Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lắp 8 camera trong nhà để giám sát cháu

Lắp camera ở nhà để quản lý con cái là xu hướng phổ biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên trẻ em dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi bị phụ huynh giám sát theo cách này.

Trong chương trình phỏng vấn, một người bà kể sau kỳ nghỉ đông, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc nên cháu trai 8 tuổi phải ở nhà. "Dù thằng bé rất ngoan và ý thức, nhưng nhà tôi đã lắp 8 cái camera để quan sát tình hình của cháu bất cứ lúc nào".

Trong nhà lắp nhiều camera dễ gây nên cảm giác khó chịu, tuy nhiên thực tế camera để giám sát con cái là xu hướng đang được nhiều người lựa chọn tại Trung Quốc và ngày càng phổ biến, theo The Paper.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách chống dịch, các trường học đóng cửa và học sinh phải học tại nhà. Những cha mẹ vẫn phải đi làm lo lắng cho sự an toàn của con khi để chúng ở nhà một mình, không có người lớn chăm sóc.

giam sat con cai anh 1

Khi con phải ở nhà học online, nhiều phụ huynh lắp camera để giám sát tình hình.

"Tôi không lắp tới 8 cái camera trong nhà, chỉ lắp một cái trong phòng học của con. Vì tôi sợ học online thì nó sẽ sao nhãng, chỉ mải chơi điện thoại", một tài khoản mạng chia sẻ.

Những phụ huynh khác bày tỏ việc để con ở nhà một mình khiến họ lo lắng, bất an. Bởi vậy, có thể nhìn thấy con qua màn hình, biết chúng đang làm gì khiến họ an tâm hơn.

Một người khác kể đã lắp camera theo dõi từ khi con mới vào lớp 1. "Con còn quá nhỏ, ông bà ở nhà cũng lớn tuổi quá rồi nên tôi muốn quan sát được họ bất cứ lúc nào qua camera".

"Chúng tôi đã rút tất cả các cáp mạng, ngắt kết nối tivi, chỉ để lại máy ảnh và Kindle. Như vậy con sẽ tập trung hơn vào việc chăm sóc bản thân, đọc sách và làm bài tập".

Một phụ huynh cho biết con mình không thể tập trung, không chịu làm bài tập nếu không có áp lực hay sự thúc ép. Gia đình đã lắp một camera quan sát và đứa con đã chịu khó hơn trong việc học hành.

Nhiều học sinh đã bày tỏ quan điểm khác nhau về cảm giác khi bị "kiểm soát" bằng camera khi ở nhà. Có những em thấy bớt cô đơn khi biết cha mẹ vẫn đang nhìn thấy mình, đa số tỏ ra mệt mỏi vì bị kiểm soát.

"Cháu thấy nó như chiếc vòng kim cô cố gắng siết chặt hành vi của mình. Thật may mắn vì cháu được phép chơi sau khi hoàn thành các bài tập", một học sinh cho hay.

Một số em cho rằng việc cha mẹ nhìn thấy mọi hành động khiến em cảm thấy mình như tù nhân. "Cháu biết cách để né đi, camera không thể hoàn toàn kiểm soát cháu", "Cháu cảm giác như đang lên sóng chương trình truyền hình thực tế mỗi ngày" - một em nhỏ nói.

Việc giám sát con trẻ bằng camera có những tác động nhất định đến tâm lý của chúng trong quá trình trưởng thành.

Cha mẹ lắp camera vì muốn bảo vệ con cái của họ. Phụ huynh luôn muốn biết liệu con có gặp vấn đề, muốn kiểm soát con vì lo lắng. Song với các em nhỏ, biết mình đang bị theo dõi thường trực bằng máy quay không phải điều dễ chịu.

Nhiều phụ huynh muốn dùng máy quay như một cách thúc ép con phải làm bài tập chăm chỉ, song nó cũng có thể khiến đứa trẻ muốn chống đối, tìm cách "lách luật". Điều này ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng tính tự giác ở các em.

Công nghệ chưa thực sự làm giảm bớt lo lắng mà chỉ nâng cao nhu cầu kiểm soát con cái của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trẻ em luôn phải lớn lên. Chúng dần dần phải rời xa cha mẹ và trưởng thành một cách độc lập. Vì vậy camera giám sát sẽ ràng buộc cha mẹ và con cái chặt hơn, khiến những xung đột trong tương lai có thể trở nên gay gắt.

Chọn đẻ thuê vì không muốn mất sự nghiệp

Nhiều phụ nữ dù có khả năng mang thai nhưng vẫn tìm đến dịch vụ đẻ thuê vì không muốn mất sự nghiệp hay quá sợ trải nghiệm khó khăn khi có bầu.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm