“Like là làm”, những hành động như nhảy cầu tự tử, mang xăng đến đốt trường hay tự công bố trên Internet những bức ảnh “nóng” của bản thân đã không còn là những chuyện chỉ có trong tiểu thuyết và có lẽ chưa phải những vụ cuối cùng.
Chúng ta, những người lớn nhìn vào đó và cảm thấy bất an, lo lắng. Ai dám chắc những chuyện như thế rồi sẽ không xảy ra với con cháu mình hay của những người thân thiết?
Xa hơn nữa, đất nước, cộng đồng xã hội của chúng ta, mọi thứ có tồn tại và tiếp tục phát triển được hay không phải dựa vào tuổi trẻ rồi đây 10, 20 năm nữa sẽ ra sao?
Nữ sinh châm lửa đốt ngay trước cửa phòng y tế của trường. Ảnh cắt từ clip.
|
Những thanh thiếu niên, tuổi đời còn rất trẻ, chặng đường nhân sinh còn rất dài ở phía trước, tại sao lại làm những hành động điên rồ như vậy?
Khi lý giải nguyên nhân tại sao thanh thiếu niên có những hành động bột phát và thiếu lý trí như trên, nhiều người nghĩ ngay tới các trang mạng như Facebook và trào lưu share, like trên đó.
Không phải ngẫu nhiên trên thế giới, các gia đình đều có đặt ra những quy định riêng cho con cái khi tiếp xúc với interntet và các trang mạng xã hội.
Một con dao làm bếp bình thường cũng có thể trở thành hung khí giết người nếu rơi vào tay tội phạm. Thay vì kết tội con dao, hãy nhìn sâu vào bối cảnh xã hội nảy sinh các hiện tượng nói trên trong mối liên hệ với rất nhiều hiện tượng khác của giới trẻ, như bạo lực, ma túy và say mê thần tượng quá mức...
Đầy đủ vật chất nhưng trống rỗng tâm hồn
Thế giới hiện tại tràn ngập trong vật chất và thông tin. Nhưng cũng trong thế giới ấy, bị cuốn vào vòng xoáy của sản xuất hàng loạt và nhịp điệu cuộc sống nhanh, con người trở nên dễ mất tập trung và sự lưu tâm đến những mối quan hệ xung quanh.
Hệ quả là mối liên hệ giữa con người với con người nhạt đi. Trong thế giới ấy, những cá nhân gặp trục trặc trong thiết lập mối quan hệ giao tiếp với những người xung quanh sẽ rơi vào trạng thái trống rỗng, cô đơn.
Dù Việt Nam chưa thành nước công nghiệp và tỷ lệ dân cư sống trong thành phố không cao, do những đặc thù riêng, vấn đề trên sẽ ngày càng trở nên trầm trọng.
Ở phương diện hẹp, sự đô thị hóa với tốc độ nhanh kèm theo sự du nhập lối sinh hoạt mới và sự di động cơ học của dân số ra thành phố đã phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống nhanh chóng. Cảnh bố mẹ tất bật từ sáng tới đêm vì công việc và phó mặc con cái cho người giúp việc hay ông bà không còn hiếm.
Nếu như trong cấu trúc xã hội truyền thống trước kia, thanh thiếu niên được trưởng thành và xã hội hóa nhờ vào gia đình và xã hội cộng đồng ở địa phương (làng), thì giờ đây không gian ấy cũng không còn nữa. Mọi chức năng của gia đình và xã hội địa phương đã chuyển sang cho trường học.
Nhưng đáng buồn thay, giáo dục trường học lại đang quá nhiều bộn bề. Kết quả là khi trường học không còn là nơi nương tựa, đi về của mình nữa, nhiều thanh thiếu niên sẽ có cảm giác bơ vơ giống như bị đẩy ra ngoài lề của xã hội.
Cần có một nghiên cứu điều tra chi tiết, nhưng hãy thử nhìn lại xem trong số những trường hợp thanh thiếu niên “đủ like là làm” như trên có bao nhiêu em cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình ở gia đình và trường học?
Các bậc phụ huynh và thầy cô giáo hãy thử nhìn lại xem bản thân có quan tâm đầy đủ đến thế giới tinh thần và nhu cầu, bày tỏ, giao tiếp của con cái, học sinh chưa?
Bố mẹ rất có thể sẽ mơ ước con mình trở thành thiên tài,người có quyền cao hoặc kiếm được rất nhiều tiền. Các giáo viên có thể luôn mơ ước học sinh của mình giỏi toàn diện và thi đâu đỗ đấy.
Nhưng bọn trẻ, những cá nhân đang tuổi trưởng thành và nhìn thế giới bằng con mắt hồn nhiên, chân thật nhất, trong rất nhiều trường hợp lại chỉ cần đến sự yêu thương, quan tâm, cơ hội để theo đuổi niềm đam mê, cũng như không gian để thể hiện bản thân.
Có phải chăng người lớn khi bỏ mặc thanh thiếu niên để lao vào giành giật và phá hủy thế giới bằng những tham vọng thiển cận đã tước đi không gian sinh tồn và biểu đạt của con em mình.
Từ đó, các em phải tìm đến thế giới mạng mà bày tỏ, tìm kiếm sự quan tâm và được thể hiện bản thân trong nỗi buồn cô đơn và trống rỗng?