Lấy nhầm chồng ''trẻ con''
Sự vô tâm của “đứa trẻ lớn trong nhà” một phần là do bản tính. Nhưng đôi khi, cũng chỉ tại đàn bà đã chăm họ quá chu toàn khiến họ chẳng phải lo lắng bất cứ thứ gì.
Ảnh minh họa |
Từ vô tâm…
Tính vô tâm của anh Hùng thì đúng là... nổi tiếng khắp cả con ngõ nhỏ nơi gia đình anh chị sinh sống. Nhiều người hàng xóm đã quen với những cảnh sáng chiều, chị Linh một mình hì hụi dắt cái xe máy tay ga to đùng qua mấy bậc cầu thang từ nhà ra để đi làm trong khi anh chồng thì đứng ngay đó... chỉnh trang cà vạt và chải đầu, liếc nhìn vợ vật vã với cái xe rồi lại quay đi như không hề hay biết.
Sự vô tâm lên đến đỉnh điểm khi chị mang thai bé thứ hai đến ngày sinh nở, bị vỡ ối, chị gọi điện anh cũng không thèm nghe máy vì đang mải mê nhậu với bạn bè. Gọi lần thứ nhất không nghe, lần thứ 2 không nghe, lần thứ 3 tắt hẳn máy vì “Ai bảo sáng đi khám bảo 1 tuần nữa mới sinh. Làm sao anh biết được!”
“Trong khi lão ấy rượu chè vui thú thì mình vật vã trong bệnh viện, có lúc đau tưởng như tắt thở đến nơi. Nhìn người ta sinh xong có chồng săn sóc, động viên còn mình thì chỉ có mấy mẹ con, bà cháu lo cho nhau mà tủi. Mà nào có phải chồng đi công tác, chồng ở xa đâu cho cam...”, chị Linh thở dài.
… Đến vô trách nhiệm
Không khác mấy so với hoàn cảnh của Linh, chồng Hường cũng là mẫu chuẩn của đàn ông ham chơi. “Cái TV, quạt, hay vòi nước trong nhà có hỏng thì cũng phải giục mỏi mồm mới sửa, nhiều lúc bực quá mình gọi luôn thợ đến sửa cho nhanh”, Hường tâm sự. “Tất cả những việc trên mình chịu được nhưng tính ham chơi của chồng thì càng ngày cang không thể chịu nổi. Chồng suốt ngày xin tiền vợ vì cứ đến tháng lương có bao nhiêu chỉ vài buổi nhậu là lại hết sạch. Thậm chí có cái xe máy để đi làm cũng cắm ra cắm vào mấy lần rồi lại nhờ xe của vợ đi làm". Bí quá, chị Hường lại vay mượn để lấy xe ra cho chồng. Đến bây giờ, hai vợ chồng đang gánh một khoản nợ kếch xù vì những lần ăn chơi quá đà của chồng để lại.
Chồng hư là do vợ?
Có thể khẳng định một số ông chồng “vô tâm vốn sẵn tính trời” nhưng một số khác thì chính là do người vợ đã quá chiều chồng. Nhiều chị em quá đảm đang, chu đáo trong mọi việc và trong quan hệ với mọi người nên thường làm mọi việc thay cho chồng. Được đà, không làm gì mà mọi việc vẫn ổn nên các ông chồng lâu dần thành thói quen, phó mặc mọi chuyện cho vợ. Từ phó mặc trở thành thờ ơ, vô tâm với tất cả. Đôi khi, do bản tính nhu nhược, sợ đổ vỡ của những người vợ khiến các ông chồng càng được thể làm tới như trường hợp của chị Hường nói trên.
Cũng theo lời các bà vợ thì dường như đàn ông chỉ bắt đầu phát bệnh vô tâm từ khi lên chức chồng chứ thời còn đang tán tỉnh, đang yêu thì cũng chu đáo lắm. Chẳng chu đáo sao vượt qua tầng tầng, lớp lớp những vệ tinh xung quanh để lấy được con gái nhà người về làm vợ. Thế nhưng chính cái gã trai chu đáo, nhiệt tình, có trước có sau ấy qua một hôm khoác lên mình bộ cánh hộp, cười mỏi miệng với quan viên hai họ và bạn bè đồng nghiệp bỗng "lột xác" thành một đức ông chồng vừa vô tâm vừa vụng về lười biếng khiến các cô vợ trẻ nhiều lúc giật mình ngơ ngẩn không hiểu có phải mình bị đánh tráo chú rể không. Bao nhiêu mộng bị vỡ sau ngày cưới khiến cho nhiều cô vợ rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán chường và không ít người đã nghĩ đến trường hợp ly hôn.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự vô tâm của “đứa trẻ lớn trong nhà” một phần là do bản tính. Nhưng có những trường hợp, đàn ông vô tâm cũng chỉ tại đàn bà đã chăm họ quá chu toàn và khiến họ chẳng phải lo lắng bất cứ thứ gì nữa. Chia sẻ công việc, giao trách nhiệm cho chồng là một trong những cách tốt nhất để kéo chồng cùng chung vai với mình lo cho gia đình. Trong trường hợp chồng không thay đổi, người vợ nên khéo léo, kèm theo cả sự cứng rắng để nói chuyện thẳng thắn với chồng, hoặc có thể nhờ đến sự tác động của bạn bè và gia đình.
Theo Afamily