng tiến qua việc "nhảy việc".
Đặc biệt, phụ nữ và lao động trong độ tuổi 40-50 là nhóm có tỷ lệ thay đổi công việc cao nhất. Số lượng nhân sự thuộc nhóm này chuyển việc đã tăng gấp 5 lần trong suốt thập kỷ qua.
"Thiếu hụt người lao động mang tính cơ cấu đang làm thị trường lao động thêm căng thẳng. Trước đây, các công ty chủ yếu tuyển dụng sinh viên mới ra trường, nhưng hiện họ chú trọng hơn đến lao động có kinh nghiệm. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tập trung vào việc chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc phát triển các lĩnh vực mới, do đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm đa dạng từ bên ngoài ngày càng tăng", Kaoru Tsuda, Giám đốc nghiên cứu nhân sự tại Recruit, cho biết.
![]() |
Dịch chuyển lao động ở Nhật Bản là một hiện tượng tương đối mới và có thể đang góp phần vào sự gia tăng lương. Ảnh: iStock. |
Dữ liệu từ chính phủ cho thấy số người chuyển đổi từ công việc toàn thời gian này sang công việc toàn thời gian khác đã tăng từ 750.000 vào năm 2018 lên 940.000 vào năm 2023.
Dữ liệu từ Recruit Agent cũng chỉ ra rằng xu hướng "nhảy việc" gần đây đã tạo ra áp lực tăng lương, với tỷ lệ nhân sự nhận mức tăng lương từ 10% trở lên đang ở mức cao kỷ lục.
Trong năm tài chính 2023, 35% số người chuyển việc nhận được mức tăng lương ít nhất 10%, cao hơn đáng kể so với 26% của một thập kỷ trước.
Yuya Takada, nhà nghiên cứu tại Recruit, cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng của sự thay đổi cấu trúc trong thị trường lao động.
“Nhảy việc đang trở thành xu hướng phổ biến, và các công ty sẵn sàng tăng lương để thu hút nhân sự. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục tăng do tình trạng thiếu hụt lao động mang tính cơ cấu dự kiến vẫn kéo dài trong năm nay và năm sau, trong khi nhu cầu tuyển dụng vẫn ổn định, không có yếu tố tiêu cực nào từ nền kinh tế tác động đến", ông Takada nói.
Chính phủ Nhật Bản đang triển khai các cải cách thị trường lao động để nâng cao tính linh hoạt và hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng cho người lao động, giúp họ chuyển sang các ngành có mức lương cao hơn.
Năm 2022, Thủ tướng Fumio Kishida thông báo chính phủ dự kiến chi 1.000 tỷ yên trong 5 năm để thực hiện các chính sách này.
Chính sách 'mở cửa' của lãnh đạo lợi hay hại?
Cuốn sách Lãnh đạo giỏi cần chi quy tắc của Kevin Kruse thách thức những quan niệm lãnh đạo truyền thống bằng cách đề xuất 10 nguyên tắc "ngược đời" để lãnh đạo hiệu quả hơn. Một trong số đo là chính sách "mở cửa" của sếp, tức việc luôn sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và trao đổi với nhân viên. Mặc dù mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy giao tiếp và minh bạch trong tổ chức, Kruse chỉ ra rằng nó cũng có thể dẫn đến những bất lợi, như gián đoạn công việc và giảm hiệu suất.