Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liệt nửa người sau khi được mổ lấy thai ở BV Phụ sản Mê Kông

Sau khi được gây tê màng cứng để mổ lấy thai, chị T. (TP.HCM) bị liệt nửa người bên trái. Hơn 2 tháng sau sinh, tình trạng sức khỏe của thai phụ vẫn chưa cải thiện.

Ngày 20/1, Zing nhận được đơn tố cáo của anh N.Đ.T.P. (29 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) về việc "bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Mê Kông bỏ qua tiền sử dị ứng thuốc tê khiến bệnh nhân bị liệt nửa người bên trái sau sinh”.

Anh P. cho biết ngày 2/11/2020, vợ mình là chị N.T.T.T. (29 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) đến Bệnh viện Phụ sản Mê Kông để nhập viện và yêu cầu mổ lấy thai do thai lớn, tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp.

Tại phòng tiền phẫu, thai phụ một lần nữa trình bày tiền sử 2 lần bị dị ứng thuốc tê (mổ chân và răng) và yêu cầu gây mê. Sau khi hội chẩn tiền phẫu, chị T. được ê-kíp thống nhất thông báo sẽ gây mê để mổ lấy thai.

“Khi vào phòng mổ, bác sĩ thực hiện gây mê Lê Quốc Hải tự ý đổi từ phương án gây mê sang gây tê. Sau khi tiêm thuốc tê vào tủy sống, vợ tôi co giật mạnh, nôn ói liên tục trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau ca mổ lấy thai, vợ tôi được đưa ra phòng hồi sức và phát hiện bị liệt nửa người bên trái. Các bác sĩ gọi tôi đến để báo về tình trạng hậu phẫu của vợ tôi nhưng không đề cập việc tự ý gây tê”, anh P. viết trong đơn.

Benh vien Mekong bi to lam san phu liet nua nguoi anh 1

Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Mekonghospital.

Liệt nửa người hơn 2 tháng sau sinh

Sau khi hội chẩn, Bệnh viện Phụ sản Mê Kông chuyển sản phụ T. đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại cơ sở y tế này, kết quả chụp MRI cho thấy sản phụ T. không bị vấn đề gì nhưng phải nằm theo dõi ở khoa Nội Thần kinh.

“Trong thời gian ở đây, vợ tôi hoàn toàn không được chăm sóc theo chế độ của sản phụ vừa phẫu thuật xong. Bệnh viện Phụ sản Mê Kông cũng không có mặt để hỗ trợ, theo dõi. Sau 2 ngày, vợ tôi được xuất viện, trở về Bệnh viện Phụ sản Mê Kông để chăm sóc hậu sản”, chồng sản phụ T. nói thêm.

Ngoài ra, anh P. cho biết gia đình có đề cập đến nguyên nhân khiến chị T. bị liệt nửa người là do dị ứng thuốc tê hay không nhưng các bác sĩ từ chối trả lời.

"Đến nay, vợ tôi phải đối mặt với việc không điều khiển được nửa người bên trái, cũng như sang chấn tâm lý, mất ngủ hoảng loạn hàng đêm. Trong suốt gần 50 ngày nằm viện, sắp xếp 2 buổi gặp mặt với gia đình nhưng không đưa ra kết luận cuối cùng cụ thể. Điều này làm gia đình tôi vô cùng phẫn nộ về cách thức làm việc cũng như giải quyết sự cố của bệnh viện”, anh P. bức xúc nói.

Chia sẻ với Zing, sản phụ T. cho biết hiện tại sức khỏe kém, liệt nửa người trái chưa hồi phục, trầm cảm, mất ngủ. Vì vậy, chị không thể sinh hoạt bình thường, bế con, cho con bú, vệ sinh cá nhân, đi lại…, mọi sinh hoạt phải nhờ trợ giúp từ người thân.

Benh vien Mekong bi to lam san phu liet nua nguoi anh 2

Sản phụ T. bị liệt nửa người, thể trạng yếu và không thể chăm sóc con. Ảnh: Bích Huệ.

Bệnh viện Phụ sản Mê Kông nói gì?

Tại buổi làm việc với báo chí chiều 20/1, bác sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, cho biết tình trạng của sản phụ T. là tai biến y khoa mà bệnh viện đã gặp. Theo bà, ngay sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã báo cáo nhanh về Sở Y tế TP.HCM và họp hội đồng chuyên môn.

Phóng viên đặt câu hỏi tại sao bác sĩ Lê Quốc Hải tự ý đổi phương pháp gây tê và ê-kíp mổ phát hiện sai chỉ định nhưng không có ý kiến gì? Trả lời câu hỏi, bác sĩ Nguyệt cho biết trước khi thực hiện thủ thuật trong phòng mổ, bác sĩ Hải làm test dị ứng gây tê cho sản phụ T. và cho kết quả âm tính nên quyết định gây tê cho sản phụ.

“Bác sĩ Hải muốn chọn giải pháp cho người bệnh nhưng sự thật là không đúng quy trình khám tiền mê trước đó. Xét về quy trình, bác sĩ Hải đã thực hiện thủ thuật không đúng và phán đoán sai. Ê-kíp mổ không quyết định và can thiệp phương pháp này, trừ chống chỉ định đặc biệt. Đây là kẽ hở và bệnh viện sẽ rút kinh nghiệm”, bà Nguyệt cho biết thêm.

Benh vien Mekong bi to lam san phu liet nua nguoi anh 3

Đại diện Bệnh viện Phụ sản Mê Kông trả lời báo chí về vụ việc sản phụ bị liệt nửa người sau khi mổ lấy thai. Ảnh: Bích Huệ.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, tình trạng của sản phụ T. hiếm gặp. Sau vụ việc, bệnh viện đã ngưng sử dụng loại thuốc gây tê này. Tuy nhiên, bà Nguyệt khẳng định: “Sản phụ T. không có biểu hiện của dị ứng thuốc tê hay sốc phản vệ như tụt huyết áp, trụy mạch, ngưng tim. Chúng tôi chụp MRI lần 2, tất cả xét nghiệm không thấy tổn thương thực tế nào. Hội đồng chuyên môn cũng chưa kết luận tình trạng của bệnh nhân là do thuốc gây tê”.

Lý giải nguyên nhân bệnh viện chậm trễ trong việc trả tóm tắt bệnh án cho chị T., bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, thừa nhận bệnh viện sơ suất trong việc phản hồi đơn đề nghị của bệnh nhân.

“Đề nghị của bệnh nhân trùng với thời gian bệnh viện tập trung hoàn chỉnh hoạt động, chuẩn bị cho đợt kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM nên có sự chậm trễ trong việc làm giấy xác nhận. Bên cạnh đó, tóm tắt bệnh án của bệnh nhân rất dày vì có đến 57 ngày nằm viện. Chúng tôi cân nhắc lựa chọn bản tóm tắt hoàn chỉnh cho bệnh nhân và phải trình lãnh đạo bệnh viện chỉnh sửa nhiều lần”, bác sĩ Tuấn nói thêm.

Bác sĩ Lê Minh Nguyệt cho biết hiện bác sĩ Lê Quốc Hải đã nhận lỗi và xin thôi việc. “Chúng tôi đã phối hợp các bệnh viện chuyên ngành để làm những điều tốt nhất cho sản phụ T. Tuy nhiên, sự phối hợp không đạt kết quả như mong đợi”, bà nói thêm.

Sản phụ suýt phải cắt bỏ tử cung sau cơn đau bụng dưới

Nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, tính mạng của sản phụ và thai nhi ở Quảng Ninh có thể gặp nguy hiểm, thậm chí, bà mẹ phải cắt bỏ tử cung.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm