Gõ từ khóa “selfie arm” trên Google, có đến hơn 7,5 triệu kết quả. Cụm từ này thậm chí được cập nhật trên từ điển cộng đồng Urban Dictionary.
Tạo dáng với “cánh tay tự sướng”. |
Vì sao “gây sốt”?
“Selfie arm” (SA) đơn giản là công cụ có chức năng tương tự gậy tự sướng (selfie stick) nhưng bề ngoài được thiết kế như cánh tay của người. SA được làm bằng sợi thủy tinh và có trọng lượng nhẹ, cấu tạo chính gồm tay cầm và giá đỡ điện thoại.
“Đây là sản phẩm dành riêng cho những ai cô đơn. Khi xem ảnh, chúng ta sẽ có cảm giác người trong ảnh đang tay trong tay cùng người giấu mặt nào đó. Như thế rõ ràng nó không nhàm chán, lạnh lẽo như việc chúng ta chụp với gậy tự sướng kiểu cũ” - hai nhà thiết kế người Mỹ Justin Crowe và Aric Snee giải thích lý do cho ra đời SA. Justin và Aric cho biết, mức giá của những SA đầu tiên là 6.200 USD.
“Không phải chuyện đùa chứ? Ai chịu bỏ ra số tiền như vậy để mua sản phẩm trên?”, “Nhìn cánh tay trông đáng sợ quá”, “Một ý tưởng thú vị và cần thiết, tôi chắc chắn sẽ mua”, “Sản phẩm sẽ bán đắt và hai nhà sản xuất sẽ trở thành triệu phú sớm thôi”... là những tranh luận trái chiều phổ biến từ bạn đọc trên các trang DailyMail, DPreview... Dễ dàng nhận thấy đa số ý kiến ủng hộ đều đến từ cộng đồng F.A(cụm từ dùng để chỉ các bạn trẻ đang trong tình trạng “chưa có mảnh tình vắt vai”).
Còn bạn trẻ Việt nghĩ gì? “Tôi nghĩ sản phẩm trên sẽ có một thị trường nhỏ, còn cá nhân tôi sẽ không bao giờ mua SA mặc dù tôi cũng là một F.A chính hiệu”- Quang Phước (ĐH Drexel, Hoa Kỳ) khẳng định.
Tương tự, Phi Anh (Trường ERC International) cũng cho rằng, bạn sẽ không dùng sản phẩm trên vì “thấy kỳ kỳ, con trai ai lại làm thế” và thấy bất tiện trong vận chuyển.
“Còn tôi lại rất thích ý tưởng này, chắc chắn sẽ mua nếu giá không quá cao và bàn tay nhìn trông thật hơn” - Ngọc Phượng (ĐH Tôn Đức Thắng) chia sẻ. Là một F.A và tự nhận bản thân có ngoại hình không bắt mắt, Ngọc Phượng cho biết, cô chưa từng được nắm tay con trai và thường phải đi chơi một mình.
Khi cần một bàn tay để nắm...
Chia sẻ về SA, nhà văn 8X Lưu Quang Minh (tác giả của các đầu sách: Gia tài tuổi 20, Em, Facebook và tôi, Sài Gòn café ngọt đắng...) cho biết: “Đây là sản phẩm độc đáo, đầy sáng tạo và cũng rất nhân văn. Tôi nghĩ rằng sản phẩm này sẽ thu hút giới F.A”.
Còn với thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học xã hội VN), sản phẩm trên có thể xem như liệu pháp tinh thần giúp giảm bớt cảm giác cô đơn, trống rỗng ở người sử dụng. Tuy vậy, điều khiến Quang Minh băn khoăn là việc SA ra đời và được tranh luận, đón nhận nồng nhiệt phải chăng phần nào báo hiệu hiện tượng người trẻ cô đơn đang mỗi ngày một phổ biến?
“Công nghệ đem lại cho con người rất nhiều điều tốt đẹp nhưng đồng thời lấy khỏi chúng ta những điều tuyệt vời khác. Cá nhân tôi từng nhiều lần chứng kiến cảnh các bạn trẻ đi cà phê cùng nhau nhưng tuyệt nhiên không nói với nhau một lời mà chỉ dán mắt vào màn hình điện thoại, có người vào cà phê và bồn chồn hoặc thừ người khi không vào được wifi... mà quên mất rằng mình vẫn còn những người bạn ngồi sát bên.
Việc phải trở thành F.A hoặc không còn bạn bè thân thật ra không quá khó hiểu với bộ phận bạn trẻ ngày nay. SA không phải là giải pháp lâu dài” - Quang Minh nói.
“Khi cần một bàn tay để nắm, hãy bỏ thiết bị số xuống và quan tâm đến người khác nhiều hơn...” - Quang Minh và Hòa An có cùng chia sẻ.
“Xã hội của chúng tôi có thể nói là đi đầu về công nghệ, nhưng phải thừa nhận rằng công nghệ dù có tân tiến thế nào cũng không thể thay thế được sự ấm áp giữa người và người. Tôi hy vọng những sản phẩm như cánh tay tự sướng, gậy tự sướng... sẽ không trở thành mặt hàng hot. Bởi nếu không, đó sẽ là tín hiệu buồn cho thế hệ của mình”- Kazuhiro (ĐH Waseda, Nhật Bản) nêu cảm nghĩ.