Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liệu ‘Frozen’ có đưa Disney tới kỷ Phục Hưng thứ hai?

Cùng nhìn lại thời kỳ Phục Hưng của Disney trong cuối thế kỷ 20 để cùng xem liệu hãng phim hoạt hình nổi tiếng đã sẵn sàng gây ra một cuộc cách mạng thứ hai hay chưa.

Frozen đã đem về cho Disney hai tượng vàng Oscar hồi đầu năm, vừa vượt qua Iron Man 3 để trở thành bộ phim ăn khách thứ năm trong lịch sử nhân loại với mức doanh thu 1,219 tỷ USD toàn cầu. Nhưng liệu tác phẩm đình đám này có thể đưa Disney tới một thời kỳ Phục Hưng rực rỡ nữa như trong thập niên 1990 hay không?

Hãy trở lại quãng thời gian thập niên 1970-1980, đó là giai đoạn ảm đạm đen tối đối với hãng Disney sau khi Walt Disney và Roy O. Disney lần lượt qua đời. Có hai sự kiện quan trọng đã xảy ra với hãng phim tại thời điểm đó. Đầu tiên là Don Bluth, một trong ba người nắm quyền chính tại Disney lúc bấy giờ quyết định tách ra mở hãng phim riêng và sau đó gặt hái được nhiều thành công. Hai là thất bại thảm hại của The Black Cauldron do hãng Disney sản xuất năm 1985. Bộ phim này chỉ thu về được 40 triệu USD doanh thu, chưa bằng một nửa số tiền doanh thu bỏ ra.

Những thành công nhất định của Who Framed Roger Rabbit năm 1988 đã giúp Disney tự tin bước vào thời kỳ Phục Hưng.

Trước viễn cảnh bi thảm đó, Disney đã quyết định thực hiện nhiều cuộc thay đổi nhân sự quan trọng. Khi Michael Eisner và Jeffrey Katzenberg rời Paramount Pictures sang Disney để trở thành những người chủ tịch mới thì hãng phim mới bắt đầu giai đoạn hồi sinh. Hai người đã sớm nắm bắt được những tín hiệu khả quan từ thị trường của bộ phim Who Framed Roger Rabbit. Đây là một bộ phim khá đặc biệt khi một nửa là hoạt hình, một nửa do người đóng, có sự hợp tác của đạo diễn kỳ tài Steven Spielberg.

Doanh thu của phim không chỉ đem lại lợi ích tài chính cho Disney, mà còn là một cú hích đúng thời điểm, giúp củng cố niềm tin cho hãng tiếp tục trung thành với hoạt hình vẽ tay truyền thống, đồng thời mang lại niềm hy vọng lớn lao cho các nhà làm phim tại Disney.  

Vậy cụ thể Disney đã rút ra được những bài học gì từ thành công của Who Framed Roger Rabbit? Thứ nhất, họ hiểu rằng khán giả vẫn còn rất khao khát được xem các bộ phim hoạt hình làm theo phong cách vẽ tay truyền thống. Thứ hai, thời đại mà những câu chuyện kể gối đầu giường cho trẻ em đã qua, hãng cần phải đột phá trong khâu kịch bản và thông điệp truyền tải, mở rộng đối tượng khán giả ra cho cả giới teen và người lớn.

Cuối cùng, quan trọng nhất, Disney không thể tiếp tục lặp lại những khung cảnh thần tiên như trong Cô nàng Lọ Lem hay Bạch Tuyết và bảy chú lùn với hình mẫu rập khuôn và một câu chuyện hoàng tử công chúa vô cùng nhàm chán nữa. Họ cần một sự cách tân toàn diện cả trong văn hóa lẫn bối cảnh câu chuyện. Thế là, bằng những nước đi được tính toán cẩn thận nhưng vô cùng táo bạo, Disney đã có một quãng thời gian hơn 10 năm rực rỡ từ năm 1989 tới năm 1999 và thường được giới phê bình gọi là thời kỳ Phục Hưng của Disney.

Thời kỳ Phục Hưng của Disney bao gồm các tác phẩm: Nàng tiên cá, Người đẹp và quái vật, Aladdin, Vua sư tử, Pocahontas, Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà, Hercules, Mộc LanTarzan.

Ở giai đoạn đầu, các nhà làm phim tin rằng chất lượng chính là yếu tố tiên quyết. Sau Who Framed Roger Rabbit, Disney cho ra đời hàng loạt những tác phẩm hoạt hình được đầu tư kỹ lưỡng từ nội dung, hình ảnh cho đến cách quảng bá, khác biệt hẳn so với những Bambi hay The Jungle Book ở giai đoạn trước. Và phát súng đầu tiên chính là The Little MermaidNàng tiên cá.

Với tác phẩm này, Disney đã đem nhạc kịch Broadway lên màn ảnh rộng, sáng tạo thêm bằng cách mời những ngôi sao nhạc pop nổi danh tại thời điểm đó như Billy Joel và Bette Midler tham gia. Đây là một bước đi thương mại vô cùng đúng đắn khi bộ phim thu về tới 86 triệu USD, cao gấp ba lần so với tác phẩm của đối thủ Don Bluth ra mắt cùng năm đó. The Little Mermaid cũng đem về giải Oscar lẫn Quả cầu vàng tại các hạng mục Nhạc phim Ca khúc trong phim.

Người đẹp và quái vật là bộ phim hoạt hình đầu tiên trong lịch sử được được đề cử Oscar tại hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất.

Trong khi đó, bộ phim tiếp theo Beauty and the BeastNgười đẹp và quái vật lại được khen ngợi hết lời về mặt thị giác. Những hình ảnh vẽ tay công phu trong phim đã chinh phục viện Hàn lâm Hoa Kỳ thành công tới mức đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên nhận được đề cử Oscar tại hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất.

Tuy nhiên, bước đột phát lớn nhất hẳn phải là The Lion KingVua sư tử, ra mắt vào năm 1994. Bộ phim tập hợp đầy đủ những yếu tố độc đáo giúp làm nên một tác phẩm hoạt hình kinh điển: những tạo hình vẽ tay tuyệt đẹp, những ca khúc trong phim do Elton John, Tim Rice và Hans Zimmer thực hiện, và một câu chuyện tuyệt vời ẩn dụ cho xã hội con người.

Tới nay, The Lion King vẫn là một đỉnh cao của hãng Disney trong thể loại phim hoạt hình.

Rõ ràng là bên cạnh việc chăm chút cho phần “hình thức”, Disney cũng không bỏ qua việc “làm mới” cả về nội dung. Và họ đã chọn cách mang những quan điểm xã hội mới mẻ và hiện đại vào trong phim. Các vai nữ chính trong phim ở giai đoạn trước như Lọ Lem hay Bạch Tuyết suốt ngày chỉ biết lau dọn nhà cửa, hát hò và thầm mơ về một ngày hoàng tử sẽ tới rước mình đi. Trong khi đó, ở giai đoạn này, những cô gái hiện đại lúc bấy giờ đã chủ động, độc lập và tự tin hơn rất nhiều. Họ sở hữu nhiều khao khát cá nhân mạnh mẽ: muốn hoàn thiện bản thân (Belle), tự do (Mộc Lan) hay thậm chí là bảo vệ quê hương (Pocahontas). Họ chính là những hình ảnh đại diện cho cái nhìn cách tân của Disney về vai trò của nữ giới và nữ quyền trong xã hội ở thập niên 1990.

Bên cạnh đó, những Pocahontas, Aladdin hay Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà không chỉ phản ánh nền văn hóa của các quốc gia trong thế giới thực trên phim, mà còn tạo ra những nhân vật chính diện đầy khiếm khuyết, điều mà trước đây Disney chưa bao giờ làm với Peter Pan, Bambi hay Người đẹp ngủ trong rừng. Ở Pocahontas, chúng ta thấy những người da trắng như John Smith lại trở thành những kẻ ác trong xã hội của những người da đỏ. Hay câu chuyện của Aladdin lại kể về một tên trộm có mơ ước lớn nhất là kiếm được thật nhiều tiền…

Aladdin là một dạng nhân vật chính mà Disney mang tới khi sở hữu không ít khiếm khuyết bản thân.

Trước đây, khán giả có thể sẽ không yêu mến những dạng nhân vật này, nhưng bằng cái nhìn đầy cảm thông và sâu sắc, Disney đã khéo léo lồng vào các câu chuyện phim những thông điệp về lòng vị tha, giúp các khán giả từ trẻ em cho đến người lớn đều có thể rút ra bài học về định kiến giữa con người với con người trong thời đại mới. Những nhân vật này có số phận bi thảm nhưng thực tế, mang tính cách phức tạp, và đã trở thành trung gian giữa Disney và khán giả, giúp hãng này thoát ra khỏi cách kể chuyện nhàm chán lẫn giáo điều ngày trước, đồng thời cho phép người xem được tự do lựa chọn góc nhìn cá nhân.

Thành công của Disney trong thời kỳ Phục Hưng cũng đến từ cách kể chuyện thẳng thắn đến mức đáng ngạc nhiên. Mặc dù được dán nhãn PG nhưng hầu hết các tác phẩm trong giai đoạn này đều có một đường dây kịch bản dứt khoát và ấn tượng. Ví dụ, trong The Lion King, khán giả được thấy cảnh Mufasa rơi xuống vực và bên dưới là một bầy linh dương đông đúc đang chạy gấp gáp. Còn trong Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà, khán giả hẳn không thể nào quên phân cảnh đức cha Frollo đuổi theo hai mẹ con Quasimodo và giết chết người phụ nữ mang dòng máu Gypsy trên đường phố Paris trong đêm tối.

Đây chắc chắn vẫn là một trường đoạn ám ảnh nhiều thế hệ khán giả của The Lion King.

Những sự thẳng thắn này chẳng những không khiến khán giả thấy phản cảm, mà ngược lại, còn chứng tỏ được lòng tin của Disney vào thế hệ khán giả trẻ. Tới thời điểm hiện nay, dù cho Tangled, Wreck-It Ralph, hay cả Frozen đều đạt doanh thu cao thì tất cả vẫn chưa được chứng kiến những trường đoạn thẳng thắn như trong quá khứ.

Cuối cùng, tính thời điểm cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên thời kỳ Phục Hưng cho Disney. Đây là quãng thời gian nhiều hãng phim hoạt hình tại Hollywood vẫn đang còn chập chững định hình, thì Disney đã dám thực hiện nhiều cuộc cách tân mạo hiểm. Sự tiên phong ấy vừa giúp Disney gây dựng lại được tên tuổi, vừa đánh dấu một thời kỳ huy hoàng trong lĩnh vực phim hoạt hình của nước Mỹ nói chung.

Trở lại với thành công của Frozen, nhiều nhà bình luận đã chỉ ra hàng loạt các phim ăn khách gần đây của Disney và cho rằng hãng này đang trên đường lấy lại phong độ. Câu hỏi, “Liệu Disney đã bước vào thời kỳ Phục Hưng thứ hai chưa?” cũng bắt đầu được đặt ra. Tuy nhiên, nếu xét những yếu tố dẫn tới thành công của thời kỳ Phục Hưng trước đây của Disney, xem ra hãng vẫn còn phải thực hiện thêm một số thay đổi mới có thể tạo ra một kỷ nguyên hoàng kim mới. Mọi kết luận vào lúc này xem ra vẫn còn là quá sớm.

Trinh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm