Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lẩu bò nghĩa địa ở TP.HCM hút khách vì tên độc lạ

Nhiều người tìm đến quán lẩu bò nghĩa địa (TP Thủ Đức, TP.HCM) vì tò mò trước tên gọi đặc biệt rồi trở thành khách quen vì hương vị thơm ngon, mức giá rẻ.

Hơn 18h, vừa tan ca, Trọng Phú (22 tuổi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) ghé quán lẩu bò nghĩa địa trên đường Nguyễn Thị Định mua mang về cùng ăn với đồng nghiệp.

“Ấn tượng của mình là xung quanh quán có rất nhiều ngôi mộ của người thân chủ quán. Tuy vậy, tiệm không gây cảm giác sợ hãi vì cô chú nói đó đều là ông bà, tổ tiên trong gia đình. Ngoài ra, lẩu ở đây có hương vị thơm ngon, đậm đà, giá cả lại phải chăng. Hôm nay mình mua 2 phần lẩu lớn, gọi thêm thịt bò, mỳ, rau, chỉ 200.000 đồng một suất”, Phú nói với Zing.

lau bo nghia dia anh 1

Lẩu nghĩa địa có cái tên đặc biệt, hương bị đậm đà, giá cả bình dân.

Có cảm nhận giống Trọng Phú, quán lẩu bò nghĩa địa của gia đình bà Hải (sinh năm 1962) được nhiều người dân xung quanh và đông bạn trẻ tại TP.HCM yêu thích.

Khoảng 19h tối là lúc quán đông nhất, khách đa phần là người trẻ, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng. Chị Lê Thị Hồng Cẩn (32 tuổi, con gái bà Hải) vừa tất bật bán hàng, vừa tranh thủ trò chuyện với phóng viên.

“Tên lẩu bò nghĩa địa là do khách đến ăn nhìn thấy nhiều mộ phần xung quanh nên tự gọi với nhau như vậy cho dễ nhớ, cũng để chỉ đường tiện hơn. Những ngôi mộ này đều là của ông bà trong dòng họ đã mất cách đây mấy chục năm”, chị nói.

Tên độc do khách đặt

Nhiều năm trước, mẹ chị Cẩn chỉ ở nhà làm nội trợ. Nhờ một người bạn chỉ công thức nấu lẩu, cả nhà mới mở quán rồi gắn bó đến bây giờ.

“Quán mở từ năm 1997, từ xưa tới nay chỉ bán buổi tối, từ 17h đến 20h30 đã ngừng nhận khách. Cuối tuần, người ta tới đông, có khi xếp hàng mấy chục phút mới có bàn, đến muộn là không còn đồ để bán”, chị Cẩn chia sẻ.

Thành Công (20 tuổi, quận Bình Thạnh) biết đến hàng lẩu này qua những bài chia sẻ trên mạng xã hội. Dù phải đi xa hơn chục km, tuần nào cậu cũng sang đây ăn lẩu một lần.

“Ban đầu đọc bài trên mạng, mình tò mò khi thấy nói xung quanh quán có mộ bia. Tiệm bán tối nhưng khách đông và đèn bật sáng trưng. Đi xa một chút nhưng phục vụ nhiệt tình, giá cả hợp túi tiền và hương vị lẩu thì rất đặc trưng”, Công cho hay.

“Lẩu được hầm sẵn và đun sôi trong nồi gang dày, khi đưa ra bàn cho khách sẽ đặt trên bếp lò đất, đốt bằng than nên cháy vừa phải, thịt bò được hầm kỹ, ngọt và thơm, gân, sụn cũng rất mềm”, Công miêu tả.

Thanh Hoa (26 tuổi, sống ở TP Thủ Đức) cho biết cô và nhóm bạn ghé quán khoảng 21h tối thứ 5 tuần trước, lúc đó quán đã ngừng nhận khách nên phải ngậm ngùi đi về. Hôm nay, cô cùng hai người bạn tới vì “quyết ăn được món lẩu bò nổi tiếng”.

"Đến đây tầm 17-18h là hợp lý, còn nếu tới 19-20h là phải chờ, đôi khi phải xếp hàng, còn 21h chắc chắn là hết. Lẩu ngon, không gian lại thoáng và thoải mái nên mình thấy mất công một chút cũng được".

Quán lẩu bình dân nuôi cả gia đình

Bà Đoàn Thị Thu, em gái ruột của bà Hải, là người phụ giúp việc buôn bán từ khi quán mới mở.

“Không chỉ hai chị em tôi mà mấy ông chồng, rồi con cái trong nhà đều góp tay vào phụ việc. Người đi học, người đi làm nhưng cứ đến chiều đi về là cùng nhau bán hàng, nhân viên toàn người nhà, không phải thuê mướn ai. Tôi có hai người con, một làm giáo viên mầm non, một đứa năm nay lên đại học, cứ về tới là cất xe, thay đồ rồi sang đây phụ bán luôn”.

Nhờ mở quán tại quán nhà riêng, không tốn tiền thuê mặt bằng nên gia đình bà Thu luôn cố gắng giữ mức giá bình dân.

“Hồi xưa mới mở, mỗi nồi lẩu giá 30.000 đồng. Khi vật giá leo thang, nguyên liệu đắt quá mình mới phải tăng giá. Mức hiện tại là 150.000 đồng/nồi đầy đủ”, bà Thu cho hay.

Là hàng lẩu bình dân nhưng gia đình bà luôn chăm chút từ nguyên liệu đến khâu chế biến, phục vụ để khách nào đến cũng vừa lòng.

Mọi nguyên liệu như thịt bò, rau, mì đều nhập từ mối ruột, đảm bảo chất lượng và chưa từng thay đổi suốt hơn 20 năm qua.

“Nguyên liệu được giao đến tận nhà. Nồi nước lèo được hầm từ 7h sáng đến chiều, chị gái tôi là người chọn lựa và kiểm tra các khâu. Mỗi người một việc, cùng xúm lại làm với nhau nên không quá mệt, toàn người thân nên càng thoải mái hơn”.

Bán hàng nhiều năm, niềm vui của bà Thu là khi khách tới ngày càng đông và hài lòng với món ăn của mình.

"Mùa mưa, đường đi vào quán bị ngập sâu, nhiều hôm cả nhà định nghỉ nhưng nhìn thấy khách quyết lội nước đi vào để ăn nên lại mở bán. Cả nhà hầu như không có ngày nghỉ. Được khách yêu mến như vậy, mình cũng ấm lòng”, bà tâm sự.

Cuộc sống khác xa trên phim ở 'hẻm Bố già' TP.HCM

Trái với khung cảnh tấp nập, ồn ã trên màn ảnh, cư dân hẻm cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4, TP.HCM) có cuộc sống giản dị, không bon chen.

'Tìm người ở ghép tại TP.HCM khó như tìm người yêu'

Nhiều người trẻ ở thành phố lớn như TP.HCM chọn ở ghép để giảm tiền thuê nhà, bớt cô đơn song khó tránh được những rắc rối nảy sinh khi khác biệt tính cách, thói quen với người lạ.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm