Linh vật, hay còn gọi là vật làm phước, là một trong những yếu tố được đề cao tại Nhật Bản. Từ công ty, doanh nghiệp cho đến các thị trấn, cộng đồng, sự kiện, linh vật được coi là biểu tượng, hình ảnh đại diện và truyền tải những mong muốn tốt đẹp. Trong ảnh, linh vật Zushihocky đại diện cho thị trấn Hokuto, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản. |
Dù đa số con vật được chọn đều đáng yêu, bắt mắt, nhiều linh vật tại xứ hoa anh đào lại có vẻ ngoài khó hiểu. Zushihocky là một trong số đó. Năm 2013, nó được chọn làm hình ảnh đặc trưng của thị trấn ven biển. Ý tưởng thiết kế ra linh vật này bắt nguồn từ sự kết hợp giữa hai đặc sản của khu vực: gạo Fukkurinko và ngao 'hokki-gai'. |
Với phần đầu cố tình phóng to, phần thân sần sùi tượng trưng cho hạt gạo và miệng cười rộng, Zushihocky khiến nhiều người thắc mắc về tính thẩm mĩ của linh vật này. Các quan chức địa phương cũng thừa nhận trẻ em thường xuyên khóc, sợ sệt khi nhìn thấy Zushihocky xuất hiện tại các sự kiện địa phương. "Linh vật của chúng tôi thường tìm cách làm bạn ngạc nhiên bất ngờ, vì vậy hãy cẩn thận khi nó đến gần bên bạn", một người dân ở Hokuto hài hước nói. |
Tuy nhiên, chính quyền thị trấn khá đầu tư vào hình ảnh đại diện này. Zushihocky có thư mục riêng trên trang web của thành phố, đồng thời sở hữu một kênh YouTube riêng. Như nhiều nhân vật khác, Zushihocky xuất hiện trên nhiều sản phẩm, từ móc chìa khóa cho đến hộp cơm trưa, khăn tay và nhiều loại đồ lưu niệm khác. |
Zushihocky từng giành giải nhất trong cuộc thi bình chọn “Linh vật ấn tượng nhất” do một công ty có trụ sở tại Tokyo, chuyên ủng hộ các công đồng địa phương, tổ chức. Những người bình chọn chia sẻ lý do họ bỏ phiếu cho nhân vật lấy ý tưởng từ gạo và ngao này là bởi vẻ ngoài có phần "gây sốc, thậm chí hơi nguy hiểm của nó". |
“Chúng tôi rất vui sướng khi đạt giải thưởng này và hy vọng nó sẽ giúp người dân biết đến, đi du lịch tới Hokuto nhiều hơn”, Takahiro Nishiyama, một nhà quy hoạch tại thị trấn, cho biết. |
Dù vẻ ngoài bị nhiều người đánh giá là xấu xí, kỳ quặc, người dân ở Hokuto vẫn yêu mến linh vật của thị trấn. Theo Kyle Cleveland, giáo sư về văn hóa Nhật Bản tại Đại học Temple (Mỹ), người dân có lý do để tiếp tục duy trì hoạt động của các linh vật. “Chúng xuất hiện nhiều trên truyền thông, trở nên phổ biến và giúp việc bán các mặt hàng có hình ảnh chúng đắt khách hơn”, ông nói. |