Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LHP quốc tế Busan bị tẩy chay

Sự kiện điện ảnh được cho là lớn nhất châu Á có nguy cơ không thể diễn ra như kế hoạch do bị một nhóm các nhà làm phim tẩy chay.

Ủy ban Khẩn cấp của Liên hoan phim Quốc tế Busan, gồm 9 hiệp hội lớn các nhà làm phim của Hàn Quốc vừa công bố kết quả của một cuộc thăm dò toàn ngành. Theo đó, 90% trong tổng số hơn nửa thành viên của mỗi hiệp hội tham gia cuộc thăm dò muốn tảy chay Liên hoan phim Busan.

Busan vo ke hoach anh 1
Liên hoan phim Quốc tế Busan được tổ chức hàng năm tại Hàn Quốc được xem là sự kiện điện ảnh tầm cỡ và quan trọng bậc nhất châu Á. 

Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc Tòa án Busan phán quyết 68 người vừa được bổ nhiệm trong Ủy ban Tư vấn của Liên hoan phim là không hợp lệ.

Quyết định bổ nhiệm mới do ông Lee Yong Kwan  - cựu giám đốc điều hành Liên hoan phim Quốc tế Busan tiến hành với nỗ lực giành được đa số phiếu bầu theo luật sửa đổi bị chính quyền thành phố Busan cáo buộc là bổ nhiệm những người "không có đủ năng lực".

Trước đó, vào ngày 21/3, Ủy ban Khẩn cấp đã tổ chức họp báo tuyên bố sẽ tẩy chay Liên hoan phim quốc tế Busan nếu như chính quyền thành phố Busan không đảm bảo quyền tự trị của liên hoan.

Các nhà sản xuất phim, đạo diễn, biên kịch trong Ủy ban Khẩn cấp đề nghị chính quyền rút lại văn bản ban hàng ngày 14/3 về việc không công nhận 68 thành viên trong Ban Tư vấn vừa được bổ nhiệm.

Tuy nhiên nhà tổ chức Liên hoan phim đã phớt lờ lời đề nghị này dẫn đến việc các hiệp hội trong Uỷ ban Khẩn cấp chính thức tuyên bố không tham gia Liên hoan phim Quốc tế Busan năm nay.

Trả lời báo chí, Ủy ban Khẩn cấp Liên hoan phim Busan cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua nền điện ảnh Hàn Quốc lại thể hiện một tinh thần đoàn kết như vậy. Lần đầu tiên là hồi năm 2006, khi nhiều nhà làm phim và diễn viên thể hiện sự phản đối cắt giảm hạn ngạch chiếu phim Hàn Quốc ở thị trường nội địa. Điều này chứng tỏ nền điện ảnh đang bị hạn chế tự do ngôn luận và những tác hại tới việc tự chủ của Liên hoan phim đang ngày càng nghiêm trọng”.

Busan vo ke hoach anh 2
Những tranh cãi giữa các nhà làm phim với thành phố Busan - nhà tổ chức kéo dài từ năm 2014 đến nay vẫn không dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí năm nay còn căng thẳng hơn mọi năm. 

Cuộc chiến giữa Ủy ban Khẩn cấp Liên hoan phim với chính quyền thành phố Busan đã kéo dài hơn 1 năm, bắt đầu từ việc chính quyền thành phố gây sức ép buộc liên hoan phim hủy bỏ công chiếu The Truth Shall Not Sink With Sewol (tạm dịch: Sự thật không chìm cùng chiếc phà Sewol) - bộ phim tài liệu về vụ chìm phà Sewol năm 2014 với nội dung đặt ra những nghi ngờ về nỗ lực cứu hộ của chính phủ Hàn Quốc sau thảm họa.

Với việc một nhóm các nhà làm phim Hàn Quốc tuyên bố tẩy chay, Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 21 năm nay có thể sẽ diễn ra không đúng kế hoạch ban đầu.

Tuy vậy, nhà tổ chức Liên hoan phim là chính quyền thành phố Busan vẫn đang xúc tiến những công việc chuẩn bị cần thiết, gồm cả việc mời các nhà làm phim nước ngoài. Tính đến thời điểm này, sự kiện điện ảnh này đã được tài trợ 12,3 tỷ won (tương đương với 10,7 triệu USD).

Liên hoan phim quốc tế Busan (Busan International Film Festival - BIFF) là sự kiện điện ảnh lớn nhất và nổi tiếng nhất của Hàn Quốc cũng như quan trọng bậc nhất châu Á. Sự kiện được tổ chức vào tháng 10 hàng năm và luôn thu hút sự chú ý của thế giới. 

Năm ngoái, Việt Nam có 2 bộ phim Cha, con và... của đạo diễn Phan Đăng Di và Quyên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình được lựa chọn trình chiếu ở hạng mục A window on Asian cinema (Cửa sổ điện ảnh châu Á). Ngoài ra, còn một số đoàn làm phim cũng dự BIFF như Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Cha cha cha của đạo diễn Đỗ Quốc Trung, Thằng Ròm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy.


Lê Quang Đức

Bạn có thể quan tâm