Tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh trong guồng quay vốn dĩ bình thường là điều khó khăn của các nhà thiết kế tại thời điểm dịch bệnh. Thương hiệu chững lại, đóng các cửa hàng đồng nghĩa với việc nhân viên cũng phải ngừng làm việc trong thời gian cách ly.
Ai cũng có khó khăn riêng và buổi trò chuyện cùng Lê Thanh Hòa với Zing là lần đầu tiên anh được nói hết lòng mình, khác hẳn hình ảnh nhà thiết kế hào quang dưới ánh đèn sân khấu.
"Thương hiệu cũng bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, tất cả dự án đều phải ngưng lại. Tiền chi phí mặt bằng, nhân công, xưởng may bị đội lên gấp nhiều lần so với trước đây", nhà thiết kế chia sẻ.
Nhà thiết kế tên tuổi cũng có lúc sa cơ lỡ bước
Có thể nói dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nhiều đến công việc của nhà thiết kế. Từ trước lúc công bố lệnh cách ly xã hội, Lê Thanh Hòa đã chuẩn bị tinh thần để "chống chọi", nhưng những thứ anh sắp xếp chưa chắc diễn ra theo đúng kế hoạch.
Sự khó khăn bắt đầu từ sau Tết khi doanh thu tháng đầu của cửa hàng vẫn đáp ứng đủ bài toán doanh số. Nhưng càng về sau, sự sụt giảm rõ rệt và khách hàng cũng hạn chế mua sắm thời trang, thay vào đó là các loại nhu yếu phẩm cần thiết.
"Đóng cửa hàng, không kiếm ra doanh thu song là người lãnh đạo tôi phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho các cộng sự. Điều này vô tình trở thành thứ áp lực vô hình trói buộc tôi hàng ngày", anh nói.
"Kinh doanh online vẫn cần được duy trì và đó là cách giúp tôi có kinh phí chi trả tiền nhân công. Tuy nhiên, lượng khách hàng giảm nhiều so với trước đây. Vẫn có những chương trình giảm giá kích thích nhu cầu mua sắm và tôi luôn theo dõi tình hình để biết đường hướng cho thương hiệu của mình", Lê Thanh Hòa chia sẻ thêm.
Thành công với Lê Thanh Hòa nhờ vào công sức của các cộng sự. |
Phải lạc quan mới có thể giải quyết khó khăn
Áp lực để duy trì công ty đôi khi khiến Lê Thanh Hòa mất định hướng phải làm gì chống chọi cùng dịch bệnh. Tuy nhiên, điều anh có thể làm ở thời điểm hiện tại chính là truyền năng lượng tích cực đến người xung quanh, khuyến khích các cộng sự làm việc để bảo đảm thu nhập nhưng cũng phải tự giữ gìn sức khỏe cho bản thân.
Đối với Lê Thanh Hòa, anh không muốn những người lao động bị sa thải và bản thân có trách nhiệm đối với cộng sự lâu năm. Anh cũng từng suy nghĩ phải đi vay tiền để chi trả cho nhân viên, nếu không đủ khả năng. May mắn là anh vẫn luôn có những người bạn thân bên cạnh trong lúc khó khăn.
Để làm được điều này, nhà thiết kế luôn phải có sự lạc quan và niềm tin dành cho nhà nước trong thời điểm cách ly xã hội. Anh cho rằng chỉ khi tinh thần lạc quan mới có thể truyền được nguồn năng lượng tích cực đến người xung quanh, nhất là gia đình, bạn bè và cộng sự. Điều này mới có thể giúp mọi người cùng nhau "lèo lái" con thuyền vượt qua giông bão phía trước.
Chiều 22/4, thủ tướng khẳng định cả nước sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới, cần sớm tạo năng lực để khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và bảo đảm kinh tế - xã hội.
Có lẽ Lê Thanh Hòa chưa bao giờ cảm thấy thời gian dài đến thế. Cảm xúc của anh khi được phép hoạt động trở lại vẫn là sự háo hức, song không còn những điều mới mẻ so với thời điểm anh thành lập thương hiệu. Bởi anh biết đây lại là chặng đường mới với nhiều gian nan và thử thách hơn.
Lê Thanh Hòa cho biết anh may mắn có những người bạn thân giúp đỡ trong lúc khó khăn. |
Tự buộc bản thân phải suy nghĩ rằng đây chính là sự khởi nghiệp, bắt đầu cuộc sống mới, Lê Thanh Hòa cần tìm phương án khác, suy nghĩ hướng đi để ra thêm nhiều dòng sản phẩm giá mềm nhằm đạt được bài toán doanh số.
Duy trì đã khó mà làm lại từ đầu sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng với nhà thiết kế, đó mới chính là cách giúp vực dậy tinh thần và giữ được ngọn lửa đam mê với nghề.
Lê Thanh Hòa chia sẻ: "Tôi từng nghĩ đến tình huống xấu nhất. Trước đó, công ty phải họp mỗi ngày để đưa ra hướng giải quyết. Tôi luôn động viên và khuyến khích các cộng sự làm việc hết mình dù ngày mai có ra sao. Tinh thần khởi nghiệp luôn nằm trong suy nghĩ, bởi chỉ có như vậy mới có thể khiến bản thân cảm thấy lạc quan".
"Bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng, nếu như mọi thứ xảy ra với tình huống xấu nhất thì coi như mình khởi nghiệp lại bằng chính đôi tay này. Tuy nhiên, khách hàng yêu quý cái tên Lên Thanh Hòa mới là điều quan trọng và khiến tôi hạnh phúc nhất. Tôi nói với nhân viên rằng cần trân trọng khách hàng thì họ mới trân quý tình cảm của mình. Cái tâm sẽ chạm đến cái tâm", anh nói thêm với Zing.
Cảm xúc của anh khi nghe tin nới lỏng giãn cách xã hội cũng giống như hình ảnh cậu học trò được đến trường trở lại - phấn khởi, xen lẫn vào đó là sự hồi hộp và lo lắng con đường tiếp theo sẽ bắt đầu lại như thế nào.
Nhà thiết kế không quan tâm nhiều đến việc có bị ai thay thế hay không, chỉ sợ sự chững lại, không thể phát triển thương hiệu. Anh lo sợ bản thân không thể vượt qua chính mình, không còn đủ niềm đam mê với thời trang.
Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, không đủ sức để làm show riêng và thương hiệu sẽ phải dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, đôi khi đó lại là điều hay bởi giống một trang giấy trắng để chúng ta viết nên khởi đầu mới.
Nhà thiết kế cũng gặp nhiều khó khăn trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. |