Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lệnh cấm đối với nữ VĐV 'giống hệt nam' bị lung lay

Hôm 11/7, Tòa án Nhân quyền Châu Âu phán quyết rằng VĐV Caster Semenya bị phân biệt đối xử và đặt nghi vấn về tính hợp lệ của các quy tắc testosterone trong môn điền kinh.

Hồi tháng 3, Liên đoàn Điền kinh Thế giới (WA) thông qua các quy tắc tương tự môn bơi lội khi quyết định cấm các vận động viên chuyển giới từ nam sang nữ và đã trải qua tuổi dậy thì nam.

Quy tắc này cũng ngăn cản Semenya và các vận động viên khác có sự khác biệt về phát triển giới tính (DSD) thi đấu.

Sau phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu, WA cho biết các quy tắc vẫn sẽ được giữ nguyên, có nghĩa Semenya chưa thể trở lại thi đấu, theo El País.

Vụ kiện của Semenya tại tòa án nhân quyền là chống lại chính phủ Thụy Sĩ, chứ không phải WA. Mặc dù vậy, phán quyết vẫn sẽ khiến các lệnh cấm bị lung lay.

Semenya mang giới tính nữ khi sinh ra và đã xác định là nữ trong suốt cuộc đời. Nhưng các quy định do cơ quan quản lý điền kinh đưa ra vào năm 2019 đã buộc cô phải ức chế testosterone tự nhiên của mình để được phép tham gia các cuộc thi dành cho nữ.

Vận động viên điền kinh người Nam Phi cho biết cô mắc một trong số các tình trạng được gọi là "sự khác biệt trong quá trình phát triển giới tính", dẫn đến nồng độ hormone nam trong cơ thể ở mức cao. WA lập luận rằng điều này mang lại cho Semenya lợi thế không công bằng trong các cuộc thi dành cho nữ.

vdv giong het nam anh 1

Các quy định của WA ngăn cản Caster Semenya tham dự Olympic và giải vô địch điền kinh thế giới.

Semenya đã thách thức các quy tắc về testosterone tại tòa án trong nhiều năm, nhưng trước đó đã thua kiện tại Tòa án Trọng tài Thể thao CAS (ở Thụy Sĩ) vào năm 2019.

Lần thứ hai cô chống lại các quy tắc là tại tòa án tối cao của Thụy Sĩ vào năm 2020. Lần kháng cáo bị từ chối và đó là lý do chính phủ Thụy Sĩ trở thành bị đơn trong vụ kiện mới đây tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Phán quyết hôm 11/7 của tòa án nhân quyền là một sự chỉ trích đối với quyết định năm 2019 của CAS. Tòa án thể thao đã giữ nguyên các quy định yêu cầu Semenya và các vận động viên DSD khác phải uống thuốc tránh thai, tiêm thuốc ức chế hormone hoặc trải qua phẫu thuật để được phép tham gia các cuộc thi lớn như Olympic và giải vô địch thế giới.

CAS đã bác bỏ đơn kháng cáo đầu tiên của Semenya mà không xem xét đúng các yếu tố quan trọng như tác dụng phụ của việc điều trị hormone, những khó khăn đối với các vận động viên trong việc tuân thủ quy tắc và thiếu bằng chứng về lợi thế tự nhiên của họ.

Tòa án Nhân quyền châu Âu yêu cầu chính phủ Thụy Sĩ phải trả cho Semenya 66.000 USD cho các chi phí và tổn thất.

Phán quyết của tòa án nhân quyền có thể buộc CAS và WA phải xem xét lại các quy định trong tương lai, nhưng trước mắt chưa có nhiều sự thay đổi.

Trong một tuyên bố, WA cho biết: "Chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng các quy định về DSD là một biện pháp cần thiết, hợp lý để bảo vệ sự cạnh tranh công bằng ở hạng mục nữ".

Semenya (32 tuổi) đang nhắm đến việc tham gia Olympic Paris 2024. Cô là nhà vô địch Olympic 2012 và 2016 ở nội dung 800 m, nhưng đã không thể bảo vệ danh hiệu tại Olympic Tokyo vì quy định DSD.

Ác mộng khi đi máy bay của hành khách ngoại cỡ

Kirsty Leanne, hành khách ngoại cỡ, gặp rất nhiều vấn đề khi đi máy bay. "Tôi lo rằng cả tôi và người bên cạnh sẽ không thoải mái trong suốt hành trình", cô nói.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm