Ngày 29/6, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ hội truyền thống đình làng Trà Cổ (phường Trà Cổ). Đây là lễ hội thường niên mang bản sắc văn hóa của người dân vùng biển Quảng Ninh. Năm 2020, lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. |
Ngôi đình Trà Cổ đang thờ bài vị của 6 gia đình (tiên công) có công khai hoang, vỡ đất vùng bán đảo Trà Bình. Họ được coi như những vị thành hoàng làng bảo vệ người dân đi biển trước sóng gió, bão táp của biển cả. |
Ông Nguyễn Văn Phương (trong đoàn tế) cho biết theo sử sách, đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Năm 1461, trong một lần bão tố, mười hai gia đình làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (Hải Phòng) trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. |
Không chịu nổi vất vả, sáu gia đình đã quay về quê cũ, sáu gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng vùng quê mới nay là phường Trà Cổ. Ghi nhớ công ơn, người dân bán đảo lập đình thờ tiên công và tổ chức lễ hội đình Trà Cổ vào ngày 1/6 âm lịch hàng năm. |
Điểm nhấn của lễ hội là lễ rước thành hoàng làng từ đình đi dọc theo đường Lạc Long Quân và bãi biển Trà Cổ dài gần 5 km đến miếu thờ với sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch. |
Mỗi khi kiệu rước đi qua, người dân hai bên đường bầy sẵn mâm cúng thường là hoa quả, nước ngọt và các sản vật đánh bắt được sau những chuyến đi biển để dâng lên những vị tiên công đã có công khai hoang mở đất. |
Thấy đoàn rước sắp đi tới, người dân hai bên đường bày mâm cỗ để cúng thần. Bà Hoàng Thị Vui (78 tuổi) cho biết con cháu trong gia đình từ khắp nơi đều trở về để tham gia đoàn rước. "Tôi chuẩn bị lễ vật từ sớm chờ kiệu rước đi qua thì lên đèn, thắp hương cầu thành hoàng làng ban sức khỏe cho cả gia đình", bà Vui nói. |
Đoàn rước ngoài đội nghi lễ và rước kiệu còn có các khóa "ông đám". Đây là 12 gia đình trong làng nhận nhiệm vụ nuôi "ông voi". |
Theo tục lệ của làng Trà Cổ xưa, mỗi năm làng sẽ tổ chức tuyển chọn 12 Cai đám là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, gia đình thuận hoà... Từ đầu năm, mỗi cai đám sẽ nuôi một con lợn. Sau khi mua về nhà, chú lợn này không gọi là lợn nữa mà được gọi là “Ông Voi”, được coi như linh vật của thần. “Ông Voi” được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ có mắc màn để tránh ruồi muỗi. |
Chiều ngày 30/5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ có mái che nắng rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức chấm điểm lựa chọn ra "ông voi" đạt giải nhất. |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hải Huy, chi hội trưởng chi hội nhiếp ảnh Quảng Ninh, cho biết đây là nét đẹp văn hóa, đại diện của dân tộc Việt trên mảnh đất biên cương. "Lễ hội đình Trà Cổ ngoài mang giá trị tâm linh còn là khẳng định cột mốc chủ quyền khi được tổ chức ngay khu vực biên giới giáp với Trung Quốc", nghệ sĩ nhiếp ảnh Hải Huy chia sẻ. |
Lễ hội kéo dài trong 4 ngày, ngoài lễ rước tiên công còn có nhiều hoạt động văn hóa như đua thuyền trên biển, lễ tế của các cai đám.... |