Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến vấn nạn nhiều người trẻ Hong Kong trở thành con nợ ở độ tuổi đôi mươi vì cuốn vào cám dỗ đánh bạc, chơi điện tử đổi điểm lấy tiền.
Adrian (không phải tên thật của nhân vật) ghé vào một khu trò chơi điện tử ở Hong Kong trong lúc chờ bạn. Nhanh chóng, anh mua xèng, chọn một máy và say mê với trò câu cá trên màn hình.
“Nếu đạt 300.000 điểm, tôi có thể đổi lấy vài trăm HKD”, anh cho hay. Số điểm hiện tại của anh là 200.000.
Từ chối tiết lộ cách kiếm tiền, song Adrian thừa nhận số tiền nhận được thường ít hơn số tiền bỏ ra. Dẫu vậy, chàng trai 28 tuổi vẫn chơi hai lần một tuần và tốn khoảng 100 HKD mỗi lần.
Để tham gia, những người chơi như Adrian phải mua thẻ chơi giá 20 HKD. Nếu mua xèng, số tiền còn tốn kém hơn.
“Trò chơi điện tử bằng xèng này thú vị hơn so với những trò chơi trên máy tính khác. Nó giúp tôi giết thời gian”, anh nói.
Các trò điện tử chơi bằng hình thức mua xèng trở thành công cụ lừa đảo của không ít cơ sở kinh doanh tại Hong Kong. |
Mặc dù các trò chơi này hoàn toàn hợp pháp, việc đổi điểm lấy tiền lại xảy ra tại một số tụ điểm đánh bạc trái phép. Việc điều hành các cơ sở kinh doanh hình thức điện tử chơi xèng nhằm mục đích cá cược, ăn tiền cũng bị coi là trái pháp luật.
Ban đầu, người chơi dễ dàng giành chiến thắng, đổi được nhiều tiền và sau đó chơi liên tiếp không ngừng. Sau đó, các chủ cửa hàng sẽ dùng chiêu gian lận, khiến trò chơi trở nên khó nhằn và người chơi chịu thua liên tiếp.
Với mánh khóe này, nhiều cửa hàng trò chơi điện tử có thể kiếm được hàng chục nghìn HKD mỗi ngày.
Ôm khoản nợ lớn khi mới 18 tuổi
Bên cạnh nguy cơ vi phạm pháp luật, các chuyên gia cũng cảnh báo người tham gia vào các hoạt động này có khả năng nghiện, phát sinh nợ và bị cuốn vào các hình thức đánh bạc khác như cá cược bóng đá, đua ngựa.
“Một số thanh thiếu niên ôm khoản nợ lên tới 100.000 HKD khi cố gắng gỡ gạc số tiền đã mất”, Alfred Chan Chi-wah, giám sát viên công tác xã hội tại tổ chức phi chính phủ Caritas Hong Kong, đánh giá.
Ah Ming mới chỉ 18 tuổi khi anh bắt đầu tham gia trò câu cá tại các máy chơi bằng xèng 4 năm về trước. Vì tin vào lời dụ dỗ có thể kiếm tiền dễ dàng từ những trò giải trí kiểu vậy, Ming bỏ học.
“Lúc đầu, tôi chỉ muốn có nhiều tiền hơn để đi chơi với bạn bè. Trò chơi trở nên hấp dẫn khi bạn có thể kiếm được rất nhiều mà không cần làm việc chăm chỉ”, anh thú nhận.
Lần đầu tiên, Ming chi 100 HKD và nhận về số tiền lớn hơn gấp nhiều lần. Kể từ đó, các trung tâm trò chơi điện tử chơi bằng xèng trở thành nơi Ming thường xuyên lui tới.
Ở độ tuổi 18, Ah Ming bỏ học và kiếm tiền bằng những trò đỏ đen. |
Tuy nhiên, trong vài tháng, may mắn của anh dường như cạn kiệt và Ming chuyển sang cá cược bóng đá. Cứ thế Ming bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần khi làm được bao nhiêu, anh lại đổ vào các trò đỏ đen.
“Tôi từng kiếm được 7.000-8.000 HKD mỗi tháng nhưng có thể mất tất cả chỉ trong 1-2 ngày. Tôi đã đánh bạc với tất cả số tiền mình có”.
Sự cám dỗ khiến dù thắng hay thua, anh vẫn không dứt khỏi chuyện đánh bạc và khi cạn tiền, Ming bắt đầu vay tiền với lãi suất cao.
Cuối cùng, khoản nợ 100.000 HKD được gia đình Ming trả giúp. Tuy nhiên, ngay cả khi tưởng đã thoát khỏi bài bạc, cá cược ăn tiền khi bắt đầu công việc mới, Ming vẫn không chống lại được sức hút từ những lời mời mọc vay tiền.
Kết cục, anh lại dồn hết tiền đánh bài và lần này, Ming biết mình phải cầu cứu sự trợ giúp của người thân với khoản nợ 300.000 HKD.
Xu hướng đánh bạc chứng kiến nhiều người tham gia ở độ tuổi còn rất trẻ, theo Ivan Chan King-lok, cố vấn tại Caritas Hong Kong.
“Bạn có thể đặt cược trực tuyến ngay bây giờ tại các ứng dụng trò chơi câu cá”, ông nói.
Độ tuổi được phép đánh bạc hợp pháp ở Hong Kong là 18. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của PolyU vào năm 2016, 44% số người tham gia khảo sát cho hay họ bắt đầu các trò đỏ đen trước khi bước sang tuổi 18.
“Đã có những con bạc trẻ em chỉ mới 10 tuổi”, Alfred Chan nhớ lại trường hợp một học sinh tiểu học sử dụng thẻ tín dụng của phụ huynh để đánh bạc.
Cảnh sát Hong Kong bắt giữ và điều tra hàng trăm con bạc kiếm tiền nhờ những máy trò chơi bằng xèng. |
Trò chơi hợp pháp bị biến tướng
Tình hình đánh bạc ở Hong Kong càng trở nên phức tạp hơn khi những trò chơi hợp pháp như câu cá bằng xèng trở thành công cụ để những con bạc tham gia cá cược, kiếm tiền.
Trong vài năm gần đây, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ nhiều trường hợp kinh doanh trá hình và cảnh báo những người trẻ tuổi đam mê thể loại giải trí này có thể trở thành nạn nhân của lừa đảo.
Tháng 5 năm ngoái, trong các cuộc đột kích trên toàn thành phố vào hàng chục trung tâm trò chơi và 51 tụ điểm đánh bạc bất hợp pháp, cảnh sát Hong Kong bắt giữ 135 người, trong đó có hai thanh niên 15 tuổi.
Tính riêng trong năm 2019, gần 600 máy điện tử chơi bằng xèng bị cảnh sát thu giữ. Các điểm số trong máy được các con bạc ghi lại để đổi lấy tiền mặt.
Lún sâu vào cờ bạc, nhiều con nghiện trẻ tuổi phải tìm đến các trung tâm hỗ trợ. |
Mặt khác, loại hình đánh bạc này mới xuất hiện và chưa được theo dõi cụ thể vì giới nghiên cứu mới chỉ tập trung vào các hình thức đánh bạc truyền thống hơn như cá cược đua ngựa và bóng đá.
“Hơn nữa, kinh nghiệm trong quá khứ chỉ ra một người chơi cờ bạc có thể ảnh hưởng đến 12- 15 người khác, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình”, giám sát viên Alfred Chan đánh giá.
Theo Alfred Chan, sự nỗ lực của chính quyền để ngăn chặn vấn đề này là cần thiết. Tuy nhiên, vai trò của xã hội và gia đình trong việc dạy những người trẻ tuổi quản lý tài chính cũng quan trọng hàng đầu. Nếu vậy, những người đánh bạc sẽ không dễ dàng rơi vào cái bẫy cá cược như một cách kiếm tiền nhanh chóng.
“Đối với những người trẻ chìm sâu trong nợ nần, các trung tâm hỗ trợ người nghiện cờ bạc cần cung cấp tư vấn tài chính, bắt đầu bằng việc tìm hiểu thu nhập khách hàng và khả năng trả nợ. Bước tiếp theo là nói chuyện với ngân hàng và công ty cho vay về cách kéo dài thời gian trả nợ, nhằm giảm áp lực tài chính và mong muốn đánh bạc”, tiến sĩ Chung Kim-wah phân tích.
Ah Ming đã tìm đến trung tâm tư vấn cho người nghiện bài bạc hơn một năm để quyết tâm từ bỏ các trò đỏ đen.
Hiện tại, bố mẹ cất giữ thẻ ATM và kiểm soát chi tiêu hàng ngày của anh. Mỗi tháng, 70% số lương của Ming được dùng cho việc trả nợ. Anh mới chỉ trả được một phần tư số nợ.
“Tôi bắt đầu làm việc trở lại. Mê cờ bạc rất nghiêm trọng và có thể khiến đầu óc bạn mụ mị”, chàng trai 22 tuổi cho hay.