Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Lính xanh' luyện khuyển

Những chiến sĩ ở Cụm cơ động chó nghiệp vụ 4 (thuộc trường trung cấp 24, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng) có một công việc hết sức đặc biệt, đó là luyện khuyển.

'Lính xanh' luyện khuyển

Những chiến sĩ ở Cụm cơ động chó nghiệp vụ 4 (thuộc trường trung cấp 24, Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng) có một công việc hết sức đặc biệt, đó là luyện khuyển.

Ở một nơi như đơn vị huấn luyện chó nghiệp vụ này thật khó bắt gặp những chú cún dễ thương, nhỏ nhắn và đi lại ngúng nguẩy. Bởi tất cả mấy chục con chó thuộc đơn vị đều là giống béc giê, có khai sinh, tên, mã số và đặc biệt là rất to con, dũng mãnh. “Yên tâm đi, nhất cử nhất động của chó nghiệp vụ đều theo lệnh. Nếu chưa được “phất cờ” nó cũng không sủa, không cắn đâu...”, Cụm trưởng - Đại úy Phạm Trung Kiên cho biết.

 
Chó nghiệp vụ dũng mãnh lao lên tấn công tên cướp giả định.

Ngoài ra, Đại úy còn nói thêm: chó nghiệp vụ của biên phòng có khá nhiều loại, phổ biến là chó chiến đấu, chó phát hiện ma túy, chó tìm kiếm chất nổ, chó cứu hộ cứu nạn... Riêng với chó chiến đấu, mỗi con trưởng thành có thể nặng hơn 35 kg và cao hơn 70 cm, có thể đánh gục “đối tượng” ngay cú bổ nhào đầu tiên. Cũng vì lẽ ấy mà lính “luyện khuyển” đa phần là lính trẻ, tuổi dưới 35, có sức vóc và dẻo dai mới kham nổi công việc.

“Khi nhập trường, các tân binh đều được giao một con chó hơn 1 năm tuổi, thời gian tùy vào học sơ cấp hay trung cấp nhưng khi anh này tốt nghiệp thì chó của anh ấy cũng tốt nghiệp. Không chỉ trên giấy tờ hồ sơ mà thực sự là đời của họ đã dính vào nhau từ đây”, Đại úy Kiên nói.

Ví như chàng trai Hà thành, trung úy Phùng Quang Anh (33 tuổi), dẫu từ bé đã rất mê động vật nhưng anh thú thật rằng ngày đầu vào trường, nhìn quanh toàn là chó nghiệp vụ nên cũng thấy rờn rợn. Vậy mà sau 13 năm trong nghề, anh đã huấn luyện thành công được 3 “người bạn”, tất cả đều là chó chiến đấu. “Dạy chó mà không gắn đời với chó không lẽ với... mèo. Mình yêu thương nó, nó sẽ mến mình thôi”, Trung úy Anh tự trào.

Buồn vui chuyện nghề

Chế độ ăn của “các anh lính động vật” này khá “khủng”, bình thường thì 50.000 - 60.000 đồng/ngày, lúc tập căng thì có khi cả 100.000 đồng/ngày. “Ngoài thức ăn thường xuyên là cám khô và thịt hộp, có khi chó nghiệp vụ còn được “súc miệng” buổi sáng bằng trứng vịt lộn, “đánh răng” buổi tối bằng sữa cao cấp ”, một lính trẻ tếu táo nói.

Đối mặt với chó nghiệp vụ chưa bao giờ là chuyện chơi bởi người ta có câu “mồm chó, vó ngựa”, đến con chó nhà khi cuồng lên mà cắn người cũng đủ mệt huống hồ đây là chó đã được huấn luyện các kỹ năng tác chiến. “Dạo mới vào nghề, trong một lần đóng vai nghi phạm buôn ma túy để chó tấn công, dây buộc bao tay bảo hiểm bỗng nhiên đứt, trong khi con chó đã “ra đòn”. May có 3, 4 đồng đội kịp thời lao ra hét thị uy để ép chó dừng đòn nếu không thì mất tay rồi chứ còn đâu...”, Trung úy Anh rùng mình kể lại. Không riêng gì Trung úy này mà những anh em trong đơn vị cũng từng nếm đủ vài miếng vồ, táp của chó nghiệp vụ trong lúc luyện tập. Nhẹ thì trầy da chảy máu, nặng thì rách một miếng thịt. Tai nạn nghề nghiệp là chuyện cơm bữa, thật như đời lính luyện chó.

Còn đối với Trung úy Tăng Anh Hảo, “bảo mẫu” duy nhất của đàn chó trong đơn vị này, thì: “Chó không biết nói như người và lại khó tiếp xúc nếu không phải là chủ của nó, nên nếu muốn “đọc” được những biểu hiện của chúng để tìm ra bệnh không có cách nào khác là phải thực sự thương yêu, vuốt ve. Tất cả đều phải xuất phát từ tình cảm”.

Không yêu thương sao được khi dù đã có mã số riêng nhưng các chú khuyển này còn được các anh lính đặt cho nhiều cái tên nghe rất “yêu”: Rex, Vốt Va, Luc ky, Mô tan... Không chăm lo sao được khi lính luyện khuyển thường cho “bạn mình” ăn trước mới ngồi vào bàn. Thậm chí, đêm ngủ, lỡ có chú chó nào rên lên một tiếng, các anh cũng giật mình vùng dậy, rọi đèn kiểm tra. “Nghề nào cũng có cái sướng cái khổ thôi mà. Và nói vậy thôi, nếu có trong tay một vài người bạn gần gũi, oai vệ và dũng mãnh như những chú khuyển của chúng tôi hẳn bạn cũng sẽ thấy hạnh phúc”, Đại úy Phạm Trung Kiên chia sẻ.

Lực lượng biên phòng có 5 cụm chính để “luyện khuyển”, chia theo khu vực, vị trí địa lý. Trong đó, đối với cụm 4 được thành lập từ tháng 8/2009, đóng quân tại xã A Ngo (huyện Đakrông, Quảng Trị) là đơn vị thường trực, sẵn sàng chiến đấu, khi “có biến” và có yêu cầu phối hợp thì cán bộ chiến sĩ cùng đàn chó nghiệp vụ sẽ lập tức lên đường, chủ yếu là trong địa bàn miền Trung.

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm