Đó là những chia sẻ của TS. Vũ Thu Hương (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khi thời gian gần đây liên tiếp nhận được tin xảy ra những vụ tự tử mà nạn nhân là các em học sinh.
- Là người nghiên cứu và tư vấn nhiều cho phụ huynh cũng như học sinh về kỹ năng sống, theo bà nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng rất đau lòng này?
- Nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ bị rơi vào tình trạng bất thường về tâm lý. Những khi gặp những chuyện khó khăn, buồn nản mà xung quanh không có ai chia sẻ, tháo gỡ, các em sẽ dễ dàng nghĩ đến phương thức giải quyết tiêu cực này.
Lời vĩnh biệt của học sinh. |
Lý do thì có rất nhiều nhưng rõ ràng là các cháu thiếu sự cảm thông của cha mẹ, người thân. Cảm giác cô độc, bơ vơ, thiếu đi chỗ dựa tình cảm. Đặc biệt, với những cháu không có bạn thân thì chuyện này sẽ càng nghiêm trọng và dễ xảy ra hơn.
Một nguyên nhân nữa có thể sẽ phụ thêm cho những suy nghĩ tiêu cực của các em là cuộc sống quá đơn điệu. Các em có quá ít những hoạt động nên cuộc sống trở nên quá nhàm chán. Vậy nên khi đối mặt với chuyện buồn như tình cảm bị gia đình ngăn trở, các em sẽ dễ dàng cảm thấy cuộc sống mất hết niềm vui, tuyệt vọng về cuộc sống. Từ đó, các em dễ dàng quyết định từ bỏ cuộc sống.
Như vậy, cuộc sống chỉ có học hành cũng làm cho các em mệt mỏi và dễ làm nảy sinh suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Những em có hoàn cảnh sống quá sung sướng cũng có nhiều khả năng rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Lý do có vẻ hơi ngược nhưng khó khăn chính lại khiến cho một người trẻ tuổi dần dần mạnh mẽ và dễ dàng giải quyết tâm trạng xấu của chính mình.
- Vậy theo bà, tại sao tự tử lại dần trở thành một cách thức ngày càng nhiều em nghĩ đến ngay khi đối mặt với khó khăn, chuyện buồn chán trong cuộc sống?
- Tuổi trẻ là lứa tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Những khi rơi vào tâm trạng xấu, xu hướng các em suy nghĩ đến các phương án giải quyết hết sức tiêu cực là bình thường. Khi cuộc sống quá dễ dàng, nhàm chán, thiếu niềm vui, các bạn cảm thấy cái chết có vẻ dễ hơn, thoải mái hơn.
Tâm trạng con người rất dễ lan truyền. Khi bạn vui, xung quanh bạn cũng cảm thấy yêu đời và thoải mái. Khi bạn buồn, những người gần gũi của bạn cũng cảm thấy mệt mỏi, chán chường.
Nếu đám trẻ có quá ít hoạt động, suốt ngày chỉ học hành theo yêu cầu của cha mẹ thì việc các em muốn rời bỏ thế giới hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều khi các em không nhận thức hết được mức độ khủng khiếp của hậu quả chính mình gây ra như cái chết, nỗi đau đớn của gia đình, người thân, hoặc thương tật vĩnh viễn, sống và tồn tại trên xe lăn… Vì thế, đôi khi chỉ nghĩ tự tử như một sự đánh đổi đặc biệt mà thôi.
- Trong những câu chuyện về học sinh tự tử này thường có yếu tố liên quan đến việc phụ huynh ngăn cấm cản trở chuyện tình cảm. Vậy theo chị việc đó có nên hay không?
- Phụ huynh thường hay suy nghĩ một chiều, có tính áp đặt rất cao đến con cái. Để thoát ra khỏi tình trạng này đòi hỏi ý chí và sự hiểu biết rất sâu sắc về giới trẻ. Tuy nhiên, điều này không đơn giản và thực tế rõ ràng là không nhiều phụ huynh làm được.
Trong chuyện tình cảm của con trẻ, phụ huynh thường lo ngại và gắn tình yêu và tình dục là một, cũng như có suy nghĩ yêu thì sẽ cưới. Nhận xét bạn bè của con, hướng con đến một đối tượng cha mẹ thích hoặc ép buộc, cản trở tình cảm với đối tượng mà cha mẹ không thích là việc mà rất nhiều cha mẹ đã làm.
Tuy nhiên, cha mẹ không phải là chính người đang yêu, do vậy cha mẹ không thể hiểu nổi suy nghĩ của con. Do vậy, có thể nói việc ngăn trở, ép buộc là việc tuyệt đối không nên làm.
- Vậy theo bà, cần làm gì để tránh xảy ra những câu chuyện tương tự và có lời khuyên nào dành riêng cho các phụ huynh?
Để tránh xảy ra những câu chuyện buồn như thời gian qua, tôi nghĩ việc đầu tiên là các phụ huynh hãy cho con tham gia thật nhiều các hoạt động ngoài học tập, tạo cuộc sống phong phú và yêu đời cho con.
Ngoài ra, hơn ai hết, phụ huynh nhất định phải làm bạn với con, hãy nhớ lại tuổi trẻ cũng có lúc bồng bột của chính mình mà cảm thông cho lũ trẻ. Và có thể dạy cho con các kinh nghiệm sống bằng cách kể lại cho con kỉ niêm xưa kia cũng là phương án tối ưu để khuyên răn tuổi teen.
Tìm hiểu để biết về cuộc sống của con không có nghĩa là can thiêp thô bạo vào các mối quan hệ, đọc nhật kí, tra vấn bạn bè… Thể hiện tình yêu và sự quan tâm với con cũng không thể sử dụng phương thức ép buộc hay ngăn trở tình yêu.
Còn với các bạn trẻ, tôi khuyên các bạn hãy đổi mới cuộc sống của riêng mình, luôn tìm kiếm và tham gia những hoạt động hữu ích. Hãy chia sẻ mọi khó khăn của mình với bạn bè và gia đình, tuyệt đối không để bản thân rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Hãy dành chút thời gian dù ít ỏi của mình cho những công việc mà mình yêu thích, đó sẽ là chỗ dựa cho các bạn khi gặp chuyện buồn nản.
Trong quan hệ với cha mẹ, thay vì đối đầu, các bạn nên tìm kiếm sự ủng hộ bằng những lời tâm sự nhẹ nhàng bởi mọi chuyện đều có thể giải quyết. Hơn nữa, trước khi các bạn có người yêu, các bạn vẫn sống và sống tốt. Vì thế, đừng để cuộc đời của mình rơi vào tình trạng tuyệt vọng chỉ vì một mối quan hệ với một bạn trẻ nào đó.
Hơn nữa, các bạn hãy quan tâm đến việc các bạn sẽ làm gì, cống hiến gì cho cuộc đời này. Đặt mình vào những nhiệm vụ mới, các bạn sẽ nhanh chóng quên đi mọi nỗi buồn và chắc chắn niềm vui sẽ đến.