Zing trích dịch bài đăng trên CNN, đề cập đến cuộc sống trong mùa dịch tại ngôi làng đặc biệt tại Italy. Dù chỉ có 2 người sinh sống, cư dân nơi đây vẫn thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp cách ly xã hội để phòng tránh dịch Covid-19.
Giovanni Carilli (82 tuổi) và Giampiero Nobili (74 tuổi) là hai cư dân duy nhất sinh sống tại Nortosce, ngôi làng nhỏ nằm trên một hẻm núi đá thuộc thung lũng Nerina, Italy.
Dù không có hàng xóm hay du khách tới tham quan trong mùa dịch, họ vẫn nghiêm túc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như đeo khẩu trang hay đứng cách nhau 1 mét khi gặp mặt vì nỗi lo mang tên "Covid-19".
"Quy tắc vàng" chống dịch
Trả lời CNN, ông Carilli lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 tại Italy. Tính đến nay, đại dịch đã cướp đi mạng sống của hơn 36.000 người dân nước này.
"Tôi sợ loại virus này chết khiếp. Nếu chẳng may nhiễm bệnh, ai sẽ chăm sóc tôi đây? Tôi muốn sống để lo cho đàn cừu, vườn cây và tổ ong của mình", ông chia sẻ.
Tại thời điểm này, công dân nước Italy buộc phải thực hiện cách ly xã hội, trong đó có việc đeo khẩu trang mọi lúc ở nơi công cộng. Nếu không, cảnh sát tại một số thành phố có thể phạt tiền từ 470-1.170 USD (khoảng 11-27 triệu đồng).
Hai cư dân duy nhất tại làng Nortosce đề cao việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Silvia Marchetti. |
Trái ngược với nhiều người, ông Carilli và Nobili coi chiếc khẩu trang là "quy tắc vàng" trong phòng chống dịch bệnh.
"Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc không chỉ là giải pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch. Đây là quy tắc mà mọi người cần thực hiện vì lợi ích của bản thân và cộng đồng", ông Nobili nói.
Nhờ thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, làng Nortosce đã trở thành một trong những nơi hiếm hoi trên đất Italy "sạch bóng" Covid-19.
Cuộc sống tại ngôi làng neo người
Theo CNN, Giovanni Carilli sinh ra tại Nortosce, sau đó quay trở về quê hương an hưởng tuổi già sau nhiều năm làm việc tại Rome. Tương tự, Giampiero Nobili cũng dành những năm tháng cuối đời ở nơi đây, biến thiên nhiên trở thành cảm hứng cho việc làm trang sức thủ công của mình.
Cuối những năm 90, khi đa số dân làng chuyển tới Rome và các thành phố khác để ổn định cuộc sống sau hàng loạt trận động đất, ông Carillin và Nobili là những người cuối cùng ở lại. Kể từ đó, đôi bạn già chung sống cùng 1 chú chó và 5 chú cừu trong ngôi làng nhỏ bé này.
Nép mình dưới thung lũng Nerina, làng Nortosce thu hút du khách nhờ con đường mòn thơ mộng và khung cảnh dãy núi Sibillini hùng vĩ.
"Làng Nortosce chỉ có một lối vào duy nhất nên thường vắng người lui tới, trừ khi họ chủ đích tới đây du lịch. Vào mùa hè, thời điểm các gia đình về thăm quê cũ, nơi này sẽ náo nhiệt hơn một chút", ông Carilli nói.
Tuy nhiên, ngôi làng nhỏ bé này có mùa đông khắc nghiệt và không có các tiện ích giải trí như quán bar, khách sạn, nhà hàng hay siêu thị. Để mua sắm nhu yếu phẩm và thức ăn, đôi bạn già phải ghé thăm các thị trấn lân cận.
Dù còn nhiều thiếu thốn, ông Carillin và Nobili đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ảnh: Silvia Marchetti. |
Ông Nobili nhấn mạnh rằng lối sống bình dị, giản đơn ở vùng đất neo người này không dành cho tất cả. "Bạn cần thời gian để thích nghi với cuộc sống ở làng Nortosce. Mỗi khi cần mua bánh mì hay khám bệnh, bạn phải tới thị trấn bên cạnh. Nó không hề dễ dàng".
Dẫu còn tồn tại nhiều bất tiện, những cư dân duy nhất của ngôi làng vẫn rất yêu thích và tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên của mình. Đôi khi, cả hai cùng nhau uống cà phê hay rượu vang tại nhà riêng, ngồi ở hai đầu của chiếc bàn dài để đảm bảo giãn cách xã hội.
"Chúng tôi trải qua những ngày tháng yên ả với không khí sạch, quang cảnh đẹp và nước suối trong lành. Giờ đây, mỗi lần vào thành phố khám bệnh, tôi cảm thấy không thể thích nghi với sự ồn ào, náo nhiệt ở đó", ông Carilli nói.
Hiện nay, ngày càng nhiều công dân Italy tìm đến làng Nortosce để hưởng thụ nhịp sống thong thả, bình thản. Gần đây, một căn nhà ở nơi này đã được bán với giá 23.000 USD (khoảng 543 triệu VND).