Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên Hợp Quốc họp xuyên đêm, đạt thỏa thuận lịch sử

Sau hơn một thập kỷ đàm phán, các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã đồng ý hiệp ước đầu tiên bảo vệ vùng biển nằm bên ngoài biên giới các quốc gia.

Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đêm 4/3 đồng ý thành lập khung pháp lý bảo vệ vùng biển quốc tế.

Các đại biểu tiếp tục họp trong nửa ngày tiếp theo để chính thức thông qua thỏa thuận. Họ đã không rời phòng họp tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York trong suốt 2 ngày và làm việc suốt đêm để hoàn thành thỏa thuận, Guardian đưa tin.

Hiệp ước Biển Quốc tế của Liên Hợp Quốc đặt 30% đại dương trên thế giới vào các khu vực được bảo vệ, đầu tư nhiều tiền hơn vào bảo tồn biển và đưa ra các quy định mới về khai thác khoáng sản trên biển.

Các nhóm môi trường tin rằng nó sẽ giúp hóa giải tổn thất đa dạng sinh học và đảm bảo phát triển bền vững, theo BBC.

Biển quốc tế là gì?

Hai phần ba đại dương trên thế giới hiện được coi là vùng biển quốc tế, tức không nằm trong biên giới của bất kỳ quốc gia nào. Điều này đồng nghĩa tất cả quốc gia đều có quyền đánh cá, vận chuyển và nghiên cứu ở những vùng biển này.

hiep uoc bien quoc te anh 1

Đồ họa: Guardian.

Cho đến nay, chỉ có khoảng 1% vùng biển quốc tế được bảo vệ.

Điều này khiến sinh vật biển sống ở đây có nguy cơ suy giảm số lượng do các mối đe dọa bao gồm biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và giao thông vận tải.

Những loài sinh vật biển nào có nguy cơ?

Theo đánh giá mới nhất về sinh vật biển, gần 10% loài đang được cho là có nguy cơ tuyệt chủng, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Tiến sĩ Ngozi Oguguah, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Hải dương học và Nghiên cứu Biển Nigeria, cho biết: “Hai nguyên nhân lớn nhất (dẫn đến tuyệt chủng) là đánh bắt quá mức và ô nhiễm. Nếu chúng ta có các khu bảo tồn biển thì hầu hết nguồn tài nguyên biển sẽ có thời gian để phục hồi”.

Các loài bào ngư, cá mập, và cá voi đã phải chịu áp lực đặc biệt do giá trị thương mại cao.

IUCN ước tính 41% các loài bị đe dọa cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Minna Epps, người đứng đầu nhóm đại dương của IUCN, giải thích: “Hơn ¼ lượng carbon dioxide thải ra được đại dương hấp thụ. Điều đó làm cho đại dương có tính acid hơn nhiều, gây nguy hiểm cho một số loài và hệ sinh thái”.

hiep uoc bien quoc te anh 2

Việt hóa: Hồng Ngọc.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, biến đổi khí hậu cũng làm tăng các đợt nắng nóng trên biển lên gấp 20 lần, có thể gây ra các sự kiện cực đoan như lốc xoáy, và các sự kiện gây chết sinh vật hàng loạt.

Hiệp ước cũng nhằm chống lại các tác động tiềm ẩn từ việc khai thác ở vùng nước sâu, thu thập khoáng chất từ đáy đại dương.

Các nhóm môi trường rất lo ngại về những tác động tiềm ẩn của việc khai thác mỏ biển, có thể làm xáo trộn trầm tích, gây ô nhiễm tiếng ồn, và phá hủy môi trường sinh sản của sinh vật.

Nội dung Hiệp ước Biển Quốc tế là gì?

Mục tiêu bao quát của thỏa thuận là biến 30% vùng biển quốc tế trên thế giới thành các khu bảo tồn biển (KBTB) vào năm 2030.

