Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo lên tiếng về một chương trình nhiều sách giáo khoa

Chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” được Quốc hội thông qua đang có nhiều ý kiến trái chiều. Nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đồng loạt lên tiếng.

PV đã có cuộc trò chuyện cùng các chuyên gia đầu ngành, nhiều năm công tác tại Bộ GD&ĐT.

GS. Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Tính thống nhất là ưu điểm hơn cả.

Cùng một chương trình nhưng cách viết sách giáo khoa (SGK) cho các vùng miền có thể khác nhau để các em học sinh dễ hiểu. Bởi lẽ, bộ sách nào thì nội dung chương trình cũng là chung, cùng do Bộ GD&ĐT ban hành.

Vừa qua dư luận nói rằng, việc cho biên soạn sách giáo khoa là phân biệt vùng miền, đó là nhận định sai lầm. Bộ sách do tập thể tác giả ở miền Nam biên soạn có thể các trường phía Bắc chọn dùng đó là điều rất bình thường.

Ngược lại, nhóm tác giả phía Bắc biên soạn phía Nam dùng cũng không có vấn đề gì. Nhóm tác giả nào viết hay thì nhà trường chọn, điều này cũng là đòn bẩy để các nhóm tác giả tham gia viết SGK nỗ lực hơn nữa.

GS. Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Thực tế chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK các nước khác đã làm từ rất lâu. Ví như Liên Xô, một chương trình cũng có 8 bộ SGK. Với những phương pháp của các bộ SGK đương nhiên sẽ tồn tại những điểm mạnh và điểm yếu.

Tuy nhiên, có nhiều bộ SGK thì tính đa dạng về mặt kiến thức sẽ cao hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất về chương trình và trình độ thì đó là cái ưu điểm lớn hơn cả.

Về vấn đề độc quyền SGK của NXB Giáo dục như hiện nay, bản chất của chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK không phải để xóa bỏ cái độc quyền mà là tạo sự đa dạng SGK.

Còn việc xóa bỏ độc quyền SGK không có gì khó. Bởi lẽ, NXB Giáo dục được Bộ GD&ĐT chủ trì việc biên soạn SGK, nếu muốn xóa độc quyền Bộ GD&ĐT có thể giao cho các đơn vị khác như Viện Khoa học Giáo dục... nhưng quan trọng là không đạt được ưu điểm về sự đa dạng SGK.

GS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Cần có khung phân luồng giáo dục chuẩn rồi mới biên soạn SGK.

Muốn hướng đến một nền giáo dục có chất lượng thì các chủ trương, kế hoạch cũng cần phải thực hiện có tuần tự. Trước hết, ta cần xem lại hệ thống giáo dục như thế nào. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đưa ra khung chương trình giáo dục mới.

Tuy nhiên, khung chương trình mới này chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương mà cụ thể nhất là việc phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong nghị quyết Trung ương 9, khóa XI thì đến bậc THCS chúng ta đã phải phân luồng một cách triệt để. Tuy nhiên, trong khung chương trình giáo dục mới thì đến bậc THPT Bộ GD&ĐT vẫn để định hướng nghề nghiệp, dường như chưa có sự thay đổi. Ngay cả việc phân luồng chúng ta còn chưa làm được rõ ràng thì làm sao có thể viết sách được?

GS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Nếu đến THPT chúng ta chia ra thành: Luồng nghiên cứu chiếm từ 30-40% số học sinh, còn lại theo hướng phổ thông nghề. Khi các luồng đã rõ ràng thì ta chia ra xem hướng nghiên cứu gồm những ban nào, môn thuộc về khoa học tự nhiên sẽ sử dụng sách của nước nào là thích hợp và sau đó học tập cách viết.

Một khía cạnh nữa là chúng ta cũng nên chú trọng sách dành cho học sinh theo hướng phổ thông nghề. Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ra trường tràn lan và không có việc làm vì tất cả học sinh đều đi học đại học để làm thầy thì ai sẽ là người làm thợ? Theo quan điểm cá nhân tôi sau khi phân luồng giáo dục một cách rõ ràng thì mới tính đến việc viết sách cũng thành đơn giản.

Đề xuất điểm ưu tiên vào đại học không quá 3

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - đề xuất, xét tuyển vào đại học với tổ hợp 3 môn thi có tổng 30 điểm, cộng ưu tiên không nên quá 3 điểm.

Như sách khoa học, kĩ thuật các nước trên thế giới có rất nhiều, mình có thể nghiên cứu học hỏi họ rồi chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam.

Chúng ta nên tập trung sách khoa học xã hội, với loại sách này kiến thức từ trước tới giờ có cũng đã tương đối đầy đủ. Quan trọng là phương pháp truyền đạt thế nào để các học sinh nắm được thì cần phải nghiên cứu.

GS. Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Biên soạn sách phải chú trọng sách cho học sinh miền núi.

“Thực ra, chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK” các nước trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu để phát huy trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo và quan trọng là người học có quyền được lựa chọn.

GS. Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Thực tế nền giáo dục của Việt Nam còn vài vấn đề:

Thứ nhất, ai sẽ là người được chọn SGK: Học sinh chọn? Giáo viên chọn? Tổ bộ môn chọn? Trường chọn? Sở GD&ĐT chọn hay thậm chí là Bộ GD&ĐT chọn? Đó cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải bàn bạc kĩ.

Khi các nhà quản lí giáo dục đánh giá trình độ của học sinh thì đánh giá theo “chuẩn” nào cũng chưa được rõ ràng để giáo viên cũng như học sinh có định hướng. Quan trọng là thi THPT Quốc gia như thế nào?

Các vùng miền ở nước ta trình độ phát triển kinh tế xã hội rất khác nhau. Đặc biệt là vùng cao đời sống rất khó khăn. Làm sao để các học sinh miền núi cũng được học đủ các môn như học sinh ở thành phố là điều cực kì khó khăn. Vì thế, biên soạn SGK cần phải chú trọng tới trình độ của học sinh miền núi.

Thứ trưởng GD&ĐT: Không giảm điểm ưu tiên để tạo công bằng

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc giảm điểm ưu tiên sẽ gây thiệt thòi cho học sinh dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, cuộc sống và học tập chưa được nâng cao.

http://infonet.vn/mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-giao-khoa-nguyen-lanh-dao-bo-gddt-len-tieng-post191503.info

Theo Hoàng Thanh/Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm