Khi mừng tuổi trẻ nhỏ trong gia đình, nên mừng số tiền có mệnh giá bằng nhau bởi trẻ nhỏ có tâm lý hơn thua, rất dễ so sánh số tiền mừng tuổi với người khác, hoặc khiến người mừng tuổi bị xem là "bên trọng, bên khinh". Ngoài ra khi mừng tuổi, không nên mừng trẻ nhỏ số tiền lớn hơn của bậc cha chú trong gia đình để thể hiện sự tôn trọng, tinh tế trong cách ứng xử. |
Tùy từng vùng miền lại có quan niệm về mệnh giá tiền mừng tuổi khác nhau, có nơi thường mừng tiền mệnh giá chẵn vì cho rằng sẽ đem lại may mắn, có nơi mừng tiền lẻ với ý rằng tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều, đồng thời đem lại may mắn cho người nhận. Vì vậy, tùy khả năng kinh tế và quan niệm địa phương, người mừng tuổi cân nhắc số tiền mừng cho phù hợp. Tuy nhiên, tiền dùng để lì xì nên là tiền mới vì vừa hợp với không khí năm mới, vừa đem lại cảm giác vui vẻ cho người nhận. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tục lì xì đầu năm còn là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện sự hiếu thảo, gửi lời chúc sức khỏe đến người lớn tuổi. Theo quan niệm dân gian, mừng tuổi người già với số tiền tăng theo các năm thể hiện cho lời chúc may mắn, tiền tài ngày một nhiều hơn. |
Bạn cũng nên cân nhắc mừng tuổi số tiền phù hợp với tình hình tài chính của bản thân, tránh vì áp lực mà chi tiêu quá khả năng song cũng cố gắng thể hiện lịch sự, hồi đáp tiền mừng của người khác, đặc biệt khi đã có con nhỏ. |
Khi nhận được tiền mừng của khách, nên cảm ơn bằng lời chúc may mắn, sức khỏe, tiền tài và thành công. Ngoài thể hiện phép lịch sự, trân trọng, còn là cơ hội để người nhận gửi những lời chúc tốt đẹp trong năm mới đến người mừng tuổi, tạo bầu không khí vui vẻ. |
Với những gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ nên dạy con không được đòi tiền lì xì của khách, nhận tiền với thái độ lễ phép, đúng mực và không mở lì xì trước mặt khách. Khi nhận được tiền mừng tuổi đầu năm, nên giữ bao lì xì nguyên vẹn, tránh làm nhàu nát, rách hay vứt đi để thể hiện sự tôn trọng người mừng. |