- Tai của tôi lâu ngày bị nghẽn do ráy tai nhiều, cứng và nút ráy nằm sâu bên trong. Tôi đã dùng thuốc Ráy C để nhỏ trong vòng 3 ngày. Khi tôi lấy ra thì gây đau. Mới đây tôi có đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Bác sĩ nói nguyên do là vì ráy tai nhiều bít tai, có dùng móc kim loại rọi dưới đèn pha để lấy ra. Nhưng do nút ráy nằm sâu bên trong, cứng nên đau không lấy được. Bác sĩ có cho thuốc về uống nhưng đã 3 ngày vẫn không giảm. Vậy cho tôi hỏi có còn cách nào lấy ráy ra không đau, nhẹ nhàng hơn không?
TTƯT.BS.CKII Nguyễn Thị Bích Thủy tư vấn:
- Ráy tai dư thừa quá nhiều có thể tích tụ gây chứng nút ráy tai. Thông thường ráy tai có chức năng bảo vệ ống tai khỏi các thương tổn và nhiễm trùng. Khi tai mất khả năng tự làm sạch, ráy bị dính chặt lại trên da ống tai, ráy tích tụ rất nhanh và nhiều ở trong ống tai gây các triệu chứng khó chịu thường thấy là: đau tai, ngứa tai, ù tai khó chịu và nghe kém. Trẻ nhỏ và người già là những đối tượng dễ mắc chứng nút tai.
Nhiều người thường dùng tăm bông để lấy ráy tai. |
Nguyên nhân gây bít tắc ráy tai là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng nút ráy tai:
Các bệnh lý ảnh hưởng tới tai: một số bệnh lý ảnh hưởng tới cấu tạo bên trong tai khiến việc làm sạch ráy tai trở nên khó khăn. Ví dụ, bệnh về da khiến tế bào da trong tai rụng quá nhiều dẫn tới bít tắc ống tai
Ống tai hẹp: ở một số người, ống tai hẹp hơn người bình thường khiến họ dễ mắc chứng nút ráy tai hơn. Ống tai có thể hẹp hơn bình thường hậu chấn thương hoặc sau khi bị viêm tai nhiều lần.
Thay đổi do tuổi già: ở người già, ráy tai trở nên khô và dày hơn, dẫn đến việc khó làm sạch hơn.
Thói quen làm sạch tai không đúng: một số người có thói quen dùng tăm bông, có khi là chìa khóa, tăm nhọn xỉa răng… để gãi tai, lấy ráy tai. Thực ra, điều này có thể khiến ráy tai thay vì được lấy ra ngoài lại trôi vào sâu hơn, sau nhiều lần sẽ hình thành nút ráy tai gây bít tắc lỗ tai.
Quá nhiều ráy tai: một số người có lượng ráy tai nhiều hơn hẳn người bình thường, có thể do nước vào tai hay do tai bị thương tổn, nhưng thường do nguyên nhân không rõ ràng.
Có những trường hợp nút ráy tai lâu ngày gây viêm mỏng hoặc loét da ống tai ngoài. Những trường hợp này bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau tai và khi lấy ráy tai ra sẽ đau hơn rất nhiều so với những trường hợp da ống tai ngoài chưa bị viêm, đôi khi sau khi lấy ráy tai sẽ thấy bị chảy máu.
Khi bị nút ráy tai, không nên ở nhà tự lấy vì tự lấy cũng không lấy được mà còn gây tổn thương tai ngoài nhiều hơn. Bạn sử dụng Ray C cũng được. Nhưng nên sử dụng Ray C nhiều lần trong ngày và trong nhiều ngày, nếu ráy tai nhiều và cứng có thể phải dùng Ray C 1 tuần hoặc hơn. Khi đã xịt nhiều thuốc vào tai nên nằm nghiêng tai có thuốc quay lên trên 10-15 phút cho thuốc ngấm, nếu chỉ xịt thuốc vào tai mà không thực hiện động tác này thì thuốc không ngấm và ráy tai không mềm được.
Dù đã xịt thuốc nhiều ngày và đúng cách, bệnh nhân vẫn nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để lấy nút ráy tai. Những trường hợp ráy đóng cứng quá nhiều, bác sĩ sẽ lấy ra cho bệnh nhân những phần ráy tai đã mềm sau đó dặn bạn về xịt tiếp để phần ráy tai bên trong có thể thấm thuốc và mềm được sau đó hẹn lấy tiếp lần sau.
Có những trường hợp, bệnh nhân vì lý do gì, không có nhiều thời gian, bác sĩ cũng sẽ lấy ra cho bạn được, nhưng sẽ bị đau và đôi khi chảy máu.