Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 khủng hoảng của cha mẹ khi nuôi dạy con thời @

Sợ con, đánh giá thấp khả năng của đứa trẻ, cô đơn giữa cộng đồng, phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, luôn đặt nhu cầu của con lên trên mình là 5 vấn đề đáng ngại nhất của cha mẹ.

Chuyên gia về hành vi và phát triển nhân cách của trẻ, tác giả của cuốn sách Keep calm and parent on - Emma Jenner đã đúc kết điều đó sau hơn hai thập kỷ làm việc với trẻ em và cha mẹ của chúng ở Mỹ, châu Âu. Bà cho rằng những gì mà bà nhìn thấy gần đây thực sự dáng báo động, trong đó có 5 vấn đề lớn nhất.

1. Cha mẹ sợ chính con em của mình

Tôi có một thử nghiệm gọi nôm na là "thử nghiệm ly sữa", qua đó tôi quan sát những người mẹ đưa ly sữa cho đứa con đang tập đi của cô ấy vào buổi sáng. Tôi xem người mẹ sẽ phản ứng như thế nào nếu đứa trẻ nói: "Con muốn uống trong chiếc ly màu xanh chứ không phải màu hồng", dù người mẹ đã rót sẵn sữa vào chiếc ly màu hồng. Đa số các bà mẹ khuôn mặt méo xệch và lập tức đổ sữa sang ly màu xanh trước khi đứa trẻ giở trò ăn vạ hay giận dữ. Thật là một sự sai lầm.

Các bà mẹ kính mến, điều gì khiến các mẹ sợ sệt đến thế? Ở đây, ai là người có quyền? Hãy cứ để đứa trẻ giận dữ, bạn có thể đi ra và không phải nghe thấy tiếng la hét của trẻ. Cha mẹ dừng tự mình làm thêm việc chỉ để vui lòng đứa trẻ. Quan trọng hơn, hãy nghĩ đến thực tế, nếu bạn đáp ứng yêu cầu của bé chỉ vì bé đã giận dữ và ăn vạ, sau này bé sẽ nghĩ đó là biện pháp để gây áp lực với bạn.

2. Hạ thấp yêu cầu với con trẻ

Khi đứa trẻ mắc lỗi, dù là ở nơi công cộng hay tại nhà, cha mẹ thường có khuynh hướng bỏ qua: “Đó chỉ là một đứa trẻ con”.

Tôi đảm bảo rằng, các vị phụ huynh đã lầm. Trẻ em có khả năng làm được nhiều điều hơn cha mẹ tưởng, dù đó xử sự đúng mực, tôn trọng người lớn tuổi, làm việc nhà hay tự kiểm soát cảm xúc bản thân. Bạn đừng nghĩ rằng một đứa trẻ thì không thể ngồi yên trên ghế trong suốt bữa ăn tối tại nhà hàng. Bạn đừng nghĩ rằng một đứa trẻ thì không thể lau bàn mà không cần lời nhắc nhở của cha mẹ. Lý do duy nhất trẻ không làm là người lớn không chỉ cho trẻ cách làm và không nghĩ rằng chúng có thể làm được. Cha mẹ hãy nâng cao các yêu cầu của mình lên và con trẻ sẽ có cơ hội trưởng thành nhiều hơn.

3. Sự thờ ơ của cộng đồng

Trước đây, chúng ta đã quen với việc để những người lái xe buýt, bán hàng, thầy cô giáo và cả phụ huynh khác toàn quyền dạy dỗ một đứa trẻ ngỗ ngược khi cha mẹ chúng không ở đó. Tất cả mọi người đều làm việc để hướng tới việc nuôi dạy một đứa trẻ ngoan. Sự hỗ trợ của cộng đồng là rất quan trọng.

Bây giờ một số người không phải là cha mẹ của đứa trẻ lo sợ nếu họ giáo dục đứa trẻ, cha mẹ của đứa trẻ sẽ nổi giận. Cha mẹ luôn muốn con mình xuất hiện một cách hoàn hảo, vì thế họ thường không chấp nhận những phản ánh của người khác rằng đứa trẻ hư bướng. Phụ huynh sẽ nổi giận và đến gặp giáo viên hơn là phạt con họ vì những lỗi của đứa trẻ ở trường.

Điều đáng ngại hiện nay là các cha mẹ thường xuyên đánh giá lẫn nhau. Nếu một đứa trẻ tức giận và ăn vạ, mọi con mắt sẽ đổ dồn về phía cha mẹ mà chê bai. Thay vào đó, người mẹ cần được hỗ trợ, bởi vì rất có thể đứa trẻ nổi giận vì mẹ không đáp ứng một trong những nhu cầu của mình. Lẽ ra các phụ huynh khác nên thông cảm: "Người mẹ này làm thế là đúng, bởi việc đặt ra những giới hạn với trẻ là rất khó".

4. Phụ thuộc vào các thiết bị

Thật là tuyệt vời khi cha mẹ có đầy đủ các loại thiết bị điện tử để “giết thời gian” trong suốt một chuyến bay dài hay những giờ phút chờ đợi trước cửa phòng khám của bác sĩ. Cũng thật tuyệt vời khi ta có thể ngồi một chỗ và đặt mua các thực phẩm trực tuyến... Cha mẹ ngày nay bận mải hơn bao giờ hết và có nhiều thiết bị để giúp họ giải quyết các việc một cách dễ dàng nhất. 

Tuy nhiên, các thiết bị cũng có thể là một sự thụt lùi trong giáo dục nhân cách con trẻ. Những bộ phim hoạt hình có thể giúp bạn trông những đứa trẻ trong suốt chuyến bay thì cũng đừng ỷ lại chúng khi đi ăn ở nhà hàng. Đứa trẻ cần học được sự kiên nhẫn, đứa trẻ cần học được cách để tự chơi. Đứa trẻ cần hiểu rằng không phải tất cả các món ăn đều có thể được phục vụ ngon lành chỉ trong vòng chưa đầy ba phút...

Những đứa trẻ nhỏ hơn cần học cách tự làm dịu bản thân thay vì được dỗ dành mỗi khi chúng khó chịu. Trẻ đang tập đi cần học cách tự đứng dậy mỗi khi ngã thay vì chờ đợi cha mẹ ra đỡ dậy. Cha mẹ dạy trẻ phải kiên nhẫn và chính cha mẹ cũng cần kiên nhẫn khi dạy trẻ.

5. Đặt nhu cầu của con cái lên trên nhu cầu của mình

Đương nhiên, cha mẹ phải quan tâm chăm sóc con cái đầu tiên, đây là một điều tốt cho sự phát triển. Tôi ủng hộ việc tôn trọng một lịch trình phù hợp với nhu cầu của con trẻ và thực hiện những việc như cho trẻ ăn, mặc quần áo cho trẻ trước. Có điều cha mẹ ngày nay đã làm việc này một cách quá đà, hoàn toàn hạ thấp nhu cầu và sức khỏe tâm thần của mình vì lợi ích của con cái.

Tôi thường thấy những bà mẹ liên tục thức dậy giữa đêm để đáp ứng những ý tưởng bất chợt của con mình, thấy người bố tất tả chạy quanh sở thú để mua nước cho con gái chỉ vì bé khát. Đứa trẻ không có lỗi gì khi nó khát nước. Người cha cũng không có gì sai khi cha với con gái rằng: "Bố sẽ mua cho con một lon nước, nhưng con phải chờ đến khi chúng ta đi đến quầy hàng tiếp theo". Không có gì sai khi thỉnh thoảng chúng ta nói từ "Không". Không có gì sai khi yêu cầu con bạn tự chơi trong vài phút vì bạn có việc phải làm.

Tôi sợ rằng nếu cha mẹ không sửa chữa những sai lầm của mình, sau đó con em của chúng ta sẽ thành những người lớn ích kỷ, thiếu kiên nhẫn và thô lỗ. Đó không phải là lỗi của chúng, mà là lỗi của cha mẹ. Cha mẹ đã không bao giờ dạy cho họ bất kỳ điều khác nhau, đã không tin tưởng chúng có thể làm được nhiều hơn. Cha mẹ ơi, hãy đòi hỏi trẻ nhiều hơn nữa. Hãy cho phép trẻ làm nhiều hơn. Hãy chia sẻ những khó khăn của bạn. Hãy bớt đáp ứng những nhu cầu của trẻ. Hãy chuẩn bị cho trẻ những gì chúng cần để thành công trong thế giới thực chứ không phải làm sẵn một cái lồng để che chắn chúng.

Mẹ viết Facebook, con bị đuổi học

Một người mẹ ở tiểu bang Ohio (Hoa Kỳ) đã vô cùng phẫn nộ sau khi cậu con trai 4 tuổi của cô bị đuổi khỏi trường mầm non.

http://laodong.com.vn/dien-dan/5-khung-hoang-cua-cha-me-khi-nuoi-day-con-thoi-239228.bld

Theo B.B.H/Báo Lao động

Bạn có thể quan tâm