Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lê Minh Sơn: 'Viết nhạc không được bông phèng'

Nhạc sĩ sinh năm 1975 chia sẻ, với người cầm bút, ca từ đóng vai trò rất quan trọng vì nó thể hiện văn hóa.

Nhắc đến Lê Minh Sơn, khán giả yêu nhạc nghĩ ngay đến những tác phẩm đậm đà bản sắc Việt với bờ ao, đồng lúa, cánh cò... Tham gia chương trình Bữa trưa vui vẻ vào một ngày trời thu Hà Nội trong lành, mát mẻ, nhạc sĩ không giấu được niềm vui, sự phấn khích. Anh tâm sự: "Mùa thu đẹp sởn da gà, đẹp đến không nói nên lời. Chỉ có mình xấu thôi. Một người xấu càng làm tôn vẻ đẹp của đất trời". 

Nói về dòng nhạc dân gian đương đại mình theo đuổi, Lê Minh Sơn chia sẻ: "Không phải tôi chọn dòng nhạc này, mà chỉ đơn giản mình là người vùng miền nào thì có tiếng nói của vùng miền đó. Tôi viết về những gì đang xảy ra hoặc ám ảnh giấc mơ của mình, trên chất liệu âm nhạc Việt Nam kết hợp với những gì văn minh của thế giới. Nó cũng như một bữa ăn, mình phải xào nấu để món ăn đừng bị chán quá". 

Anh quan niệm âm nhạc dân gian thực ra không kén người nghe như mọi người vẫn nghĩ. Những tác phẩm để lại trong lòng công chúng từ thời xưa đều rất "ghê gớm", có thể kể đến các tác giả như Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay thế hệ sau này là Phó Đức Phương, Nguyễn Cường... 

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói về âm nhạc dân gian Tác giả "Ôi quê tôi" cho rằng đây không phải dòng nhạc kén người nghe.

Nhạc sĩ nhận định những sản phẩm âm nhạc bây giờ chỉ nổi lên trong khoảng thời gian ngắn, rồi nhanh chóng chìm xuống: "Các bạn viết bị ảnh hưởng của người Mỹ, Hàn Quốc nhiều quá. Những bài đó đương nhiên sẽ hot nhưng chỉ kéo dài khoảng 3 tháng là nhiều". Trong khi đó, những ca khúc như Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương), Ơi M'Drak (Nguyễn Cường) sẽ đi cùng năm tháng. 

Về quan điểm của người làm nghề sáng tác, Lê Minh Sơn cho rằng trước hết mình cần là người tử tế: "Viết nhạc cũng như cuộc sống của mình, phải chăm chút, không được bông phèng, phải có tư duy nhất định. Ca từ rất quan trọng, đặc biệt với người Việt Nam vì ca từ thể hiện văn hóa". 

Nhiều người thắc mắc với âm nhạc đậm chất vùng quê, Lê Minh Sơn thích cuộc sống hiện đại hay làng quê mộc mạc? Anh lý giải: "Phải là người bứt khỏi cuộc sống của vùng nông thông, người ta mới có góc nhìn sâu sắc. Chẳng hạn như tôi có phỏng vấn một số bạn ở Huế, họ không thấy Huế đẹp và mộng mơ như du khách đến. Hiện đại hay văn minh cũng cần sự hài hòa".  

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn và ca sĩ Hoàng Quyên tham gia chương trình Bữa trưa vui vẻ. Ảnh: BTVV

Nhạc sĩ Chuồn chuồn ớt tâm sự thêm: "Mỗi người đều có một vùng đất để yêu thương và ám ảnh. Nhưng với người nghệ sĩ như tôi, tôi tự thấy thú vị với chính bản thân mình. Cuộc đời lãi nhất là những chuyến đi, kể cả đi trong suy nghĩ. Mình cứ đi và khi đến nơi nào đó, chỉ cần một ánh mắt nhìn mình, thật sự cảm xúc và chân thành thì đó chính là quê hương". 

Thời gian gần đây, tác giả Ôi quê tôi dành mọi tâm huyết cho show truyền hình Du ca Việt nên anh ít xuất hiện trước công chúng. Lê Minh Sơn bộc bạch: "Thực ra tôi chưa bao giờ vắng bóng nhưng bận quá, làm gì cũng bị ám ảnh bởi Du ca Việt. Chương trình đi qua 63 tỉnh thành, 2 tuần/ số, biểu diễn miễn phí cho bà con nên cũng khá mệt mỏi". 

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đệm đàn cho Hoàng Quyên Á quân Vietnam Idol 2012 thể hiện ca khúc "Rét đầu mùa" - một sáng tác của Lê Minh Sơn.

Bên cạnh dự án Du ca Việt, đầu tháng 11, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng giúp đỡ Hoàng Quyên tổ chức đêm nhạc đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội mang tên Rét đầu mùa. Với kinh nghiệm tổ chức khoảng 50 chương trình lớn, nhạc sĩ cho biết anh không cảm thấy lo. Tuy nhiên, chính sự lo lắng của Hoàng Quyên khiến anh bị căng thẳng: "Là đàn ông khó lắm, phải nói ít làm nhiều. Những gì tốt đẹp nhất cho Quyên tôi đã và đang làm rồi". 

Á quân Vietnam Idol 2012 chia sẻ: "Anh Sơn là nhà sản xuất, người thầy và người anh. Bên cạnh đó, anh cũng là người thổi lửa, giúp Quyên luôn mạnh mẽ, vượt qua chính mình". 

Hà Thu

Bạn có thể quan tâm