Tuy nhiên, mức độ bảo vệ ở những khu vực này vẫn đang vấp phải tranh cãi gay gắt và vẫn chưa được giải quyết.

Tiến sĩ Simon Walmsley, cố vấn trưởng về biển thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên ở Anh (WWF-​UK) cho biết: “Đã có cuộc tranh luận đặc biệt xung quanh định nghĩa khu bảo tồn biển, và các khu bảo tồn này nên được khai thác bền vững hay cần được bảo vệ toàn diện”.

hiep uoc bien quoc te anh 3

Một con cá voi đầu bò Bắc Đại Tây Dương kiếm ăn trên Vịnh Cape Cod ngoài khơi bờ biển Plymouth, Massachusetts, Mỹ, ngày 28/3/2018. Ảnh: AP.

Bất kể hình thức bảo vệ nào được đưa ra, các khu bảo tồn biển đều sẽ được áp đặt những hạn chế về số lượng cá được phép đánh bắt, tuyến đường vận chuyển, và hoạt động thăm dò biển.

Các biện pháp chính khác bao gồm: Thỏa thuận về chia sẻ nguồn gene biển, chẳng hạn như vật liệu sinh học từ thực vật và động vật trong đại dương, có thể giúp mang lại lợi ích cho xã hội như làm dược phẩm và thực phẩm; và những yêu cầu về việc đánh giá môi trường đối với các hoạt động ở vùng nước sâu như khai thác mỏ.

Các quốc gia giàu có hơn cũng đã cam kết cung cấp tài chính cho việc thực hiện hiệp ước.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/3 đã công bố gần 820 triệu euro (870 triệu USD) để bảo vệ biển quốc tế.

Hiệp ước mới sẽ tạo nên khác biệt gì?

Bất chấp bước đột phá trong việc đồng ý hiệp ước, vẫn còn một chặng đường dài trước khi nó được thống nhất về mặt pháp lý.

Trước tiên, hiệp ước phải được thông qua tại phiên họp khác, và sau đó chỉ “có hiệu lực” khi có đủ số thành viên ký thông qua hiệp ước tại quốc gia của họ.

hiep uoc bien quoc te anh 4

Một con tàu đánh bắt mực trên vùng biển quốc tế gần quần đảo Galapagos.Ảnh: AP.

“Nếu không có đủ quốc gia (thông qua) thì nó sẽ không có hiệu lực. Chúng tôi đang xem xét khoảng 40 quốc gia để khiến toàn bộ điều này có hiệu lực”, tiến sĩ Simon Walmsley cho biết.

Sau đó, các quốc gia phải bắt đầu xem xét thực tế cách thức thực hiện và quản lý các biện pháp nêu trong hiệp ước.

Bà Epps, từ IUCN, cho biết việc triển khai này là rất quan trọng. Nếu các khu bảo tồn biển không được kết nối đúng cách, nó có thể không tạo ra được tác động mong muốn, vì nhiều loài đang di cư và có thể di chuyển qua các khu vực không được bảo vệ.

Khoảnh khắc Liên Hợp Quốc đạt thỏa thuận lịch sử về biển Khi bà Rena Lee, Chủ tịch hội nghị của Liên Hợp Quốc về việc bảo vệ biển quốc tế, hôm 4/3 thông báo đồng ý về hiệp ước lịch sử, cả hội trường đã đứng lên vỗ tay hoan nghênh.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Các nước Liên Hợp Quốc đạt thỏa thuận lịch sử về biển

Sau gần 20 năm đàm phán, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tối muộn hôm 4/3 đồng ý thành lập khung pháp lý bảo vệ vùng biển quốc tế.

Thấy gì từ những vật thể trôi nổi giữa đại dương

Các vật thể dạt vào bờ biển - như quả cầu kim loại xuất hiện ở Nhật Bản vừa qua - là cơ hội để giới nghiên cứu hiểu thêm về sự vận động của các đại dương.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm