“Mỗi người khi sinh ra và lớn lên đều có những trải nghiệm riêng cho bản thân mình. Với tôi, trải nghiệm khó quên trong cuộc đời là tuổi thơ đơn độc” - Nguyễn Minh Tú, học sinh lớp 12A1, đã bắt đầu bài cảm nhận của mình tại buổi lễ như thế.
Nhiều học sinh không cầm được nước mắt khi nghe Nguyễn Minh Tú (ảnh phải) đọc bài cảm nhận của mình tại lễ khai giảng. |
"Các em học sinh thân mến, các em may mắn sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đang phát triển và hội nhập.
Cha mẹ các em đã gửi gắm ở các em một niềm tin và sự kỳ vọng về một tương lai tươi đẹp. Mẹ cha các em có thể không có những dự án bạc tỉ nhưng có những kế hoạch vĩ đại của tấm lòng thành.
Nguồn tài trợ của cha có thể là mảnh rẫy, là chiếc xe, dự án của mẹ là củ khoai, mớ tép. Tình cảm của cha mẹ đánh thức những năng lượng nằm sâu trong con tim.
Thầy tin chắc rằng chẳng có trí tuệ nào ngủ vùi trước tình cha nghĩa mẹ ấy. Các em hãy nhớ rằng chỉ có ra sức học tập mới có tương lai tươi đẹp", trích bài phát biểu của thầy Bùi Gia Hiếu (hiệu trưởng nhà trường) tại lễ khai giảng
Với giọng nghẹn ngào, đầy cảm xúc, Tú đã đọc bài viết tay dài gần 11 trang giấy học trò của mình tại buổi lễ: “Từ nhỏ, ba mẹ đã gửi tôi cho bên ngoại nuôi vì bận bịu công việc làm ăn. Ba mẹ tôi làm ăn xa lắm, tận đất Campuchia nắng gió xa xôi”.
5-6 tháng Tú mới được gặp ba mẹ một lần: “Mẹ chỉ xoa đầu, hỏi han tôi mấy câu, dúi cho tôi một xấp tiền rồi nhanh chóng lên thành phố... Do vậy, tôi đã không cảm nhận được sự bảo bọc, che chở của ba mẹ như bao đứa trẻ khác.
Tôi buồn lắm, thấy tủi thân lắm! Cho đến một hôm tôi được đứa bạn thân dẫn đến một nơi có rất nhiều đứa trẻ khác cũng có hoàn cảnh giống tôi. Đó là những tiệm net hè phố.
Thoạt đầu tôi chỉ nghĩ là chơi cho vui, nhưng dần dần một giờ, hai giờ và thậm chí nhiều đến nỗi tôi cũng chẳng nhớ mình đã ở đây từ khi nào và bao lâu nữa... Không hiểu sao nhưng ở đây tôi tìm được thứ mình muốn.
Tôi tìm được niềm vui, tìm được nhiều bạn bè.... Tôi cứ luẩn quẩn nơi đây và không tìm được lối ra”.
Cho đến một ngày Tú bị sốt xuất huyết, được ba mẹ ở bên chăm sóc: “Trong cơn bệnh của mình, tôi vô tình nghe được một sự thật đau đớn giữa bà ngoại và mẹ: mẹ tôi bị bệnh ung thư. Nhưng vì muốn được tiếp tục sống để ở bên tôi mà mẹ phải vất vả đi làm kiếm tiền chữa trị căn bệnh của mình.
Ba mẹ không muốn tôi phải nhìn thấy những cơn đau hành hạ mẹ mỗi khi bệnh tái phát nên đã không ở cùng tôi... Tôi hận bản thân tại sao có thể nghĩ xấu và hờn trách ba mẹ mình như thế...
Tôi đã dần hiểu ra không có người cha, người mẹ nào có thể bỏ rơi con mình cả, chỉ vì họ có một lý do bất đắc dĩ nào đó mà không thể nào nói ra. Nhưng sự hối hận của tôi cũng không làm sức khỏe mẹ khá hơn. Nên cuối cùng, điều gì phải đến cũng đến, đó là ngày mẹ bỏ tôi lại mà đi về nơi thật xa...
Những ngày sau đó là những ngày thiếu bóng dáng mẹ, nhưng tôi vẫn phải đứng dậy và đi tiếp. Tôi phải tiếp tục sống và học thật tốt để trở thành một bác sĩ thật giỏi...”.
Tú đã nhận ra: “Ba luôn cố gắng bù đắp cho tôi tất cả. Ba luôn mong tôi không vấp ngã và không bỏ cuộc. Ba giờ đang là chỗ dựa của con. Những gì con được như ngày nay, ba đã giúp con rất nhiều. Con cảm ơn ba. Những lúc ba vui con thấy được, mà lúc ba buồn con lại không biết”.
Rồi Tú kết luận: “Đường con đi bây giờ không còn có mẹ kề bên và con nhận ra rằng: cuộc sống thật đẹp nếu ta còn đầy đủ người thân”.
Ngồi bên dưới, nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh đã không kìm được nước mắt. Một học sinh lớp 10 nghẹn ngào: “Nghe câu chuyện của anh ấy mới thấy mình may mắn quá. Từ nhỏ mình được sống trong vòng tay yêu thương đầy đủ cả ba lẫn mẹ mà mình cứ làm ba mẹ buồn hoài”.
Theo Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu - hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, mỗi năm ban giám hiệu trường sẽ bàn với giáo viên để chọn một chủ đề thể hiện tại lễ khai giảng năm học mới nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Năm nay, chủ đề “Đường con đi” vừa mang nghĩa đen, vừa mang nghĩa bóng: con đường các em đi luôn có ba mẹ, thầy cô dõi theo.
Bài viết của em Nguyễn Minh Tú được lấy ra từ bài kiểm tra môn văn. Hôm ấy, Nguyễn Minh Tú vừa viết bài kiểm tra vừa khóc.