LEO TỔ ĐẠI BÀNG, THĂM THÀNH PHỐ NGẦM DƯỚI LÒNG ĐẤT Ở THỔ NHĨ KỲ
Nhâm nhi ly trà táo thơm lừng, luồn lách trong những hầm đá dưới lòng đất hay hét vang trên đỉnh núi cao là những trải nghiệm quen thuộc nhưng cũng đầy mới lạ khi đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Antalya: Tung cánh trên 'Tổ đại bàng'
"Tổ Đại bàng" là cái tên từng được Alexander Đại đế dành cho thành cổ Termessos thuộc Antalya, vùng đất phía nam cách Istanbul khoảng 2 giờ bay. Alexander Đại đế được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà con người thời đó biết đến.
Đoàn du khách 20 người chúng tôi cũng là những người Việt hiếm hoi có cơ hội đặt chân lên vùng đất này.
"Tổ đại bàng" nằm ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, muốn tới đó cả đoàn phải leo bộ trên con dốc 800 m. Thỉnh thoảng vài người phải dừng lại để nghỉ ngơi nhưng những cánh hoa trắng muốt, những ngọn núi mờ ảo dưới làn sương mù, những câu chuyện hấp dẫn về một thành phố trên đỉnh núi khiến bước chân mỗi người như được tiếp thêm sức.
Anh Safak, hướng dẫn viên người Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Termessos được coi là thành phố "không thể xuyên thủng" nhờ vị trí đắc địa trên đỉnh núi. Alexander Đại đế bao vây thành phố vào năm 333 trước Công nguyên và đã thất bại trong việc chinh phục. Đến năm 200 TCN, một trận động đất tàn phá khu vực và cắt đứt nguồn cung cấp nước tại đây. Thành phố bị bỏ hoang từ đó đến tận bây giờ.
Và những gì hiện lên trước mắt chúng tôi là quá đủ để bù đắp cho quãng đường vừa trải qua. Amphitheatre, nhà hát ngoài trời và di tích còn nguyên vẹn nhất của thành cổ, sừng sững giữa không gian bao la của núi rừng. Những bậc ghế ngồi tạo thành một vòng cung ôm trọn sân khấu. Tất cả được phủ một màu trắng muốt của đá, ngỡ như đang trong mùa tuyết rơi.
Những làn gió mát lạnh va vào núi đá mang đến âm thanh như vọng hưởng của những bản nhạc đã từng được những chơi bởi bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ thời trung cổ.
Termessos được xếp vào hạng mục một trong những thành phố được bảo tồn tốt nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những chứng tích lịch sử còn được lưu lại ở bảo tàng Antalya, gồm 13 phòng triển lãm và 5.000 tác phẩm nghệ thuật, là một trong những công trình lớn nhất quốc gia này. Một tòa nhà hoành tráng ở đây là nơi cất giữ hàng nghìn di vật kể lại câu chuyện về lịch sử con người và tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thiên niên kỷ.
Các tác phẩm điêu khắc nhân vật thần thoại như Zeus, Hermes, Hera... được tìm thấy trong các cuộc khai quật gần đây ở Perge thu hút du khách hơn cả. Những bức tượng cao đến 4-5 m với đường nét tinh xảo, chứa đựng tinh thần, màu sắc của mỗi vị thần.
Thành phố dưới lòng đất
Nhắc đến Cappadocia, người ta thường nghĩ ngay đến trò bay khinh khí cầu đẹp nhất thế giới, nhưng ở nơi đây còn một thứ đặc sản khác, đó là đá. Đá hiện diện ở khắp nơi du khách đặt chân lên mảnh đất này. Những ngôi nhà được sinh ra từ núi đá, các hang động của người xưa khoét đá để làm nơi trú ẩn, thắng cảnh thiên nhiên sừng sững giữa trời cũng được thượng đế "điêu khắc" từ những hòn đá. Bữa tối đầu tiên đặt chân đến đây chúng tôi được thưởng thức trong khung cảnh những âm thanh bản địa va đập trong hang đá như một bản phối khí mới mẻ, hấp dẫn.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn quốc gia Goreme và khu núi đá Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ là Di sản Thế giới năm 1985.
Khoảng 50 triệu năm trước, địa hình nơi đây chỉ toàn khe nứt và miệng núi lửa. Nham thạch phun trào từ núi lửa phủ kín bề mặt Cappadocia, gặp gió mưa đã đông đặc lại, mang đến cho nơi đây một vẻ đẹp kỳ thú, độc đáo hiếm thấy ở nơi nào trên thế giới.
Rải rác trên đường đi là hàng nghìn khối đá với các hình thù khác nhau, từ chú lạc đà chênh vênh trên con dốc đến những cây nấm khổng lồ. Khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên chỉ là đá trải dài đến cuối chân trời, vậy mà sự sống vẫn nảy sinh và vươn lên mạnh mẽ trong hàng triệu năm.
Cappadocia còn có những thành phố ngầm hàng nghìn năm tuổi do những người Thiên Chúa giáo chạy trốn sự săn đuổi của quân đội La Mã đến đây xây dựng. Đây vừa là nơi trốn kẻ thù, vừa là nơi để họ tránh thú dữ vào mùa đông khắc nghiệt.
Từ những hang ngầm thô sơ ban đầu, khu vực này đã tăng dân số một cách nhanh chóng và hình thành nên xã hội ổn định. Khoảng 40 thành phố, khu dân cư ngầm rải rác ở Cappadocia, gồm 2 thành phố ngầm lớn nhất, được nhắc đến nhiều nhất là thành phố Kaymakli và Derinkuyu.
Qua những nghiên cứu khảo cổ, các nhà khoa học cho biết hai thành phố ngầm này có tới 7-8 tầng sâu, quy hoạch tổ chức cực kỳ khéo léo, số dân cư lên tới 20.000 người với đầy đủ phòng cầu nguyện, phòng khách, phòng ngủ, bếp ăn...
Để di chuyển trong những khu vực này, bạn phải cúi khom người, có đoạn chỉ từng người di chuyển một. Không gian chật hẹp tưởng chừng như đến ngạt thở. Nhưng nhờ có hệ thống thông khí trời đủ cung cấp oxy cho cả thành phố khiến chúng tôi cứ mê mải trong mê cung ấy.
Istanbul - thành phố của những sắc màu
Hoa tulip vốn là biểu tượng của Hà Lan nhưng Thổ Nhĩ Kỳ mới là nơi đặt hạt giống đầu tiên của loài hoa này. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, nông dân Thổ dưới thời Ottoman đã lai tạo được trên 2.000 loại hoa tulip khác nhau trồng khắp nơi ở Istanbul.
Đến thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ vào những ngày tháng 4, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bông hoa đang đua sắc trên những trục giao thông, công viên hay bất cứ đâu.
Sắc màu còn rực rỡ trên những tòa nhà cũ, bậc cầu thang 7 sắc cầu vồng với những quán cà phê xinh xắn khắp nơi ở Balat, khu phố của người Do Thái ở Istanbul. Đây cũng là một trong những địa điểm tuyệt vời cho những tay nhiếp ảnh đường phố.
Những con người thân thiện
Trước chuyến đi, tôi được dặn dò nếu muốn chụp ảnh những người phụ nữ Hồi giáo thì phải thật cẩn thận vì phần lớn họ không thích, thậm chí còn tỏ ra khó chịu.
Nhưng có một lần tôi bị một người phụ nữ Hồi giáo phát hiện. Trái ngược với sự lo lắng của tôi, người phụ nữ ấy đột nhiên nhoẻn miệng cười và còn đứng tạo dáng. Những lo lắng bỗng chốc tan biến, từ đó mỗi lần muốn chụp ai, tôi đều đến trò chuyện và xin phép họ. Hầu hết mọi người đều rất vui vẻ, thoải mái. Thậm chí có người còn xin liên lạc để nhờ tôi gửi hình.
Trong tiếng Hy Lạp xưa hay tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, "ye" hay "ya" có nghĩa là thuộc về sự vật, sự việc của danh từ đứng trước nó. Türkiye thì "ye" nghĩa là thuộc về người Thổ. Antalya, Konya, Malatya, Amasya, Osmaniye,...hay nhiều địa danh khác của Thổ Nhĩ Kỳ đều có nghĩa tương tự.
Mỗi vùng đất, dù từ những ngày bị Alexander Đại đế, Đế quốc La Mã chinh phục đến những ngày thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại vào năm 1923, những giá trị của nó vẫn còn trường tồn mãi với thời gian. Đó vẫn là những dấu ấn sâu đậm của mảnh đất này, tạo nên một Thổ Nhĩ Kỳ thật đặc biệt, vừa mang màu sắc thời kỳ trung cổ mà vẫn bắt nhịp với xu thế toàn cầu hiện nay. Nó vừa phảng phất nét tinh tế, nhẹ nhàng của Nam Âu mà vẫn lưu giữ những nét truyền thống của miền đất Tây Á.