Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lặng nghe một thời đã mất

Buổi chiều tháng Tư, nhạc sĩ Bảo Chấn ngó mông lung ra đường, chép miệng: “Mới còn hẹn nhau ngồi cà phê, vậy mà chưa gặp, ảnh đã đi”.

Đó là khi ông hay tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 rời bỏ cuộc chơi trần gian. Tin loan đi, gõ cửa nhà từng người quen, như nhắc vòng quay của vũ trụ vừa điểm, vừa xướng tên một người. Sớm mai chớp mắt, bất ngờ thời gian sững lại, báo tin rằng giọng nói ấy, ngón đàn ấy nay đã là thiên thu.

Đã hơn 40 năm, kể từ cuộc hợp tan định mệnh của hàng triệu người. Rất nhiều danh tài văn nghệ của Việt Nam đã ra đi. Nhà văn Thận Nhiên một buổi sáng ngồi nghe lại tiếng hát Duy Quang, bỗng giật mình kêu lên “Ôi, có phải chúng ta đang sống với những người đã khuất. Âm nhạc, văn chương... rất nhiều thứ chung quanh chúng ta chỉ là những ký ức dội về”. Nghĩ cũng lạ lùng thật. Mới đây thôi, tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn vang trong chương trình riêng trên truyền hình, tiếng thở dài của ông về một nền văn nghệ thiếu chiều sâu đang còn gây tranh cãi, đột ngột giờ chỉ còn là kỷ niệm.

Giới văn nghệ hay ngồi lại với nhau, nói đùa rằng nếu có một thế giới khác để đến, nơi đó các gương mặt sáng chói của Việt Nam đang tập hợp đông đủ và vui vầy biết bao nhiêu. Trần gian hơn 40 năm, nơi hàng ghế đợi của nhà ga chờ những chuyến đi cuối của đời, mỗi ngày lại càng vắng thưa người, nhạt nhẽo hơn, cô đơn hơn. Có khi nào bạn tự hỏi nơi neverland - vùng miên viễn - nơi có đủ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Hoàng Thi Thơ, Y Vân, Duy Khánh, Ngọc Lan, Duy Quang, Trần Thiện Thanh... họ đang làm gì? Ca hát, hay vẫn còn tiếc nuối cho những gì chưa làm được?

Mot thoi cua am nhac Viet anh 1
Triển lãm tranh tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế vào tháng 4.2016. Ảnh: Xuân Đạt

Vài năm trước, quán cà phê nhỏ trên đường Võ Văn Tần, quận 3, nơi vẫn hay tề tựu những người quen thuộc như nhạc sĩ Hoàng Trang, Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hàn Châu, Tòng Sơn... nơi đó các cuộc chuyện trò luôn rôm rả về thời trai trẻ yêu đương và các ngả đường định mệnh lúc khói súng còn nồng trên quê hương. Những mái tóc bạc kề nhau, vẫn còn đầy những khao khát. Ấy vậy mà nhanh quá. Từng người ra đi. Như những giòng sông nhỏ im lặng chảy về quy lộ.

Một ngày chợt vắng nhạc sĩ Thanh Sơn, rồi một ngày vắng cả nhạc sĩ Hoàng Trang. Chiếc bàn quen đột nhiên lặng lẽ, thưa dần. Những người quen ngại đến hơn vì sợ nhắc lại những khoảnh khắc còn nhìn nhau ngỡ như mới hôm qua ấy. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân gọi điện cho bạn bè, thở dài mỗi khi nghe tin nghe ai đó ra đi “lại thêm một người bỏ cuộc ha, không biết chừng nào tới tui”. Vuốt mái tóc bạc bồng bềnh, tác giả của Cho vừa lòng em, Tương tư 4... nhìn đăm chiêu vào ánh nắng hoàng hôn. Khó mà biết rằng ông đang phân vân tiếc nuối nơi chốn này hay mơ về một nơi sẽ đến, như câu thơ của Bùi Giáng.

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu

Lần dự đám tang của nhạc sĩ Hoàng Trang về, gia đình của ông gọi vào điện thoại, nói sao tôi viết vào sổ tang nghe sợ quá. Nội dung đó là vầy: “Hẹn chú bữa khác cà phê nhé, giữ trước giùm con một chỗ”. Hiền thê của nhạc sĩ Hoàng Trang nói bà lạnh sống lưng khi đọc lại, và nói tôi có muốn bà bỏ trang viết đó không. Tôi cười, sợ gì nữa, chúng ta? Thật ra, sớm hay muộn gì thì chúng ta, kẻ xấu người tốt gì rồi cũng về đến điểm hẹn. Hẹn với nhau trước, có phải là sẽ vui hơn?

Sau năm 1975, đất nước liền một dải, những con người văn nghệ ở hai đầu nước Việt đứng nhìn nhau nhưng quá bỡ ngỡ, lạ lùng. Chia cắt lâu quá nên hiểu được nhau, thấu được lòng nhau có khi mất cả hàng thập niên nữa. Với nhiều người từ miền Bắc, không phải dễ dàng nhận ra những câu thơ như trẻ con của Bùi Giáng là tuệ giác. Với nhiều người miền Nam, không phải nhanh mà cảm nhận được sự trằn trọc trong thơ Việt Phương về đồng hồ Liên Xô và mặt trăng Trung Quốc.

Sau năm 1975, không phải nhạc sĩ nào của miền Nam cũng bắt nhịp lại được với nghề nghiệp của mình suôn sẻ. Có những người ngần ngại với thời cuộc, có những người vấp phải những hàng rào định kiến... mà thậm chí gần 20 năm sau mới có thể viết ra thêm được một bài hát mới. Lại có những người ra đi, dù không vướng bận điều gì trong tâm cảm, nhưng lại không thể dựng lại hồn mình. Như trong bài Không tiếng, nhà thơ Mai Thảo viết:

Sớm ra đi sớm hoa không biết 
Đêm trở về đêm cành không hay 
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu 
Nơi góc tường in cái bóng gầy

Vài năm trước khi ra đi, nhạc sĩ Lê Hựu Hà ngồi ở sân nhà, đàn và hát bài Ngỡ đâu tình đã quên mình, rồi cười nói rằng lâu lắm, ông mới thấy mình như sống lại với âm nhạc. Mất một khoảng thời gian dài, như một người dè dặt đặt chân xuống vùng đất mới, rất nhiều bài hát ông viết nửa chừng, hoặc viết xong cười buồn, vo lại ném đi. “Nghe đâu phải là anh”, nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói, trong một buổi chiều nắng rực rỡ ấy.

Một bước ngoặt mới trong đời xuất hiện. Nhiều nhạc sĩ ở miền Nam nói mình sẽ tìm cách “hội nhập” một cuộc sống mới vậy. Họ đã thật sự cố gắng. Trịnh Công Sơn viết Em ở nông trường, em ra biên giới. Bảo Chấn viết Bài ca chưa viết hết lời. Quốc Dũng thì viết Quê hương, tình yêu, tuổi trẻ. Trần Thiện Thanh viết Chiếc áo bà ba. Lê Hựu Hà viết Hát về cuộc sống hôm nay và ngày mai... thế nhưng việc nhích lại gần cuộc đời trước mặt, “hội nhập” đã từng rất đỗi nhiêu khê.

Hơn 40 năm ấy, trong những bước “nhích lại gần nhau”, không phải ai cũng đã đi trọn được đời mình với dăm ba nốt nhạc. Văn nghệ miền Nam mất nhiều ngày dừng chân trên vỉa hè nghe ngóng. Những ngày tháng ấy bolero còn bị coi là đứa con lạc loài của nhạc Việt, những quy định không có văn bản chỉ cho phép 30% bài hát trước 1975, và 70% phải là sáng tác mới. Nhân thân phải rõ ràng khi nộp đơn duyệt xin phát hành một CD. “Âm nhạc thôi mà”, nhạc sĩ Thanh Sơn từng lắc đầu, mệt mỏi nói lúc sinh thời, những lúc nối lại sự nghiệp. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì trầm ngâm khi biết nguyện vọng tái bản toàn bộ Ca khúc Da vàng nhưng không được phản hồi, qua hai đời bộ trưởng Văn hóa.

Cuộc sống rồi dần dần mở ra. Thời cuộc rồi cũng thay đổi, dù chậm chạp. Và những điều khó tin lại đến. Bolero giờ đây xuất hiện cả trên sóng truyền hình quốc gia. Phạm Duy hay Khánh Ly trở về và hát những bài trong tâm tưởng của người yêu nhạc. Mất non nửa thế kỷ, nhưng dẫu sao, có còn hơn không - có còn hơn không, Nguyễn Tất Nhiên từng mơ hồ tiên tri.

Người Đức có câu nói rất hay: “Mỗi người già là một thư viện”. Khi một người già ra đi. Chúng ta lại mất một thư viện, mất một không gian vĩ đại bí mật, nếu chúng ta không được trao quyền thừa kế.

Hơn 40 năm, con người mải miết chạy lại gần nhau. Cuộc chạy như khôn cùng và nhọc nhằn để nắm lấy bàn tay nhau, như để hoàn thiện bức tranh đất nước đã liền một dải, lại mất quá nhiều thời gian. Nhiều thư viện quý giá của âm nhạc, văn chương... vẫn phải đóng cửa, ngậm ngùi. Nhiều thư viện khép lại mà không gửi lại được gì cho hậu thế.

Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Anh 9 vẫy tay chào và lên chuyến tàu đi về phía neverland, mọi thứ trống trải nhắc chúng ta đã mất thật nhiều thời gian của nhau để hàn gắn, để cùng vinh danh những tinh hoa trên đất nước này. Thời gian thinh lặng với những tàng thư cô đơn một cách đáng buồn. Ký ức của thời hòa bình, vẫn đầy mất mát.

À không, trước khi ra đi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có để lại lời nhắc. Rằng cuộc sống hôm nay âm nhạc đang nhạt nhẽo dần. Một nền văn nghệ đang hời hợt và sẽ dễ bị lãng quên. Lời nhắc để chúng ta không quá muộn màng và nhận ra khoảng trống vô cùng ấy. Những thư viện quý giá xưa cũ đã đóng cửa. Nhưng các thư viện mới thì quá ít, chứa không ít điều vô bổ. Non nửa thế kỷ, chúng ta có còn dịp dừng lại để chiêm nghiệm và lặng nghe về một thời đã mất?


http://nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/3364/lang-nghe-mot-thoi-da-mat.ndt

Theo Tuấn Khanh/ Nguoidothi.vn

Bạn có thể quan tâm